Nga cần trạm hậu cần và căn cứ không quân tại Libya
Theo trang mạng topwar, gần đây, hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế đều tập trung vào chiến trường mới nổ ra tại Libya, nơi tướng Khalifa Haftar, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an LHQ, vẫn tiếp tục chỉ huy các đơn vị của quân đội Libya đánh chiếm những cứ điểm chiến thuật và quét sạch các khu phòng thủ do những lực lượng của Thủ tướng Sarraj kiểm soát.
Đương nhiên, trong trường hợp các đơn vị thân chính phủ Libya nhận được sự yểm trợ quân sự từ phía Ý - quốc gia rất quan tâm tới việc khôi phục quyền kiểm soát đối với các giếng dầu El-Sharar và El-Fil, cũng như những trạm bơm dầu Ez-Zavia và Mellita, thì tướng Haftar có lẽ đã không thể có được cơ hội nào để hoàn thành cuộc hành quân thần tốc tấn công Tripoli..
Tuy nhiên, nếu năm 2011, NATO trong thời gian ngắn nhất đã xây dựng và hiện thực hóa kế hoạch tác chiến "Bình minh Odyssey" nhằm đàn áp phòng không Libya, tiến tới tiêu diệt các đơn vị bộ binh Jamahiriya và lật đổ chính phủ Muammar Gaddafi, thì nay các chính khách của Rome, Paris và Washington chỉ giới hạn bằng những phát biểu lên án nhằm vào tướng Haftar.
Hơn nữa, trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Libya Faiz Sarraj và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo Pháp đã từ chối đứng ra làm bên hoà giải trong cuộc xung đột này, đây là điều trực tiếp thúc đẩy nhanh chiến dịch thắng thế của Quân đội quốc gia Libya.
Các thành viên thuộc lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar lãnh đạo tiến về phía thủ đô Tripoli ngày 13/4/2019. Ảnh: Reuters
Căn cứ vào những gì đang diễn ra, không khó để đưa ra kết luận rằng, những vấn đề góc cạnh và nhạy cảm liên quan tới việc tiếp tục giữ lại quyền kiểm soát của công ty "Eni S.p.A." đối với mỏ dầu El-Sharara và El-Fil (sau khi các đơn vị của Quân đội quốc gia Libya tiến vào Tripoli) từ lâu đã được thống nhất giữa Moscow và Rome.
Trong khi đó, tướng Haftar được thông báo về sự cần thiết phải tuân thủ các yêu cầu của phía Ý từ trước khi căng thẳng gia tăng rất lâu trong các cuộc điện đàm với đại diện lãnh đạo phía Nga, chứ chưa nói tới những chi tiết được thảo luận tại cuộc hội đàm giữa tướng Haftar và bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu diễn ra hôm 07/11/2018.
Phía Pháp cũng được biết tới chi tiết của hiệp đấu "lớn" này và đưa ra mục đích cụ thể cho mình: Sự hiện diện (ngang hàng với Ý) trong lĩnh vực dầu mỏ của Libya, kể cả trong trường hợp ông Haftar trở thành Tổng thống. Chính phủ của Sarraj và Washington bị đánh văng ra khỏi hiệp đấu này bởi vì không có khả năng tác động cơ bản lên diễn biến tình hình.
Trong bối cảnh trên, điều cấp bách hiện nay là hợp lý hóa việc thành lập tại Libya trạm hậu cần kỹ thuật của Hải quân Nga, cũng như căn cứ không quân, đây là điều mà trong vài tháng qua vẫn tiếp tục được truyền thông và những phóng viên nắm rõ diễn biến tình hình của Nga bàn luận, và cũng khiến cho bộ quốc phòng các nước thành viên NATO lo ngại.
Nga vẫn đang đứng ngoài cuộc giao tranh giữa LNA và GNA.
Ý nghĩa chiến lược
Các khoản chi phí nhiều tỷ để vận hành căn cứ tương tự sẽ mang lại một loạt những lợi thế mang ý nghĩa chiến lược.
Thứ nhất, trong bối cảnh thiếu lực lượng tàu sân bay trong thành phần Hải quân Nga, Moscow sẽ có sân bay trung chuyển dã chiến (nhiều khả năng sẽ là căn cứ không quân Al-Watiyah hoặc Brak al-Shati) để triển khai các nhánh không quân chiến thuật của lực lượng không quân và hải quân Nga tại không phận quốc tế, trên khu vực phía trung tâm và phía tây Địa Trung Hải.
Tiêm kích Su-30SM của Nga
Các máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM và Su-35S được di chuyển tới căn cứ mới có thể hình thành một "chiếc ô phòng không" an toàn hơn đối với các nhóm nhỏ tàu chiến tấn công của Hạm đội Biển Baltic và Hạm đội Biển Bắc, chuyên thực hiện các chuyến hải trình tới lãnh hải Syria hoặc tới Biển Đen.
Bên cạnh đó, việc yểm trợ có thể được triển khai ngay sau khi các tàu chiến của Nga đi qua eo Gibraltar, bởi bán kính hoạt động của "Su" khi mang các bình nhiên liệu treo có thể lên tới 1.800km, hoàn toàn đủ để tuần tra không phận trên biển Địa Trung Hải cho tới tận bờ biển Tây Ban Nha.
Căn cứ không quân Hmeimim nằm cách Gibraltar 3500km không có khả năng đáp ứng được những nhiệm vụ này nếu không có máy bay tiếp nhiên liệu Il-78M.
Máy bay chống ngầm Il-38N
Thứ hai, tại những căn cứ trên, các máy bay chống ngầm Il-38N với tổ hợp ngắm bắn-tìm kiếm "Novella-P-38", các phao vô tuyến thủy âm định hướng và không định hướng thụ động, cũng như phao phát sóng chủ động và phao vô tuyến viễn trắc có thể được triển khai thường xuyên.
Khi sử dụng thiết bị này, Il-38N có thể hàng giờ bay lượn trên eo Tunisia để quét không gian ngầm dưới nước, nhằm tìm kiếm sự hiện diện của các tàu ngầm nguyên tử đa mục tiêu tiếng ồn thấp lớp Virginia của Mỹ, cũng như "Astute" của Anh đang di chuyển tới khu vực phía đông Địa Trung Hải.
Căn cứ vào chiều ngang không quá lớn của eo Tunisia (khoảng 160-200km) thì thậm chí một đôi Il-38N, được các tổ hợp tên lửa S-300V4 và S-400 triển khai gần Zuwarah, cũng như Su-35S yểm trợ, sẽ có khả năng thiết lập tại trung tâm Địa Trung Hải một tấm lá chắn đáng gờm trước các hạm đội ngầm của Mỹ và Anh, nếu tình hình tại Syria hoặc biển Azov-Biển Đen có chiều hướng gia tăng căng thẳng.
Liên quan tới việc triển khai tại Libya căn cứ hải quân của Nga, thì giá trị chính của nó đương nhiên là để bảo đảm hoạt động trực chiến bí mật của các tàu ngầm tiếng ồn thấp điện-diezel lớp "Paltus", "Varshavyanka" và "Lada" gần lãnh hải các nước thuộc thành viên NATO tiếp giáp với Địa Trung Hải.
Việc đóng băng công tác nghiên cứu chế tạo động cơ đẩy không khí độc lập của Nga dành cho các tàu ngầm đề án 677 (Lada) đã đặt dấu chấm hết cho khả năng hoạt động bí mật của hạm đội tàu ngầm phi nguyên tử Nga ở khoảng cách hơn 400 hải lý, từ nơi đóng quân thường xuyên và tạm thời.
Để nạp ắc quy cung cấp năng lượng, tàu ngầm loại này phải nổi lên mặt nước một lần/ngày đêm, và hoạt động trong cơ chế khi động cơ diezel chạy ở độ sâu thấp nhằm đưa ống lấy không khí lên trên mặt nước để chạy các máy phát diezel, chúng sẽ bị các tổ hợp phân tích khí và quang-điện hồng ngoại được lắp đặt trên những máy bay chống hạm của địch phát hiện.
Đóng quân tại những cảng biển của Libya sẽ giúp việc nạp ắc quy của các tàu ngầm này diễn ra ở vị trí được các tổ hợp phòng không S-300 bảo vệ, thay vì ở ngoài khơi (nơi có thể gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn nếu trúng ngư lôi từ không quân chống hạm của địch).