Cần sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu

ÁNH HỒNG - LÊ THANH |

Chỉ trong một tháng, gia đình chị Hoàng Anh (Phú Nhuận, TP.HCM) đảo lộn khi ngân hàng báo tiền lãi vay hằng tháng tăng, cùng lúc ra chợ hàng hóa tăng chóng mặt. Nhưng buồn nhất là đồng lương hằng tháng chỉ giảm chứ không tăng suốt hai năm qua.

Cần sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu - Ảnh 1.

Người dân làm các thủ tục thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng mạnh trong 2 năm qua, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc vẫn chưa được điều chỉnh là điều rất bất hợp lý.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề sửa Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quy định tại Luật thuế TNCN là 4,4 triệu đồng/người/tháng đã quá lạc hậu trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng cao thời gian qua.

Hơn nữa, trong hai năm dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất nhưng người làm công ăn lương vẫn bị bỏ rơi.

Không xoay xở nổi với đồng lương

Chỉ trong vòng một tháng, gia đình chị Hoàng Anh (Phú Nhuận, TP.HCM) đảo lộn khi ngân hàng báo tiền lãi vay hằng tháng tăng, cùng lúc ra chợ hàng hóa cũng tăng chóng mặt. Nhưng buồn nhất là đồng lương hằng tháng chỉ giảm chứ không tăng trong suốt hai năm qua khiến cuộc sống của người làm công ăn lương "nghẹt thở" hơn bao giờ hết.

Làm công ăn lương với thu nhập vào dạng khá, lên tới 20 triệu đồng/tháng nhưng chị Hoàng Anh cho biết gia đình chị đang rất chật vật do chồng là lao động tự do, thu nhập kiếm được hằng tháng không cố định.

Với một con nhỏ, sau khi được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc là con nhỏ, chị vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN với số thuế tạm khấu trừ mỗi tháng 500.000 đồng.

Theo chị Hoàng Anh, con chị học trường công, nhưng học phí mỗi tháng lên đến 5 triệu đồng, chưa tính tiền sách vở, ăn uống, chi phí thuốc men phát sinh, học thêm nên tính ra phải mức khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Mỗi tháng chị phải phụng dưỡng ba mẹ 3 triệu đồng. Rồi tiền lãi vay ngân hàng mua nhà tăng từ 6 triệu lên 7 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền nợ gốc cũng phải trả.

"Mọi chi phí sinh hoạt gia đình còn lại gồm tiền ăn uống, tiền điện, nước, gas, điện thoại, xăng xe đều trông chờ vào số tiền kiếm được của ông xã nên nhiều lúc tôi cảm thấy nghẹt thở. Nhất là khi mọi hàng hóa, dịch vụ đều tăng vùn vụt như hiện nay", chị Hoàng Anh bức xúc.

Trong khi đó, theo chị L.T.T.Nhân (Hà Đông, Hà Nội), dù thu nhập của chị vừa được tăng thêm 1,2 triệu đồng/tháng do thâm niên ba năm tăng lương một lần, nhưng chị không hề vui với việc tăng lương này. Bởi nó chỉ khiến tiền nộp thuế TNCN bị tạm khấu trừ hằng tháng nhiều hơn.

Trong khi thực tế, mọi chi tiêu sinh hoạt từ tiền học của con, tiền ăn uống sinh hoạt trong gia đình... đều tăng 10-20% so với năm ngoái.

"Những năm trước, con tôi học trường cấp III, tiền học phí là 120.000 đồng/tháng, cộng với chi cho sách vở, ăn uống... tính ra cũng phải 5 - 7 triệu đồng/tháng. Năm nay con tôi lên đại học. Tiền học phí hệ bình thường ở trường đại học công lập đã là 4,2 triệu đồng/tháng rồi.

Như vậy, với mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc chỉ là 4,4 triệu đồng/tháng, con tôi sống bằng gì, chưa kể tiền đâu mua sách vở, xăng xe đi lại...?" - chị Nhân bức xúc.

Tương tự, chị N.M.Hồng - phiên dịch viên công ty điện tử có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng - than thở giá cả tăng chóng mặt, từ thực phẩm đến rau xanh, từ thuốc chữa bệnh đến mọi chi phí sinh hoạt khác đều tăng giá do xăng dầu và lãi suất. Trái lại, thu nhập chỉ mỗi một nguồn từ lương lại sụt giảm, nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN.

