Trong tuyên bố đầu tiên sau khi ông Pompeo phát biểu về chính sách của Washington về Iran sau khi rút khỏi JCPOA, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã nêu ra 7 điều kiện cho các quốc gia châu Âu nếu họ muốn Tehran ở lại thỏa thuận này.
Trước việc Mỹ đe dọa sẽ nhắm trừng phạt vào các công ty EU đang làm ăn với Iran, ông Khamenei nói rằng, các ngân hàng châu Âu nên bảo vệ hoạt động thương mại với Iran.
"Chúng tôi không muốn bắt đầu một cuộc chiến với châu Âu nhưng ba nước này (Đức, Pháp, Anh) đã chỉ ra rằng họ sẽ đi theo Mỹ trong những vấn đề nhạy cảm nhất", ông nói thêm.
Đồng thời, một bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của ông Ayatollah Ali Khamenei cũng cáo buộc Đức, Pháp và Anh đã giữ im lặng trong suốt hai năm khi Mỹ vi phạm thỏa thuận năm 2015.
Ông Khamenei nói rằng, EU phải phản đối việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Iran và có lập trường cứng rắn chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này.
Twitter của ông Khamenei cũng nhấn mạnh, nếu người châu Âu ngần ngại trong việc đáp ứng nhu cầu của chúng tôi, Iran có quyền tiếp tục các hoạt động hạt nhân của mình. Khi chúng tôi phát hiện ra #JCPOA không có lợi ích, một trong các lựa chọn của chúng tôi là tiếp tục các hoạt động đã bị hủy bỏ.
Trong một động thái khác, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã lên án lời đe dọa trừng phạt gần đây được Mỹ công bố, nói rằng chính sách ngoại giao của Mỹ là sự "giả tạo".
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra danh sách 12 yêu cầu đối với Iran, đe doạ áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử” nếu Tehran không tuân thủ.
Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Tất cả các bên khác trong thỏa thuận này - Nga, Trung Quốc, Iran, Đức, Pháp và Anh đều không ủng hộ động thái của Mỹ.