Có rất nhiều trở ngại cho chính quyền của ông Donald Trump khi thực hiện kế hoạch xây một bức tường ở biên giới với Mexico.
Ông Trump sẽ gặp một cuộc chiến khó khăn để giữa được lời hứa của ông khi tranh cử nhưng thực hiện một chương trình an ninh biên giới tại một nước khác cách xa hàng nghìn cây số lại dễ hơn nhiều - đây là kế hoạch mà ông chưa bao giờ công bố. Tin tức này là một ngạc nhiên lớn đi theo những sự kiện đang xảy ra tại Trung Đông.
30.000 tay súng thuộc lực lượng An ninh Biên giới ( BSF ) đang thực hiện nhiệm vụ dọc các đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và dọc sông Euphrates tại Syria. Những hoạt động này được phối hợp với lực lượng SDF vốn đang kiểm soát 25% lãnh thổ ở những vùng phía bắc và đông Syria.
230 sĩ quan huấn luyện đã được bổ sung vào lực lượng này. Một nguồn tin của liên minh do Mỹ chỉ huy cho biết: "Nòng cốt của lực lượng mới là sự tập hợp khoảng 15.000 thành viên của SDF vào lực lượng an ninh biên giới với những hoạt động chống lại IS tiếp cận các đường biên này".
Những tay súng người Kurd thuộc lực lượng SDF.
Theo Defense Post "dân tộc, tôn giáo của lực lượng sẽ liên quan tới những khu vực mà họ phục vụ với nỗ lực để những người này sẽ thực hiện nhiệm vụ ở ngay gần nhà họ.
Điều này đảm bảo cho những người Kurd - dân số lớn nhất tại đông bắc Syria sẽ thiết lập những trạm kiểm soát dọc 820km biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ". Động thái này có thể gây ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực.
Vào ngày 15.1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng mới này là "đội quân khủng bố" và cần ngăn chặn trước khi nó ra đời và tạo nên đe dọa quân sự.
Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, những khâu chuẩn bị cuối cùng để tấn công lực lượng người Kurd tại khu vực Afrin phía Bắc Syria sắp hoàn tất và chiến dịch có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và không cần để ý tới sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển thêm nhiều vũ khí tới biên giới Syria sau khi Mỹ tuyên bố quyết định thành lập lực lượng an ninh biên giới .
Đây là bước đi rất nghiêm trọng sau nhiều năm Mỹ có xích mích với các nước trong khu vực. Hè năm ngoái, Mỹ đã hứa với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải trừ vũ khí của những nhóm dân quân người Kurd sau khi tiêu diệt IS. Mỹ đã nuốt lời. Washington cũng liên tục hứa sẽ rời Syria sau khi IS bị tiêu diệt nhưng cuối năm 2017, Mỹ lại tuyên bố sẽ ở lại.
Chính phủ của ông Assad chỉ trích kế hoạch của Mỹ và gọi đó là sự xâm phạm rõ ràng vào toàn vẹn lãnh thổ Syria. Vào ngày 15.1, truyền hình quốc gia tuyên bố chính phủ Syria kiên quyết đẩy lui bất cứ can thiệp nào của Mỹ vào Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Nga ông Sergei Lavrov cũng chỉ trích Mỹ đang theo đuổi chính sách chia rẽ Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi lực lượng An ninh biên giới mà Mỹ tạo ra là đội quân khủng bố.
Động thái của Mỹ cho thấy họ sẽ ở lại Syria trong thời gian dài và những kế hoạch của họ sẽ không phải là chống lại IS - một lực lượng đã bị đẩy lui, không còn mối de dọa cũng như ảnh hưởng tại Syria.
Kênh tin tức Al-Masdar thông tin lực lượng người Kurd đã nhận được tên lửa đất đối không vác vai của Mỹ. Đây là một phần trong những thỏa thuận ngầm của Mỹ với lực lượng người Kurd. Những vũ khí này sẽ cung cấp khả năng phòng không cho những nhóm dân quân người Kurd và có thể giúp họ khai chiến với Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria.
Thực tế, Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch để thành lập Liên bang Dân chủ Bắc Syria sẽ được chỉ huy bởi người Kurd với dân số chủ yếu là người Ả rập và Assyria.
Tình trạng này đã được xác định rõ ràng. Mỹ luôn nói rằng họ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria nhưng luôn phủ nhận vị trí lãnh đạo của Tổng thống Assad dù là trong khoảng thời gian để chuyển giao quyền lực tại Syria. Không hề có sự ngẫu nhiên tại đây.
Trước khi tin tức về việc thành lập lực lượng BSF được công bố, tờ báo Asharq Al-Awsat đã thông tin về việc Mỹ đang tiến gần tới vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận (khoảng 28.000 km2) được kiểm soát bởi lực lượng SDF.
Theo nguồn tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố: "Washington sẽ gửi các nhà ngoại giao tới những khu vực được kiểm soát bởi SDF để làm việc bên cạnh quân đội". Họ cũng thúc đẩy thành lập hội đồng những cố vấn quyền lực tại địa phương.
Mỹ muốn thành lập Liên bang dân chủ Bắc Syria do người Kurd lãnh đạo.
BSF không phải lực lượng duy nhất được Mỹ tạo ra tại Syria . Vào tháng 12, liên minh do Mỹ lãnh đạo đã huấn luyện Đội quân Syria mới tại một trại tỵ nạn ở Hasakah cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 70m và cách biên giới Iraq 50km. Lực lượng quân đội mới này sẽ được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bên ngoài khu vực SDF kiểm soát.
Như vậy trong khi Moscow đang cố gắng để thiết lập hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria với những nỗ lực để triệu tập một "Hội nghị đối thoại nhân dân" tại Sochi thì Washington đang phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình tại Astana và Geneva cũng như triển vọng của cuộc đối thoại sắp tới ở Sochi.
Mục đích rõ ràng của Mỹ là chia cắt đất nước đã bị chiến tranh xé nát. Kế hoạch của Mỹ bao gồm cả việc châm ngòi một cuộc chiến mới tại Syria, thúc đẩy một bên chống lại một bên khác. Thay vì ủng hộ một quá trình hòa bình, Mỹ đang cố để đưa xung đột lên một nấc mới.
Chưa từng có sự đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã từng bên miệng hố chiến tranh nhưng có rất nhiều thành viên NATO đã ngăn chặn cuộc chiến xảy ra. Lần này, cuộc xung đột sắp xảy ra.
Nếu có một cuộc chiến rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi NATO, còn không quân Mỹ sẽ không còn được sử dụng căn cứ không quân Incirlik tại nước này.
Nga đang có những nỗ lực để giải quyết vấn đề xung đột Syria bằng ngoại giao.
Và đây không phải mối đe dọa duy nhất tới sự thống nhất của NATO. Thủ tướng Romania ông Mihai Tudose đã đe dọa những người Hungary đang đòi tự trị. Ông Tudose nói những người đang kéo lá cờ Szekler đáng bị treo cổ (cờ Szkler là biểu tượng không chính thức của ba hạt tại Romania nơi người Hungary chiếm phần lớn).
Lời đe dọa này được đưa ra sau khi ba chính trị gia người Hungary kêu gọi tự trị cho vùng này. Điều này gây ra sự xúc phạm với người Hungary và chắc chắn sẽ có những phản đối về mặt ngoại giao, biểu tình và sự thanh minh. Ngày 16.1, thủ tướng Romania từ chức. Nhưng điều này cũng không thể chấm dứt ham muốn tự trị của những người Hungary tại Romania.
Một đốm lửa có thể bùng cháy dữ dội vào bất cứ lúc nào và đó là vấn đề của NATO. Moldova cũng có thể gặp sự việc tương tự với hàng nghìn công dân Nga đang sống tại Transnistria. Ngoài ra còn có các thành viên đang có ý định rời khỏi NATO.
Thách thức tới sự thống nhất của NATO là một loạt những vấn đề họ chưa thể giải quyết. Nhưng thay vì đối mặt với các vấn đề này, phương Tây lại đang tập trung những nỗ lực để chống lại Nga và can thiệp vào những cuộc xung đột ở xa. Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2018.
Và khó có thể nói những can thiệp vào cuộc xung đột Syria hay những cuộc xung đột xa biên giới Mỹ có thể thúc đẩy chiến lược "Nước Mỹ trước tiên" của tổng thống Trump.
Thay vì các biện pháp ngoại giao, Mỹ có vẻ muốn tập trung chuẩn bị cho chiến tranh ở một nước xa xôi. Dù có nghị trình bí mật gì đằng sau các động thái của Mỹ, rủi ro xảy ra một cuộc chiến lớn trên diện rộng giữa nhiều nước đang tăng cao ở mức đáng lo ngại.