Căn cứ Cheyenne - "Pháo đài" kiên cố bậc nhất nước Mỹ

Lương Trung |

Trong 50 năm tới, căn cứ quân sự Cheyenne vẫn sẽ luôn là con rồng canh gác nước Mỹ khỏi mọi mối đe dọa.

Truyền thuyết về con rồng hóa đá

Theo truyền thuyết, ngọn núi Cheyenne ở Colorado vốn là một con rồng đang ngủ - linh vật bảo vệ của bộ tộc thổ dân Bắc Mỹ trong quá khứ.

Truyện kể rằng, thần linh đã trừng phạt những tội lỗi của con người bằng việc tạo ra những cơn lũ dữ, nhưng sau đó lại sai một con rồng uống cạn nước lũ khi những người này ăn năn hối cải. Con rồng sau khi uống cạn lượng nước khổng lồ này đã chìm vào giấc ngủ rồi hóa đá và biến thành ngọn nói Cheyenne.

Trái với truyền thuyết, căn cứ phức hợp Cheyenne đã không ngủ suốt 50 năm qua. Từ khi được đưa vào hoạt động tháng 4 năm 1966, căn cứ này luôn đóng một vai trò quan trọng cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Cheyenne Mountain Complex là một căn cứ quân sự kiêm hầm trú bom hạt nhân, nằm bên trong căn cứ Không quân Cheyenne, tại tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ. Đỉnh Cheyenne cao 2900m, lối vào căn cứ nằm bên dưới đỉnh núi 610m (Ảnh: Andrew Lee)

Dù đã đổi tên nhiều lần nhưng nhiệm vụ của nó vẫn luôn là bảo vệ Mỹ cùng với các đồng minh.

Ngày nay, nó được biết đến với tên gọi căn cứ không quân Cheyenne, nơi thu thập thông tin từ vệ tinh, cùng các cảm biến đặt trên mặt đất và truyền dữ liệu về Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ (NORTHCOM) và Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM).

Phó chỉ huy căn cứ Steven Rose so sánh quy trình này với hệ thần kinh của con người. Ông cho biết:

"Các cảm biến giống như những dây thần kinh nhưng thay vì cùng quay về một nơi và truyền một tín hiệu duy nhất, căn cứ Cheyenne của chúng tôi có thể cùng lúc thu nhận các tín hiệu, liên kết, xử lý chúng rồi truyền về một trong ba Bộ chỉ huy nói trên để từ đó các bộ này có thể ra những quyết định thích hợp.

Đó là phần quan trọng nhất nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất của bộ não. Đỉnh Cheyenne như một chiếc khiên bảo vệ toàn bộ căn cứ".

Một trong những căn cứ an toàn nhất của Mỹ

Vào những năm 50, Bộ quốc phòng Mỹ quyết định biến khu vực này thành một trung tâm chỉ huy chống lại các cuộc tấn công của máy bay ném bom tầm xa do Liên Xô chế tạo. Với vai trò là bộ não, căn cứ này là mục tiêu tấn công hàng đầu của kẻ địch nên nó được xây dựng để đứng vững trước một cuộc tấn công hạt nhân.

Ông Rose nói thêm: "15 tòa nhà của căn cứ nằm cách các vách đá chỉ 45cm, phía dưới là hơn 1.300 con suối, đủ khả năng chống chịu các vụ nổ hạt nhân cũng như các cơn địa chấn và xung điện từ (EMP) phát ra từ vụ nổ. Vì vậy, mọi người có thể di chuyển an toàn giữa các tòa nhà, kể cả khi xảy ra các vụ nổ hạt nhân hay động đất.

Thật tình cờ dù được xây dựng từ 50 năm trước, nơi chúng ta đứng đây vẫn là căn cứ được bảo vệ tốt nhất khỏi xung điện từ. Nét độc đáo ở đây là toàn bộ căn cứ được bao bọc bởi các khối đá Granite - một tấm khiên tự nhiên ngăn chặn các xung điện từ".

Ở độ cao 2.100m so với mực nước biển, căn cứ được thành lập để làm Trung tâm Chỉ huy chiến đấu của NORAD.

Vào năm 2008, khi NORAD và NORTHCOM được chuyển về căn cứ không quân Peterson, nhiều người cho rằng căn cứ Cheyenne đã bị đóng cửa. Ngày nay, Cheyenne là nơi bố trí trung tâm chỉ huy thay thế của NORAD và là đầu não của các cơ quan thuộc Bộ quốc phòng Mỹ, như là Cục tình báo Bộ quốc phòng.

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 2.

Lối vào được lắp hai cánh cổng thép chống bom hạt nhân nặng 25 tấn, 15 tòa nhà của căn cứ nằm cách các vách đá chỉ 45cm, phía dưới là hơn 1300 con suối, đủ khả năng chống chịu các vụ nổ hạt nhân cũng như các cơn địa chấn và xung điện từ (EMP) phát ra từ vụ nổ. (Ảnh: Andrew Lee)

Đại tá Gary Corn, Tư lệnh căn cứ Cheyenne cho biết: "Khi tôi dẫn một vài quan khách đến đây, họ không chỉ bất ngờ vì biết căn cứ này vẫn hoạt động, mà còn bởi kết cấu ban đầu và quy trình xây dựng công trình này.

Họ đã rất vui thích khi được thấy những dòng suối, cách chúng tôi lọc không khí qua màng lọc sinh hóa hạt nhân NBC và đặc biệt là những cánh cửa an toàn khổng lồ".

Những cánh cửa thép này nặng khoảng 25 tấn và mất 40 giây để đóng kín hoàn toàn, giúp bảo vệ căn cứ khỏi bất kì mối đe dọa nào. Nằm sâu bên dưới lớp đá Granit, thành phố ngầm này vẫn luôn là tấm khiên bảo vệ cho căn cứ trong 50 năm tới - một "Pháo đài nước Mỹ".

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 3.

Hai cánh cửa chống bom hạt nhân có thể đóng lại trong vòng 20 giây với sự hỗ trợ của hệ thống thủy lực. Nếu hệ thống này bị hỏng, các nhân viên an ninh của căn cứ có thể đóng nó bằng tay trong 40 giây. (Ảnh: Andrew Lee)

Những người phục vụ lâu năm tại Cheyenne như ông Rose và chỉ huy phó Đội thông tin liên lạc 721 - Russell Mullins tự gọi mình là "những con người vùng sơn cước". Ông Mullins đã làm việc tại nơi này vào thời kì Chiến tranh Lạnh, cho đến năm 1984.

Mặc dù kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu, tuy nhiên các phi công Mỹ ngày nay còn thực hiện cả nhiệm vụ phát hiện và theo dõi các mối đe dọa khác nhằm vào nước Mỹ.

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 4.

Ricardo Collie, thành viên lực lượng an ninh số 721 bảo vệ cổng phía Bắc khu phức hợp Cheyenne. Collie thuộc một trong nhiều lớp an ninh trải dài hơn 1,6km đường hầm trong núi dẫn đến cửa căn cứ. (Ảnh: Andrew Lee)

Ông Mullins cho biết: "Mọi thứ ở đây luôn có sự tập trung cao độ không chỉ với những gì có thể xảy ra, mà còn để chắc rằng chúng tôi có thể phát hiện bất cứ mối đe dọa nào trong thời gian ngắn nhất.

Liên Xô luôn là một kẻ thù lớn và chúng tôi phải nhận ra mọi nguy cơ mà họ sẽ gây ra với chúng tôi. Dù có đôi chút căng thẳng nhưng mọi thứ vẫn luôn như vậy kể từ Chiến tranh Lạnh".

Vụ tấn công ngày 11/9 năm 2001 đã tạo thêm một nhiệm vụ mới cho Bộ Chỉ huy phòng không Bắc Mỹ và trung tâm Cheyenne. Đó là sẵn sàng hỗ trợ Cơ quan hàng không liên bang Mỹ và Cơ quan hàng không dân sự Canada trong việc đáp trả các mối đe dọa trên không phận hai nước.

Các biểu tượng máy bay bao phủ gần như toàn bộ bản đồ quốc gia xuất hiện trên màn hình hiển thị của NORAD/NORTHCOM tại trung tâm chỉ huy luân phiên. Màn hình phía bên phải cũng được bổ sung từ sau vụ 11/9 hiển thị khu vực Washington D.C – Khu vực hạn chế bay đặc biệt

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 5.

Alex Gaviria và Sarah Haydon, hai sỹ quan điều khiển hệ thống có nhiệm vụ trả lời các cuộc gọi bên trong Trung tâm hệ thống thông tin liên lạc 721. Các màn hình trong trung tâm bao quát toàn thế giới, có vai trò hỗ trợ và cảnh báo tên lửa (Ảnh: Andrew Lee)

Thiếu tá Tim Schwamb, chỉ huy bộ phận NORAD/NORTHCOM tại căn cứ Cheyenne cho biết: "Bất cứ khi nào NORAD bị tổn thương hoặc suy giảm khả năng hoạt động, chỉ huy có thể chuyển trung tâm chỉ huy và các cố vấn sang "Battle Cab" (một phòng họp đặc biệt).

Khi có nhiều biến cố xảy ra cùng một lúc, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm kiểm soát tình hình. Chúng tôi luôn cố gắng để kiểm soát mọi mối đe dọa trong thời gian ngắn nhất.

Nó sẽ là trung tâm chỉ huy mọi hoạt động phòng thủ với những "cái đầu" ưu tú nhất của NORAD và NORTHCOM. Chúng tôi có thể quan sát, dự đoán và chống lại các mối đe dọa đối với Mỹ cũng như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.

Đó là một căn phòng với đầy đủ thiết bị hỗ trợ 24/24h và 7 ngày/tuần, cung cấp thông tin để giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ".

Pháo đài này được bảo vệ bởi một nhóm lính cứu hỏa và lực lượng an ninh. Matthew Backeberg, một lính cứu hỏa giám sát đội kỹ thuật dân sự 721 chia sẻ rằng những thách thức trong việc chữa cháy và canh gác ở một khu vực quan trọng như vậy rất khác so với bất kỳ căn cứ không quân nào.

Các lính cứu hỏa phải tập luyện cường độ cao bởi vì môi trường bên trong ngọn núi rất đặc biệt, một đám cháy nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm. Thách thức lớn nhất là việc thông gió bên trong lòng núi, khói và khoảng không chật hẹp.

Ở trong một tòa nhà bình thường, bạn chỉ cần kéo chuông báo động và mọi người có thể tự di chuyển ra ngoài. Nhưng ở trong này, chúng tôi sẽ là những người hướng dẫn họ đi vào những đường hầm dài 800m thông ra bên ngoài.

Mặc dù núi Cheyenne, bối cảnh của nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình như WarGames, Interstellar, Stargate SG-1 và Terminator thi thoảng cũng có những kẻ đột nhập và biểu tình lui tới nhưng đối tượng mà lực lượng an ninh phải "đuổi đi" nhiều nhất lại chính là các "nhiếp ảnh gia".

"Trọng trách lớn nhất của lực lượng an ninh là luôn sẵn sàng trước các lệnh báo động và làm quen với việc không nhìn thấy mặt trời khi làm việc trong núi suốt 12 giờ đồng hồ" - Ricardo Pierre Collie, một thành viên của lực lượng an ninh 721 cho biết.

Căn cứ Cheyenne - Pháo đài kiên cố bậc nhất nước Mỹ - Ảnh 6.

Hai lính cứu hỏa Kenny Geates và Eric Skinner cùng với Lực lượng cứu hộ khẩn cấp Cheyenne đang dập tắt một đám cháy mô phỏng tại một khu vực bên dưới căn cứ trong một buổi luyện tập. Vì không có khoảng trống cần thiết nên họ buộc phải tiến đến gần đám cháy. (Ảnh: Andrew Lee)

Lực lượng an ninh cũng phải luôn sẵn sàng để phản ứng tức thì bởi vì khi đảm nhiệm việc canh gác một căn cứ như Cheyenne, thời gian phản ứng là điều tối quan trọng. Những người lính như Collie thấy rằng bổn phận bảo vệ pháo đài này của họ trong thời đại hiện nay không hề kém phần quan trọng so với thời Chiến tranh Lạnh.

Phó chỉ huy Rose nói: "Ngày quan trọng ở căn cứ Cheyenne không phải là ngày nó đi vào hoạt động, cũng không phải một ngày trong tháng 4 năm 2016 (50 năm ngày thành lập) mà là tất cả các ngày. Các phi công ở Cheyenne vẫn hằng ngày canh gác bầu trời và vùng biển quốc gia".

Trong 50 năm tới, căn cứ quân sự Cheyenne vẫn sẽ luôn là con rồng canh gác nước Mỹ khỏi mọi mối đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại