LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần để Bộ đội ta thần tốc giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử cùng nhiều câu chuyện thú vị.
---
Ngay từ khi cuộc Tổng Tiến công nổi dậy "Mùa Xuân năm 1975" bắt đầu, được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) đã tổ chức một Bộ Tư lệnh (BTL) tiền phương do đích thân Đại tá Đào Huy Vũ - Tư lệnh binh chủng và Thượng tá Đào Quang Xuân - Phó chính ủy binh chủng trực tiếp chỉ huy cơ động vào Tây Thừa Thiên.
Nhờ vậy, Bộ Tư lệnh (BTL) tiền phương kịp thời tham gia chỉ đạo chiến dịch Huế - Đà Nẵng bên cạnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2. Tiếp đó, tiền phương TTG đã luôn ở bên cạnh Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải và đã tham mưu đắc lực cho BTL về sử dụng TTG trong suốt các chiến dịch sau đó.
"Vị tướng thứ tám" trong cuộc họp ven đường
Để thống nhất kế hoạch tiến công Phan Rang, chiều 15.4.1975 Trung tướng Lê Trọng Tấn đã triệu tập hội ý Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải ở vị trí tạm dừng gần Ba Ngòi (thuộc địa phận Cam Ranh, Khánh Hòa).
Đại tá Đào Huy Vũ, Tư lệnh tiền phương TTG vẫn đi cùng lực lượng phái đi trước của cánh quân Duyên hải cũng được mời tham gia. Biết nhau đã lâu, tướng Lê Trọng Tấn tin rằng người sĩ quan này sẽ giúp ông nhiều trong sử dụng TTG trong thời gian tới, đặc biệt trong trận đánh Phan Rang nay mai.
Sở chỉ huy chưa được bố trí xong, Tư lệnh Lê Trọng Tấn quyết định hội ý ngay tại một bãi cỏ nằm cách mặt đường Quốc lộ 1 chừng 10 mét. Ông cho trợ lý tác chiến trải tấm bản đồ xuống bãi cỏ rồi mời mọi người đến gần.
Trung tá Bùi Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 trao cờ cho Thiếu úy Bùi Quang Thận – Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn 203 trước khi đơn vị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Nhìn các cán bộ dưới quyền người ngồi xổm, người ngồi bệt, người cúi lom khom chăm chú nhìn bản đồ, tướng Lê Trọng Tấn hài hước: "Chẳng mấy khi có tới 7 ông tướng đến nhà mà sơ xuất quá, không có cả cái chỗ tử tế mà ngồi. Các ông thông cảm nhé!".
Vốn đã bắt tay chào hỏi mọi người khi vừa đến nơi nên Đại tá Đào Huy Vũ đã biết thành phần đang có mặt tại đây nên vội sửa: "Có 6 thôi chứ, thủ trưởng!". Tướng Lê Trọng Tấn cười khà khà: "Thì người ta vẫn gọi cậu là tướng xe tăng từ lâu rồi mà. Sợ khao à, keo kiệt thế?". Mọi người cùng cười ầm lên, không khí thật là sảng khoái, thanh bình.
Vào cuộc họp, sau khi thông báo tình hình và sơ bộ ý định của mình, tướng Lê Trọng Tấn yêu cầu Tư lệnh TTG trình bày về hình thức chiến thuật "tiến công trong hành tiến" - một hình thức tác chiến còn khá mới đối với quân đội ta trong thời điểm đó đồng thời tham mưu luôn việc sử dụng TTG trong trận Phan Rang.
Vốn là người ham học, ham đọc, lại vừa mới được đi tập huấn ở Liên Xô về năm 1974, Đại tá Đào Huy Vũ rất tâm đắc với hình thức này và đã chú tâm nghiên cứu. Đặc biệt sau trận tiến công Hải Vân của Đại đội XT3 tăng cường cho Trung đoàn BB 18 ông đã nhận xét: với tình hình hiện nay, đây có thể sẽ là một hình thức được áp dụng nhiều.
Vì vậy, khi được Tư lệnh cánh quân yêu cầu, ông đã trình bày rất thuyết phục về các đặc điểm, yêu cầu cũng như cách thức tổ chức lực lượng của hình thức tác chiến này.
Tiếp đó, ông đề xuất sử dụng đội hình hai thê đội, đưa bộ binh lên TTG để tận dụng tối đa sức cơ động và hỏa lực của chúng trong trận đánh hôm sau. Khi kết luận hội ý, tướng Lê Trọng Tấn cơ bản đồng ý với đề xuất này.
Kết thúc cuộc họp, Đại tá Đào Huy Vũ có một đề nghị với Trung tướng Lê Trọng Tấn: "Do hình thức tác chiến này còn khá mới, cần nghiên cứu rút kinh nghiệm nhiều. Vì vậy, xin phép thủ trưởng cho tôi được đi cùng đội hình chiến đấu".
Ngần ngừ một lát, tướng Lê Trọng Tấn gật đầu: "Tôi đồng ý song cậu phải hết sức cẩn thận đấy!".
Trẻ như các cậu chết thì tiếc lắm!
Sau hội ý, trở về Bộ Tư lệnh tiền phương TTG, Đại tá Đào Huy Vũ trao đổi với Phó chính ủy Đào Quang Xuân: "Tôi đã được Tư lệnh cho đi cùng trong đội hình chiến đấu để quan sát, rút kinh nghiệm. Số còn lại đề nghị anh chỉ huy cơ động phía sau với cự ly cho thích hợp".
Tiếp đó ông gọi Thiếu tá Phùng Minh - Trưởng phòng Tác chiến và Đại úy Trương Công Hằng - Trợ lý Phòng Chính trị giao nhiệm vụ: "Hai cậu chuẩn bị mai đi cùng tôi! Cậu Minh chọn một chiến sĩ thông tin nhanh nhẹn, mang theo 1 đài 2 oát đi cùng".5 giờ sáng ngày 16.4.1975 quân ta nổ súng tiến công Phan Rang.
Dẫn đầu đội hình là Đại đội XT3, tiếp đó là 2 đại đội xe thiết giáp 8 và 9. Sau các xe TTG của Tiểu đoàn TTG 4 là các xe tải chở bộ binh của Trung đoàn 101.
Chiếc xe com-măng-ca của Đại tá Đào Huy Vũ do lái xe Nông Đức Nam điều khiển chạy lẫn trong đoàn xe tải. Trên xe, Đại tá Đào Huy Vũ và các xe vừa căng mắt quan sát tình hình vừa dỏng tai nghe các xe TTG trao đổi với nhau qua chiếc máy vô tuyến điện 2 oát.
Trận kịch chiến bắt đầu từ khu vực Bà Râu, Ba Tháp. Binh lính VNCH bố trí trong các công sự làm gấp dùng mọi loại hỏa lực ngăn chặn lực lượng tiến công. Do tiến công theo một trục đường, bắt buộc phải sử dụng đội hình hàng dọc nên rất khó triển khai hỏa lực.
Trong lúc đó, từ phía nam hàng chục chiếc máy bay cả phản lực và trực thăng xuất hiện. Chúng thay nhau lao xuống cắt bom, phóng tên lửa, bắn 20 mm như mưa vào đội hình tiến công. Một xe tăng K63-85 và một xe thiết giáp K63 trúng đạn bùng cháy.
Tuy nhiên, kể cả bộ binh dưới đất và không quân trên trời cũng không ngăn nổi lực lượng Quân giải phóng (QGP). Sau hơn 2 giờ chiến đấu, Thê đội 1 của QGP đã đột nhập thị xã Phan Rang, chiếm dinh tỉnh trưởng, cảng Ninh Chữ và cử một mũi lên hỗ trợ Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay Thành Sơn.
Sau khi gặp Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TTG 4 Phạm Ngọc Bảng để nắm tình hình và giao nhiệm vụ tiếp theo, Đại tá Đào Huy Vũ quyết định lên sân bay Thành Sơn. Vì tin tưởng rằng đã có 1 phân đội xe tăng, thiết giáp đi trước lên hỗ trợ cho Sư đoàn 3 đánh sân bay Thành Sơn nên ông hạ lệnh cho lái xe Nam: "Lên sân bay Thành Sơn!".
Bằng trí nhớ của một người đã từng chiến đấu ở địa bàn này và tấm bản đồ trong tay, ông hướng dẫn lái xe Nam đi vào đường 11 nhằm hướng Tây thẳng tới.
Ra khỏi thị xã, cảnh vật càng ngày càng hoang vắng. Con đường Quốc lộ 11 chạy giữa hun hút những cánh rừng lúp xúp cỏ lau và cây bụi, đôi chỗ là những vườn nho xanh mướt. Khi thấy phía trước có tấm biển chỉ dẫn giao nhau với đường sắt, ông Đào biết là sắp đến lối rẽ vào sân bay nên nhắc lái xe Nam: "Qua đường sắt, gặp ngã ba thì rẽ phải!".
Bỗng nhiên, trên đoạn đường sắt xuất hiện một đoàn người. Từ xa không nhìn rõ trang phục nhưng thấy đều mang súng. Khi cả xe còn đang phân vân không biết là ta hay địch thì một loạt đạn đã cày ngay trước mặt*.
Với một phản xạ cự kỳ nhanh nhạy, lái xe Nông Đức Nam lượn sát ra lề đường rồi cua một vòng gấp quay ngược đầu xe về phía thị xã, mấy thày trò trên xe đều bị dạt sang một bên.
Từ phía đường sắt quân số địch đã tăng lên và hỏa lực nhằm vào chiếc xe con đơn thương độc mã cũng tăng lên theo. Những làn đạn chiu chíu xung quanh xe, xuyên qua cả bạt che làm tất cả mọi người trên xe đều phải cúi rạp đầu tránh đạn. Mấy khẩu AK dắt trên tấm bạt cuối xe song không ai kịp lấy ra để bắn trả.
Bỗng chiếc xe lạng đi, một lốp xe đã bị trúng đạn. Lái xe Nam vẫn căng người giữ vững tay lái. Chiếc xe như người thọt một chân thập thễnh chạy giữa làn đạn dày đặc. Mấy giây sau cả 4 chiếc lốp đều trúng đạn. Nam vẫn dấn chân ga hết cỡ, chiếc xe như nặng hơn hàng tấn so với ngày thường nhưng vẫn chạy được với tốc độ khá cao.
Cho đến khi ra khỏi tầm đạn địch, cả xe mới thở phào nhẹ nhõm. Tất cả xuống xe và hết sức kinh ngạc khi 4 bánh xe đang bốc khói khét lẹt. Còn tấm vải bạt mui xe cũng thủng lỗ chỗ vài lỗ.
Nhìn những lỗ thủng trên mui xe, Đại tá Đào Huy Vũ chậm rãi: "Cậu Nam hôm nay xử trí tốt lắm! Nếu không ta chết cả rồi. Tớ già rồi có chết cũng chẳng sao nhưng còn các cậu, trẻ thế kia mà chết thì tiếc lắm!".
(*) Sau này điều tra mới rõ đây là tàn quân địch từ sân bay Thành Sơn chạy về phía nam theo đường sắt.