"Nhiều người nói rằng cần phải tự hào vì được nộp thuế vì thu nhập. Nhưng với các chi phí sinh hoạt tối thiểu như tiền thuê nhà, ăn uống, học phí của con, điện nước, điện thoại, xăng xe đều tăng, rồi phải đóng thuế TNCN, không biết bao giờ gia đình tôi mới hết cảnh đi thuê nhà" - chị Hồng than thở.

Cần sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu - Ảnh 2.

Thời gian qua, hàng hóa từ mớ rau con cá cũng tăng giá rất mạnh, cuộc sống của người làm công ăn lương gặp khó khăn nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn đứng yên - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần hỗ trợ người làm công ăn lương

Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho rằng trong hai năm qua, dù

dịch COVID-19 tác động nặng nề nhưng Bộ Tài chính chưa đề xuất chính sách giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương. Theo ông Nghĩa, việc bộ này cho rằng nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công "đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao..." hoàn toàn không thuyết phục.

Trong thực tế, từ 2020 đến nay, giá cả đã tăng rất nhiều và mức 11 triệu đồng/tháng không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Mức 4,4 triệu đồng/tháng cũng không đủ để nuôi con nhỏ khi giá cả tăng vùn vụt hiện nay.

"Trong lúc chờ sửa Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ báo cáo Quốc hội giảm 50% thuế TNCN năm 2022 cho người làm công ăn lương", ông Nghĩa đề xuất.

TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cũng cho rằng bối cảnh kinh tế - xã hội có những biến động đặc biệt như dịch COVID-19 vừa tạm lắng, chiến sự Nga và Ukaine xảy ra làm giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu tăng quá cao, tác động đến bữa cơm, chất lượng sống của từng gia đình.

Với tình hình này, kinh tế năm sau được dự báo còn khó khăn hơn khi sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng cao đẩy giá cả hàng hóa lên nữa.

"Chi phí tiêu dùng tăng nhưng tiền thuế vẫn phải nộp đủ là gánh nặng đối với người làm công ăn lương. Do đó, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính nên trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay từ đầu năm 2023 lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Tú đề xuất.

Theo ông Tú, trong bối cảnh đặc biệt phải có giải pháp, cơ chế đặc biệt chứ không thể áp dụng theo quy định ở điều kiện bình thường là đợi chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% mới nâng mức giảm trừ gia cảnh. Mặt khác, người nộp thuế TNCN chủ yếu là những lao động có trình độ tay nghề cao.

Nên để kinh tế phục hồi và phát triển, cần phải có chính sách hỗ trợ, chia sẻ, động viên kịp thời lúc họ gặp khó khăn. Quốc hội có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều trình và báo cáo Quốc hội sau.

"Tôi cũng phải nói thẳng với dịch bệnh COVID-19 suốt hơn hai năm, cộng với tình hình giá cả hàng hóa tăng cao đã tác động tiêu cực đến đời sống, thu nhập của người nộp thuế. Nhưng việc chưa trình cấp có thẩm quyền sửa đổi toàn diện Luật thuế TNCN cho thấy Bộ Tài chính bàng quan, thờ ơ với khó khăn của người nộp thuế.

Luật thuế TNCN với các quy định từ giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến... đang quá lạc hậu, lỗi thời" - ông Tú nói.

9 tháng: số thu thuế TNCN vượt kế hoạch cả năm!

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số thu thuế TNCN đạt khoảng 128.430 tỉ đồng, tương đương 109% kế hoạch năm (vượt 9% so với kế năm), và bằng 9% tổng thu ngân sách nhà nước. Số tiền thu từ thuế TNCN còn cao hơn số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Thu ngân sách chung cũng tăng cao, theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỉ đồng, bằng 94% dự toán. Theo các chuyên gia, kết quả thu ngân sách là điều kiện quá thuận lợi để thực hiện chính sách miễn giảm thuế cho đối tượng người làm công ăn lương trên tinh thần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Phải điều chỉnh mức giảm trừ theo chỉ số giá

Một chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính cho rằng khi nền kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, phải hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh và cả người mua hàng.

Thế nhưng, trong ba năm qua, dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh như gia hạn tiền thuế và tiền thuế đất... nhưng người làm công ăn lương không được hỗ trợ gì dù đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc nuôi con đi học cũng là một gánh nặng, chưa kể nhiều chi phí không tên khác.

"Luật thuế TNCN quy định: trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ phù hợp với biến động của giá cả cho kỳ tính thuế tiếp theo. Điều này gây bất lợi cho người nộp thuế.

Để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh hằng năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng năm trước biến động bao nhiêu, phải điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo là bấy nhiêu", vị này kiến nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại