Đây là kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Jennifer Lavers thuộc Đại học Tasmania và Alexander Bond đến từ Hiệp hội Hoàng gia Bảo vệ các loài chim vừa được công bố gần đây.
Henderson – thiên đường của các loài động vật hoang dã
Theo báo cáo, Henderson là một hòn đảo san hô với diện tích 37,5 km2 nằm ở phía nam Thái Bình Dương, cách thành phố gần nhất ở đất liền khoảng 4800 km.
Đây là một hòn đảo hoang sơ, không người sinh sống thuộc chủ quyền của nước Anh. Hòn đảo này là nơi trú ẩn của các loài động vật quý hiếm như chim hải âu Henderson, gà nước Henderson hay loài rùa xanh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đảo Henderson nằm ở phía nam Thái Bình Dương cách đất liền khoảng 4800 km.
Rất khó để có thể tiếp cận hòn đảo này. Ngoài những nhà nghiên cứu thì không một người dân nào được phép đặt chân đến đây. Tiến sĩ Lavers đã phải bắt 5 chuyến bay từ Tasmania đến French Polynesia, sau đó thuê một chiếc tàu, lênh đênh trên biển 3 ngày mới đến được Henderson.
Bà Lavers nói: "Hòn đảo này nằm ngoài tuyến đường du lịch, không có bất kì tàu thuyền hay phương tiện vận chuyển nào đến đây và cũng không có bất kì tàu đánh cá nào hoạt động trên vùng biển này. Hòn đảo giống như chưa hề tồn tại, biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới.
Lần cuối cùng những nhà nghiên cứu đến hòn đảo này là vào năm 2011 để điều tra nguyên nhân thất bại của kế hoạch tiêu diệt chuột trên đảo bằng cách phát tán thuốc độc trong không khí. Lần đó, các nhà nghiên cứu đã thực sự sốc với lượng rác thải mà họ nhìn thấy."
Rác thải sẽ theo những dòng hải lưu trôi dạt vào bở biển.
Henderson – hòn đảo ô nhiễm nhất trên trái đất
Quả thật đúng là như vậy, vài năm trở lại đây, môi trường sống tại hòn đảo này đã bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng, biến nơi đây từ một thiên đường dành cho các loài động vật hoang dã trở thành một bãi rác thải.
Dọc bờ biển có hàng ngàn loại rác khác nhau bao phủ khắp bề mặt cát. Hầu hết những loại rác thải này đều làm từ nhựa hoặc các chất dẻo khó phân hủy.
Theo ước tính có hơn 37 triệu mảnh đồ nhựa, nặng khoảng 17 tấn đang ‘trú ngụ’ trên bờ biển của đảo Henderson, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của các loài động vật. Tổng số rác thải ở đây đều được những dòng hải lưu mang từ đại dương trôi dạt vào bờ.
Có khoảng 17 tấn rác thải trên bờ biển ở đảo Henderson.
Nhìn chung, cứ mỗi mét vuông trên bờ biển sẽ có đến hàng trăm món đồ phế thải bao gồm bàn chải đánh răng, phao, lưới đánh cá cũ, túi nhựa hoặc chai lọ đựng mỹ phẩm. Tất cả đều được sản xuất trong vài thập kỉ trở lại đây và bị con người ném bỏ ở những nơi cách xa hòn đảo hàng ngàn dặm.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Số lượng rác trên bờ biển ở đảo Henderson thực chất chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi. Sâu bên dưới lớp đất cát của hòn đảo khoảng 10 cm đang hiện đang vùi lấp đến 60% tổng lượng rác thải có mặt trên đảo.
Từ thiên đường dành cho các loài động vật, Henderson trở thành hòn đảo ô nhiễm nhất trên trái đất.
Theo ghi nhận, mật độ rác thải trên bờ biển ở hòn đảo này cao hơn so với bất kì nơi nào trên thế giới, lên đến 671,6 mảnh/ m2.
Trò chuyện với Daily Mail, tiến sĩ Lavers cho biết bà đã có khoảng 10 năm chuyên nghiên cứu về con đường di chuyển của các loại rác thải trên biển, đặc biệt là các loại chất thải làm từ nhựa.
Và trong vô số những hòn đảo ‘tập kích’ rác thải ngoài đại dương bà đã nhìn thấy trong các chuyến đi của mình thì Henderson chính là địa điểm dẫn đầu danh sách.
"Số lượng rác thải trên đảo Henderson thực sự đáng báo động. Nó làm bạn gần như không thể thở nổi vì thực trạng nghiêm trọng hơn những gì bạn có thể tưởng tượng", bà nói.
Theo ước tính mỗi mét vuông trên bờ biển có đến hàng trăm món rác thải chồng chất lên nhau.
Ô nhiễm chất dẻo ngoài đại dương đang ngày càng nghiêm trọng
Năm 1991, một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm chất dẻo ở hai hòn đảo Ducie và Aeno đã được công bố với lời mô tả ‘lớn đến đáng sợ’ cho thực trạng ô nhiễm ở hai hòn đảo này. Đây cũng được xem là mức độ ô nhiễm chất dẻo cao nhất trong 30 năm qua từng được ghi nhận.
Tuy nhiên, con số này lại ít hơn nhiều so với số lượng chất dẻo trên mỗi m2 ở đảo Henderson trong thời điểm hiện tại. Giả thuyết rằng các hòn đảo đều trải qua cùng một điều kiện kể từ năm 1991 đến nay thì theo ước tính mật độ chất dẻo trên các hòn đảo đã tăng khoảng từ 7-80% một năm.
Một chú cua đang làm tổ bên trong hộp mỹ phẩm của hãng Avon.
Mỗi tuần có đến hàng trăm món đồ bị trôi dạt vào bờ và mỗi ngày trôi qua những món đồ này lại chồng chất lên nhau nhưng lại không có cách nào phân hủy được. Cầm trên tay hình ảnh một chú cua đang làm tổ bên trong một cái hộp mỹ phẩm màu xanh da trời của hãng Avon, bà Lavers nói:
"Thoạt nhìn thì nó trông rất dễ thương. Nhưng đằng sau đó lại là rất nhiều hậu quả khôn lường vì miếng nhựa đã cũ, dễ gãy và rất độc hại. Để động vật hoang dã phải sống bên trong rác thải của con người là điều mà chúng tôi không bao giờ muốn nhìn thấy.
Ô nhiễm chất dẻo trên bờ biển đã ảnh hưởng rất nhiều đến nơi cư trú của các loài động vật, đặc biệt là loài rùa xanh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Rác thải từ nhựa dẻo tràn ngập trên bờ biển sẽ làm những con rùa cái đang mang thai không thể tìm được nơi để đẻ trứng."
Ngoài lượng rác thải trên bề mặt, vẫn còn một lượng lớn rác thải đang bị vùi lấp bên dưới lớp cát trên bờ biển.
Khi được hỏi mỗi người có thể làm gì để giải quyết tình trạng này, bà Lavers nói: "Một khi chất dẻo đi vào đại dương, hầu như không có công nghệ hiện đại nào có thể mang chúng rời khỏi đó. Điều quan trọng là phải ngăn chặn nó ngay từ nơi bắt đầu – nghĩa là không để rác thải đi vào đại dương.
Giáo dục để mọi người dừng việc xả rác trên bãi biển hoặc ra ngoài đại dương là một trong những điều quan trọng nhất. Một điều khác nữa là khuyến khích mọi người ít sử dụng chất dẻo, thay vào đó hãy chuyển sang những phương án thay thế ít gây hại hơn."
Rác thải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các loài động vật trên đảo, đặc biệt là loài rùa xanh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ví dụ, thay vì dùng bàn chải đánh răng làm từ nhựa, chúng ta có thể dùng loại làm từ tre hoặc gỗ với cùng một giá nhưng không gây ô nhiễm cho môi trường sau hàng trăm năm vứt bỏ. Hoặc sử dụng túi lưới để đựng rau củ quả thay cho những chiếc túi nhựa mỏng đang được dùng trong các siêu thị.
Cuối bản báo cáo, tiến sĩ Lavers và người đồng nghiệp Alexander Bond đã đưa ra lời cảnh báo rằng:
"Đảo Henderson cùng nhiều hòn đảo ở ngoài khơi cách xa đất liền đến hàng ngàn dặm - nơi hiếm khi được con người đặt chân đến có thể sẽ bị chìm xuống vào một ngày nào đó vì lượng rác thải khổng lồ đang không ngừng gia tăng của con người."
Trong tương lai, những hòn đảo ngoài khơi cách xa đất liền như Henderson có thể sẽ bị chìm vì lượng rác thải khổng lồ đang không ngừng gia tăng của con người.
Theo chuyên gia ước tính hiện có khoảng 5 nghìn tỷ rác thải từ chất nhựa dẻo đang trôi nổi trên các đại dương. Số rác thải do con người ném xuống biển này đã giết chết vô số động vật biển mỗi năm.
Trong đó, những mảnh nhựa vỡ là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu con chim biển cũng như hơn 100.000 động vật có vú khác trong đại dương. Nếu không có biện pháp khắc phục, có thể đến năm 2050, số lượng rác thải từ chất dẻo có thể sẽ còn nhiều hơn cả số lượng cá trong đại dương.
Thực trạng ô nhiễm chất nhựa dẻo trong đại dương.