Cách Shillong, thủ phủ của bang Meghalaya (Ấn Độ) khoảng 2 tiếng đi taxi là những ngọn đồi Khasi ở độ cao gần 1.500m. Trên đó có ngôi làng nổi tiếng Mawsynram - được xác nhận kỷ lục Guinness là "nơi ẩm ướt nhất thế giới".
Lượng mưa lớn là do các dòng không khí mùa hè quét qua các vùng đồng bằng ngập nước của Bangladesh, tích tụ hơi ẩm và di chuyển về phía bắc Ấn Độ. Khi những đám mây trôi xuống những ngọn đồi dốc của Meghalaya, chúng bị "ép" qua khí quyển và bị nén đến mức không thể giữ được độ ẩm của mình, gây ra những cơn mưa gần như triền miên tại ngôi làng này.
Đây cũng là nơi ẩm ướt nhất thế giới với những trận mưa lớn liên tục đổ xuống. Tháng 6 và tháng 7 là thời điểm mưa nặng nhất với lượng mưa trung bình có thể lên tới gần 7000 mm. Sạt lở đất thường xảy ra sau mỗi trận mưa. Để thông đường, đàn ông trong làng sẽ được trả công 2,6 USD/ngày (hơn 60.000 VNĐ).
Để thích nghi với trời mưa khi làm việc ngoài đồng hoặc ngoài trời, người dân làm ra những tấm che mưa hình dáng giống mai rùa gọi là Knups. Knups được đan chặt từ sậy hoặc nan tre, đủ che từ đầu đến đầu gối. Vật dụng này giúp họ vừa tránh mưa, vừa dễ làm việc hơn so với loại áo mưa thông thường.
Theo đó, người dân nơi này thường phải chuẩn bị lợp tôn mái nhà, lót thật nhiều lớp tôn để tránh trường hợp mưa quá to ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Một trong những đặc điểm hấp dẫn và đẹp nhất trong khu vực là những "cây cầu sống" bắc qua các thung lũng ngập nước mưa. Trong nhiều thế kỷ, người dân địa phương đã đào rễ cây cao su để phát triển thành những cây cầu tự nhiên, tồn tại lâu hơn rất nhiều so với những công trình kiến trúc bằng gỗ nhân tạo đã mục nát chỉ trong vài năm.
Sự khác biệt về thời tiết cũng khiến nơi đây trở thành một điểm du lịch độc đáo, thu hút khá nhiều khách du lịch, tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, những cơn mưa sẽ giúp họ tích trữ nước cho mùa khô vốn rất khắc nghiệt tại nơi này.
70% diện tích bang Meghalaya là rừng, do đó ngôi làng Mawsynram cũng được che phủ bởi màu xanh bất tận của cây cối, đem đến không khí trong lành thoáng mát.
Nguồn: TheAtlantic