Căn phòng hổ phách của Sa hoàng Romanov

Phan Bình |

Chuyện kể rằng vào ngày 4 tháng 9 năm 2020, một toán gồm 14 thợ lặn nước sâu đã khởi hành trên một con tàu từ Ba Lan nhằm khám phá xác một chiếc tàu đắm có từ thời Thế Chiến II đang nằm ở độ sâu 91m dưới đáy biển Baltic.

Cung Catherine nằm gần St. Petersburg.

Cung Catherine nằm gần St. Petersburg.

Mục tiêu của họ là chiếc tàu chở hàng SS Karlsruhe của Đức vẫn còn nguyên vẹn dù thực tế là nó đã bị quân Đồng Minh đánh bom chìm vào năm 1945.

Trưởng nhóm lặn Tomasz Stachura, hồ hởi phát biểu với các phóng viên khi đó: "Cất công lùng kiếm nó (xác tàu đắm) suốt nguyên một năm, và cuối cùng khi nhìn thấy nó chúng tôi nhận ra rằng đó có lẽ là câu chuyện thú vị nhất dưới đáy Baltic".

SS Karlsruhe là một trong những con tàu cuối cùng rời khỏi thành phố Konigsberg (Đức, ngày nay là thành phố Kaliningrad của Nga) khi các lực lượng Liên Xô và Anh vây hãm vào cuối cuộc chiến.

Con tàu SS Karlsruhe

Những hồ sơ được phục hồi gần đây cho thấy trên tàu SS Karlsruhe chở theo một lượng hàng hóa lớn bất thường, đó cũng là điều mà ông Tomasz Stachura cùng các đồng nghiệp hy vọng cung cấp câu trả lời cho một bí ẩn đang ám ảnh nhiều tay săn lùng kho báu, cùng giới sử gia nghệ thuật và các đặc vụ chính phủ suốt ¾ thế kỷ.

Yantarnaya Komnata (trong tiếng Anh có nghĩa là Phòng hổ phách) là một bảo vật vô giá từng tồn tại trong cung điện Catherine (thuộc ngoại ô St. Petersburg), trong căn phòng có các vách tường được lót bằng hổ phách cẩn vàng lá cũng như các loại châu báu.

Nhiều thế hệ Sa hoàng Nga đã dồn sự chú ý vào căn phòng huyền thoại (lời đồn là ai vào căn phòng đó sẽ cảm nhận một thứ ánh sáng kỳ diệu) và suốt 2 thế kỷ họ đã liên tục điền thêm những vật liệu mới và chuyển căn phòng đến những nơi rộng rãi hơn.

Khi tiếp quản cung điện Catherine vào năm 1917, những người Bolshevik đã giữ Phòng hổ phách nguyên vẹn và biến nó thành tâm điểm thu hút sự chú ý của Cung nhân dân mới.

Khoảng năm 1941, Đức Quốc xã (ĐQX) đã càn quét St. Petersburg (hay Leningrad như cách gọi khi đó) để lùng kiếm các bảo vật bên trong Phòng hổ phách rộng 182,8m2 cùng số hổ phách nặng 5.897kg đã biến mất.

Trong cuộc điện đàm gần đây tại căn cứ ở Gdynia (Ba Lan), ông Tomasz Stachura giãi bày: "Tôi không phải săn lùng Phòng hổ phách gì đâu, chỉ là muốn tìm kiếm xác tàu đắm thôi".

Kể từ khi chấm dứt Thế Chiến II đã có hàng tá Phòng hổ phách "được khám phá" cũng như hàng trăm bài báo, sách và bài giảng phỏng đoán về địa điểm nghi giấu căn phòng quý giá.

Ông Stachura bắt đầu nghiên cứu xác tàu Karlsruhe chỉ với hy vọng tìm thấy số vàng ĐQX giấu, nhưng "khi tin tức chúng tôi tìm thấy xác tàu đắm được công bố thì cũng bùng nổ sự quan tâm của dư luận".

