Canada - đích ngắm mới cho chiến lược “thoát Nga” về năng lượng của châu Âu

Phạm Huân |

Canada và Đức vừa ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro sang châu Âu nhân chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Canada.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu liên tục đạt kỷ lục mới. Ảnh: Getty Images

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu liên tục đạt kỷ lục mới. Ảnh: Getty Images

Ý nghĩa với châu Âu

Canada và Đức ngày 23/08 đã ký kết một thỏa thuận mang tên "Liên minh năng lượng Hydro", nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu nguồn năng lượng sạch này từ Canada sang Đức trước năm 2025. Thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Đức nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga khi mà trong những tháng gần đây, Nga đã giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên đến châu Âu.

Đức đang đặt hy vọng vào nhiên liệu hydro để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài và là một phần của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn vì không giống như nhiên liệu hóa thạch, hydro không tạo ra khí thải độc hại. Tuy nhiên, Đức không thể tự đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và đang "để mắt" đến nguồn cung tiềm năng của Canada. Vùng Đại Tây Dương của Canada được kỳ vọng là nơi có thể sử dụng các nguồn năng lượng gió để sản xuất nhiên liệu hydro. Đây là một điểm thu hút đối với Đức, quốc gia đang hướng tới các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, bao gồm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giới quan sát cho rằng, thúc đẩy hợp tác năng lượng lúc này là lựa chọn “đôi bên cùng có lợi” vì Canada hiện là nhà sản xuất lớn về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), trong khi Đức đang gặp nhiều rắc rối trong việc duy trì các đường ống Dòng chảy phương Bắc. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Đức thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) hiện chỉ bằng khoảng 20% so với trước xung đột tại Ukraine và Berlin nhận định, con số này sẽ tiếp tục sụt giảm khi Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt từ ngày 30-8 để bảo trì đường ống.

Dù lô hàng đầu tiên giao cho Đức có thể diễn ra trong vài năm tới, nhưng thỏa thuận nói trên đánh dấu chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu năm. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng cho thấy sự cương quyết của Đức muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga trong lúc Moscow giảm mạnh nguồn cung khí đốt đến “lục địa già” khiến kinh tế Đức rơi vào tình thế hết sức khó khăn.

Canada có thể là đích ngắm mới cho chiến lược “thoát Nga” về năng lượng

Mục đích chuyến thăm Canada của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong tháng 9 chính là tìm kiếm giải pháp về an ninh năng lượng cho "lục địa già" nói chung. Năng lượng là một phần quan trọng trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Canada và EU và lĩnh vực này hiện đang là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương trong bối cảnh có nhiều quan ngại về phục hồi và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, an ninh năng lượng và các tác động môi trường của sản xuất và sử dụng năng lượng.

Hợp tác năng lượng còn có ích lợi lâu dài, bởi Canada đang theo đuổi lộ trình đạt được kinh tế trung hòa khí thải carbon, và trở thành một nhà cung cấp năng lượng lớn của thế giới nhờ mũi nhọn sản xuất nhiên liệu hydro “sạch” thông qua hạ tầng điện gió. Nếu thuận lợi, đất nước này có thể xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn hydro mỗi năm, tiến tới trở thành một trong ba nhà xuất khẩu hydro hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Chính vì vậy, việc có thể thí điểm cung cấp hydro cho Đức, nền kinh tế số một châu Âu và sau đó là toàn bộ châu Âu thực sự là cơ hội ngàn vàng cho Canada, đổi lại, Đức và châu Âu đang đặt niềm tin vào nhiên liệu hydro, coi đây là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn hữu hiệu và khả thi, đồng thời cũng là một trong những cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Canada có thể là đích mới trong chiến lược thoát Nga về năng lượng của châu Âu trong dài hạn nhưng về ngắn hạn thì không khả thi vì nước này chưa có đủ phương tiện để xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng ra quốc tế và hoạt động sản xuất hydro xanh vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

Thách thức của Canada

Canada đang trong quá trình tăng khả năng xuất khẩu khí đốt tự nhiên lên tương đương 100.000 thùng dầu mỗi ngày vào cuối năm nay, giữa lúc châu Âu cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada đang nỗ lực bổ sung vào nguồn cung năng lượng toàn cầu ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, mục tiêu của Canada là trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt, như nhiên liệu hydro.

Thủ tướng Trudeau vẫn để ngỏ cánh cửa cho các dự án khí hóa lỏng mới từ bờ biển Đại Tây Dương của Canada, dù nhấn mạnh rằng những khó khăn kinh tế của những dự án như vậy và sẽ mất nhiều năm để hoàn thành, trong khi thế giới đang chạy đua để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng khí đốt tự nhiên sẽ phải được vận chuyển bằng đường ống từ các mỏ khí đốt ở Tây Canada đến một nhà ga hóa lỏng vẫn chưa được xây dựng trên bờ biển Đại Tây Dương để cung cấp cho châu Âu. Theo ông Trudeau, một dự án như vậy sẽ rất tốn kém và có thể thấy là không có lợi về lâu dài do Châu Âu đang cam kết nhanh chóng chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch hơn. Ngay cả khi các bên tìm ra được giải pháp để khai thác và tăng xuất khẩu khí hóa lỏng từ Canada, thì Đức hay các nước châu Âu khác cũng không có cơ sở hạ tầng để nhận.

Ngoài ra, còn một thách thức không nhỏ đối với Thủ tướng Justin Trudeau đó là chính phủ của ông là thiểu số, do đó, mọi quyết sách, chính sách hay khoản ngân sách lớn sẽ phải có đàm phán và thỏa hiệp với đảng Dân chủ mới liên minh nhằm đạt được sự ủng hộ của đảng này trong việc ngăn chặn đảng Bảo thủ và Khối Quebec đưa ra các yêu cầu "làm khó" chính phủ thiểu số của Thủ tướng Trudeau./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại