Có một bà mẹ từng kể với tôi một câu chuyện như thế này:
Bà mẹ ấy có hai đứa con, cậu con trai 12 tuổi và cô con gái 8 tuổi. Vì muốn mua một chiếc đồng hồ đeo tay mới, cậu anh trai đã lấy trộm trong ví của mẹ 2 tờ 100 NDT, một tờ cho em gái, một tờ giữ lại để mua món đồ yêu thích.
Khi phát hiện mất tiền, người mẹ đã đoán là do con mình lấy, chỉ có điều cô không biết một trong hai đứa, đứa nào là "thủ phạm".
Trong bữa cơm tối, người mẹ nói với hai đứa con: "Mẹ thấy tiền trong ví mẹ bị mất 200 NDT, không biết có phải do trộm đột nhập vào nhà lấy đi mất không. Mẹ lo lắng quá các con ạ."
Cậu con trai cúi gằm mặt còn cô con gái sắc mặt có vẻ căng thẳng. Qua thái độ ấy, người mẹ biết chính hai con của mình đã lấy trộm tiền. Cô em gái "nhát gan", lặng lẽ đưa trả lại 100 NDT vào ví của mẹ.
Sau khi phát hiện tiền đã "trở về", người mẹ cười và nói với hai đứa trẻ: "Hình như mẹ bị nhầm lẫn mất rồi. Hôm trước mẹ nói bị mất 200 NDT nhưng thực ra là mẹ đã đếm nhầm, chỉ mất 100 NDT thôi."
Vẻ mặt cô con gái lúc này hoàn toàn khác so với hôm trước, vô cùng thản nhiên nhưng cậu anh trai vẫn không hề có bất cứ động tĩnh nào.
Người mẹ nói thêm một câu: "Mẹ không tin là người trong nhà lấy trộm, nhiều khả năng là trộm vào lấy. Chúng ta đi báo cảnh sát đi, các con thấy có nên làm như vậy không?"
Cô em gái liếc nhìn anh. Lúc này, tinh thần cậu bé đã trở nên căng thẳng hơn rất nhiều. Tranh thủ lúc mẹ nấu cơm, cậu bé lén lút để 100 NDT vào ví cho mẹ.
Nhìn thấy các con đều đã mang tiền để lại trong ví, trong lòng người mẹ trào dâng một niềm vui khó tả. Cô tiếp tục có một cuộc nói chuyện với hai con:
"Mẹ lú lẫn quá rồi. 100 NDT mẹ bảo bị mất hôm trước thật ra là không phải bị mất, tại mẹ nhầm, nhiều tuổi rồi nên đầu óc không còn minh mẫn nữa…"
Hai anh em liếc nhìn nhau nhoẻn miệng cười. Kể từ lần đó, trong nhà không bao giờ có hiện tượng bị mất trộm tiền.
Không quát mắng, chỉ bằng những đoạn hội thoại ngắn, rất nhẹ nhàng, người mẹ đã khiến 2 con phải trả lại tiền và không bao giờ tái phạm sai lầm. Đó là cách xử lý tình huống đầy khéo léo, mang tính giáo dục cao, đáng được các bậc phụ huynh tham khảo. Ảnh minh họa.
Một câu chuyện khác, cũng đáng để nhiều bà mẹ tham khảo
Còn một bà mẹ khác phải đối mặt với việc con mình bị tố cáo lấy trộm tiền. Và cách xử lý của cô đã khiến người ngoài kinh ngạc và thán phục.
"Con trai chị ở trường đã lấy trộm 1000 đồng của cô giáo Vương. Thằng bé đã thừa nhận rồi, cảnh sát đã đến làm việc…", nhận được điện thoại của giáo viên trong lúc đang làm việc, người mẹ đó không dám tin vào những gì nghe được.
"Bất luận là thằng bé có phạm sai lầm gì, cũng không được đánh, mắng con trai tôi, đợi tôi đến nơi sẽ xử lý tiếp!" – người mẹ trả lời qua điện thoại và nhờ giáo viên đưa điện thoại cho con trai nghe. Cậu bé khóc lớn gọi mẹ.
"Con trai, đừng sợ, dù có việc gì, mẹ cũng vẫn sẽ hậu thuẫn cho con, mẹ đến ngay đây!" – người mẹ trấn an tinh thần cho con trai.
Đến văn phòng của giáo viên, người mẹ phát hiện trước cửa văn phòng đã có một chiếc xe cảnh sát, bên trong, hai người cảnh sát sắc mặt nghiêm trọng, bên cạnh đó là 3 giáo viên trong trường.
Một nữ giáo viên giọng nghiêm nghị nói với vị phụ huynh: "Con trai chị sáng nay đã mở ngăn kéo của tôi lấy trộm 1000 đồng. Thằng bé thừa nhận rồi, chị xem nên xử lý thế nào?"
Người mẹ không để ý đến lời vị giáo viên mà đi tìm con trai mình. Cậu bé đang ngồi trên mặt đất, người run rẩy, bộ đồ mặc trên người bẩn hết, nước mắt rơi nhòe nhoẹt trên má. Người mẹ đi thẳng đến bên con, ôm thằng bé thật chặt.
- Mẹ, nếu không có câu nói ấy của mẹ, con đã leo lên nóc nhà và nhảy xuống rồi. Họ muốn bắt con ngồi tù, con sợ lắm mẹ ơi…
- Con trai, con nói sự thật với mẹ, mẹ tin con.
Đến lúc này, cậu bé mới vừa lắc đầu vừa nói: "Con không lấy".
Sau khi an ủi con, người mẹ đứng dậy, nói: "Tôi tin con trai tôi, thằng bé nói nó không lấy trộm!" – cậu bé cảm kích nhìn mẹ.
Nữ giáo viên kia trợn mắt, mỉa mai "con hư tại mẹ" với giọng điệu khó chịu: "Cậu ta vừa thừa nhận rồi đấy!"
- Vậy cô nói thử xem con tôi đã thừa nhận như thế nào, tiền ăn trộm được giờ ở đau, mang chứng cứ chứng tỏ thằng bé ăn cắp ra đây xem. Nếu không tìm được chứng cứ, cảnh sát cũng không có quyền bắt thằng bé!
Một cảnh sát nghe xong, nhún vai nói: "Đúng là không có chứng cứ nhưng thằng bé đã thừa nhận rồi."
Nữ giáo viên không chút nhẫn nại kể lại quá trình thẩm vấn cậu học sinh. Người mẹ nghe xong, quay đầu lại nhìn con và hỏi: "Cô giáo nói có đúng không?"
Cậu con trai lắc đầu: "Từ sáng cô đã không cho con vào lớp và còn gọi cảnh sát đến. Con sợ lắm. Cô nói con thừa nhận mọi việc sẽ được về nhà…"
Nét mặt cô giáo kia bỗng nhiên biến sắc, không nói một lời. "Đe dọa, uy hiếp, vậy mà gọi là thẩm vấn à? Tôi còn phải đâm đơn kiện cô tội hư cấu, nói sai sự thật!"
Sự ân cần, tin tưởng của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho cậu bé bị nghi oan là lấy trộm tiền của giáo viên. Ảnh minh họa.
Không biết dũng khí từ đâu đến, người phụ nữ nghèo, dáng gầy gò đi chiếc xe đạp điện cũ rích ấy cứ thế thản nhiên dắt tay con về nhà trước mặt những người giáo viên và cảnh sát. Có lẽ trước mặt con, hành động của mỗi bà mẹ đều cố chấp như vậy.
Trên đường về nhà, cậu bé cảm kích ôm mẹ rất chặt. "Mẹ, cảm ơn mẹ đã cho con thêm sức mạnh."
Về đến nhà không lâu, giáo viên chủ nhiệm lớp đã gọi điện thoại đến thông báo rằng đã tìm thấy 1000 đồng cô giáo Vương báo mất. Thực ra số tiền đó không ai lấy mà là do cô ta sơ ý để sang ngăn kéo khác mà không nhớ ra.
Mặc dù sự việc này đã để lại trong lòng cậu bé một nỗi sợ hãi nhưng sau đó, nhờ cách làm của mẹ, cậu vẫn mạnh dạn đến lớp như thường lệ. Bởi vì cậu bé đã cảm nhận được sự an toàn tuyệt đối cũng như sự dũng cảm mà mẹ đã tiếp cho mình.
Mãi cho đến sau này khi đã trưởng thành, cậu bé đó vẫn nhớ như in sự ấm áp trong thời khắc đó.
Trước hành vi ăn trộm tiền của con, bố mẹ nên xử lý như thế nào?
Nếu phát hiện con ăn trộm tiền, tuyệt đối không nên áp dụng phương thức "thẩm vấn phạm nhân" để chất vấn trẻ nhỏ hoặc cưỡng ép trẻ nhận sai.
Thay vào đó, các bậc phụ huynh, người lớn nên sử dụng những biện pháp mềm mỏng, để trẻ hiểu rằng bố mẹ đã biết chúng phạm sai lầm. Xử lý một cách thô bạo sẽ làm tổn thương lòng tự tôn của trẻ, từ đó dẫn đến việc trẻ không nhận sai hoặc có hành vi đối địch.
Bố mẹ cũng cần phải biết rõ trẻ ăn trộm tiền vì mục đích gì, từ đó mới nghĩ ra cách để "chặn đứng" hành vi không tốt ở trẻ.
Nếu như trẻ ăn trộm tiền để mua một món đồ nào đó, thậm chí nếu thấy hợp lý, bố mẹ nên cố gắng mua cho con.
Nếu đó là một nhu cầu không hợp lý, ví dụ trẻ đã có một chiếc đồng hồ, nay lại muốn mua một cái nữa, bố mẹ có thể cho con vay tiền và số tiền đó khi nào sẽ phải trả, trả bằng cách nào.
Cách này vừa có thể tránh cho trẻ phải nghĩ đến việc trộm tiền, vừa có thể dạy cho trẻ có thói quen mua sắm thận trọng.
Phương thức giáo dục con cái của bố mẹ quyết định đến tính cách và thói quen của trẻ. Bạn đối xử với trẻ thô bạo, chúng cũng sẽ hành xử thô bạo với bạn. Bạn quan tâm chăm sóc, ân cần với chúng, chúng sẽ dùng thái độ biết ơn để tương tác lại.
Bố mẹ là tấm gương và là điểm tựa của con cái. Hay dùng tình yêu để gần gũi và bảo vệ con. Trong quá trình xây dựng, hình thành tính cách và thói quen cho trẻ, hãy nhớ đừng làm tăng những vết thương trong tâm hồn non nớt của các bé.