Khi tiến vào cung Catherine, người Đức đã xé nhỏ Phòng hổ phách rồi xếp đầy trong các thùng và chuyển về Konigsberg, rồi nó lại được lắp ráp lại ngay trong lâu đài Konigsberg cùng với các bảo vật Nga bị đánh cướp khác.

Nhưng tình thế chiến tranh đã thay đổi vào năm 1944 và giới chức Đức bắt đầu di tản kho báu. Họ bí mật vận chuyển chúng trên những toa tàu hỏa, máy bay và tàu thủy, con tàu SS Karlsruhe nghe có vẻ liên quan.

Nó là con tàu khá lớn đủ để chứa cả một căn Phòng hổ phách, các phần của căn phòng được đóng gói bí mật và khá vội vàng trước khi quân Đồng Minh ập đến trong năm 1945.

Căn phòng hổ phách của Sa hoàng Romanov - Ảnh 2.

Năm 1701, vua Frederick I và hoàng hậu Sophia Charlotte của nước Phổ thuê các nghệ nhân để chế tác ra Phòng hổ phách đặt trong cung điện mới Charlottenburg ở Berlin. Ảnh nguồn: Berlin.de.

"Vàng" của phương bắc

Hổ phách là nhựa cây đã hóa thạch của các cây nguyên sinh và có thời gian nó còn giá trị hơn vàng. Nó vẫn tiếp tục được khai thác mặc dù một số mỏ hổ phách đang nằm sâu dưới đáy biển Baltic và không thể tiếp cận được. (Thi thoảng sẽ có một cục hổ phách trôi dạt vào bờ).

Các nghệ nhân sống vào thế kỷ 17 đã kỳ công hoàn thiện các phương pháp chế tác hổ phách để biến nó thành đồ trang trí và trang sức quý giá, và khoảng năm 1701, vua Frederick I của nước Phổ đã thuê những nghệ nhân tài giỏi nhất để tạo ra một căn phòng độc nhất vô nhị cho cung điện Charlottenburg tại Berlin.

Ý tưởng thú vị này là của hoàng hậu Sophia Charlotte (vợ vua Frederick I), bà hy vọng triều đình Phổ sẽ trở thành một trung tâm nghệ thuật ngang hàng với Pháp quốc. Hai vợ chồng đã tuyển rất nhiều nghệ nhân Đan Mạch và Nga cũng như mua rất nhiều vật liệu thô. Đó là một kỹ nghệ chậm chạp và tốn kém.

Hai vợ chồng nhà vua qua đời trước khi căn phòng hoàn tất. Người kế vị Frederick William I không mặn mà lắm với dự án do chi phí đắt đỏ nên buộc phải dừng lại.

Liền đó trong lần công du nước Nga vào năm 1716, phòng hổ phách đã lọt vào "mắt xanh" của Peter Đại Đế, còn vua Frederick William lại nhìn ra một cơ hội ngoại giao.

Ông đã triều cống phòng hổ phách cho Sa hoàng Peter như là một biểu tượng của liên minh Phổ - Nga chống Thụy Điển.

Nhiều tấm hổ phách cùng các món đồ chạm khắc đã được đóng gói trong 18 thùng để vận chuyển đến St. Petersburg.

Phòng hổ phách nằm rải rác trong các cung điện khác nhau cho mãi đến năm 1755 khi hoàng hậu Elizabeth (con gái của Peter Đại Đế) đã đặt cố định nó ngay trong cung điện Catherine tại Tsarskoye Selo – dinh thự mùa hè của các Sa hoàng Nga nằm ở ngoại ô St. Petersburg.

Căn phòng hổ phách của Sa hoàng Romanov - Ảnh 4.

Năm 1755, Hoàng hậu Elizabeth (con gái của Peter Đại Đế) đã mở rộng Phòng hổ phách và đặt yên vị trong cung Catherine nằm gần St. Petersburg. Ảnh nguồn: Saint-Petersburg.com.


Những tuyên bố gây sốc

Khi Thế Chiến II kết thúc, quan chức Liên Xô đã cử Anatoly Kuchumov đến St. Petersburg để mua lại những bảo vật còn sót lại trong các cung điện thời Sa hoàng Romanov.

Kuchumov sống ở St.Petersburg ngay lúc khai màn chiến tranh và người thủ thư bảo tàng đã nhận nhiệm vụ ngay từ năm 1941 bằng cách đóng gói các món đồ nghệ thuật trong các cung điện càng nhiều càng tốt để chuyển lên tàu hỏa chở đến miền trung nước Nga nhằm thoát khỏi tầm với của ĐQX.

Kuchumov và một tốp chuyên gia nhận lệnh phải tháo dỡ từng phần căn phòng hổ phách nhưng rồi họ phải ngừng lại sau khi sơ ý làm vỡ một tấm hiện vật, thay vào đó họ đã che đậy nó bằng một bức bình phong và giấy dán tường giả nhằm hy vọng có thể che mắt quân Đức.

Lúc quay lại cung điện Catherine, ông Kuchumov nhanh chóng nhận ra lời đồn là có thật: ĐQX đã phát hiện căn phòng và cuỗm sạch.

Kuchumov cũng tìm đến lâu đài Konigsberg, nơi ngổn ngang đổ nát vốn là hậu quả của một vụ hỏa hoạn khi bị trúng pháo của quân Đồng minh vào những ngày cuối cùng của cuộc vây hãm.

Kuchumov bới đống tro và lượm lặt những tấm hổ phách cỡ nhỏ tại một trong những căn phòng của lâu đài, nhưng ông không tin rằng nó là tàn tích của phòng hổ phách.

Với nguồn lực từ chính phủ Liên Xô, Kuchumov bắt đầu tìm kiếm những tấm hổ phách bị thất lạc, cuộc truy dấu kéo dài hàng thập kỷ.

Kuchumov tạ thế vào năm 1993, nhưng các phần trong cuốn nhật ký của ông cũng như những đoạn lưu ý đã được khám phá bởi bà Catherine Scott-Clark và ông Adrian Levy, đồng tác giả cuốn sách phát hành năm 2004 mang tựa đề "Phòng hổ phách: Vụ lừa đảo vĩ đại nhất thế kỷ 20 chưa kể".

Trong cuốn sách này, 2 tác giả viết về những nỗ lực thất bại của ông Kuchumov, và đáng nói hơn là những hoạt động hậu trường của quan chức Liên Xô và khối Đông Âu, họ đã dùng Phòng hổ phách như một công cụ đàm phán với phương Tây.

Dù ông Kuchumov truy dấu trong bí mật, nhưng đến năm 1958 thì bài báo đầu tiên trong chuỗi 3 bài có liệt kê cuộc tìm kiếm của Liên Xô đã được công bố bởi quan chức chính phủ nước này ngay trên tờ Kaliningradskaya Pravda.

Nhà báo kiêm tác giả Catherine Scott-Clark trong lần điện đàm gần đây phát biểu: "Bài báo đã gây được tiếng vang trong dư luận. Đặc biệt là ngay sau chiến tranh, lòng người mất mát, cũng như trong thời buổi rất khốn khó người ta cần có thứ gì đó để bám vào".

Phòng hổ phách đã được "tìm thấy" ít nhất hàng tá lần. Năm 2008, tạp chí Spiegel(Đức) đăng tải rằng những tấm vách đã được tìm thấy trong một hang động nằm ở độ sâu 18m dưới ngôi làng Deutschneudorf, nằm gần biên giới Đức với Cộng hòa Séc.

"Tôi cam đoan hơn 90% hiện vật được tìm thấy trong hang động đó là Phòng hổ phách", dẫn lời tuyên bố của ông Heinz-Peter Haustein, thị trưởng Deutschneudorf và cũng là thành viên của quốc hội Đức, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm.

Hay gần đây hơn là vào năm 2015, Thứ trưởng Văn hóa Ba Lan, ông Piotr Zuchowski, phát biểu rằng "tôi có niềm tin 99% về con tàu chở đầy vàng và châu báu của ĐQX (bao gồm cả Phòng hổ phách) đã được tìm thấy".

Căn phòng hổ phách của Sa hoàng Romanov - Ảnh 6.

Năm 1941, Đức QUốc xã vây hãm St. Petersburg (tên cũ Leningrad) và khám phá ra Phòng hổ phách bị giấu trong những bức tường giả thuộc cung điện Catherine, họ xé lẻ nó ra và chuyển về lâu đài Konigsberg. Ảnh nguồn: Dmitry Beliakov / Shutterstock .


Phục chế lại Phòng hổ phách

Khi Chiến tranh lạnh tiến triển, sử gia nghệ thuật Konstantin Akinsha phát biểu: "Phòng hổ phách đã biến thành biểu tượng của nhân dân Nga.

Giới chức Liên Xô đã dùng nó làm tư liệu tuyên truyền nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những tổn thất của đất nước trong suốt Thế chiến II". Vì thế vào năm 1979, chính quyền Liên Xô quyết định tái phục chế Phòng hổ phách từ tro tàn.

Những người tham gia vào dự án chỉ có một vài dấu vết bản gốc để làm nền tảng cho thiết kế của họ: một cái hộp chứa các hiện vật của căn phòng huyền thoại, và 86 bức ảnh đen trắng chụp nội thất căn phòng trước Thế Chiến II.

Hàng tá nghệ nhân và thợ giỏi đã mất khá lâu để tìm hiểu những kỹ thuật thất truyền về cưa cắt hổ phách. Việc phục dựng đã bị sa lầy do tình hình tài chính khó khăn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, dự án cũng bị treo.

Đến cuối thập niên 1990, dự án lại được tiếp tục triển khai và hoàn tất vào năm 2003, phần lớn là nhờ khoản tài trợ hảo tâm từ công ty năng lượng Ruhrgas (Đức) trị giá 3,5 triệu USD.

"Phòng hổ phách có ý nghĩa tình cảm to lớn đối với nhân dân 2 nước Đức, Nga", dẫn lời phát biểu của ông Friedrich Spath, chủ tịch của Ruhrgas, ngay trong buổi lễ cắt băng khánh thành Phòng hổ phách vào năm 2003 với sự tham dự của Tổng thống Vladimir Putin, Thủ tướng Gerhard Schroder, Tổng thống George W. Bush cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Buổi lễ đã củng cố bang giao Đức – Nga (Ruhrgas đã nhập khí đốt từ Nga suốt hơn 25 năm; họ cũng là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu).

Và một nghĩa vụ thiện chí khác, đó là cùng năm Phòng hổ phách được khai trương, Đức đã trả lại 2 bảo vật từ Phòng hổ phách ban đầu: một bức tranh khảm cẩm thạch có từ thế kỷ 18 cùng 1 chiếc rương sơn mài.

Đổi lại, Nga cũng cho phép các quan chức Đức lấy lại 101 bức vẽ về các danh họa phương Tây bao gồm Delacroix, Goya, Dürer và Manet, vốn do Hồng quân lấy đi từ năm 1945.

Nhà báo kiêm tác giả Catherine Scott-Clark nhấn mạnh: "Việc khánh thành Phòng hổ phách mới cũng mang lại giá trị biểu trưng cho nhà lãnh đạo Nga. Căn phòng tượng trưng cho thời vàng son của đế chế Nga, đó cũng là thứ mà ông Putin khao khát.

Căn phòng như thể phòng đăng quang ngai vàng, thể hiện quyền uy, sức mạnh cùng sự vĩ đại của đế quốc Nga "không thể bị phá đổ". (Gần đây cung điện Alexander, nơi ở của Sa hoàng Nicholas II ở Tsarskoye Selo, cũng được phục dựng xong vào tháng 10 năm 2020).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại