Các bảo vật khác nhau về kích thước, bố cục hoa văn nhưng đề tài và kỹ thuật trang trí hoa văn trên trong bộ sưu tập là giống nhau, bao gồm đồ án hoa văn đôi rồng bay lượn và nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, đồ án rồng cuộn, đồ án cánh sen, đồ án hoa liên tiền (hay còn được gọi là hoa chanh), đồ án hồi văn.
Hoa văn được vẽ bằng bút lông, vẽ trực tiếp trên cốt gốm khi cốt đã khô. Cách vẽ rồng ở tư thế bay lượn, đầu ngẩng cao, miệng nhả ngọc, thân uốn nhiều khúc, đuôi duỗi thẳng, vây dương cao, chân đạp mây. Hình tượng rồng trên các bát đĩa thể hiện sống động, hình khối uyển chuyển, tư thế vận động mạnh mẽ.
Bộ sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thuộc thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI được công nhận bảo vật quốc gia đợt 11.
Trong hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đánh giá các hình vẽ rồng chân 5 móng vuốt sắc nhọn là biểu tượng dành cho hoàng đế. Tại Lam Kinh (Thanh Hóa), khu lăng tẩm và thái miếu triều hậu Lê, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số mảnh bát đĩa vẽ hình rồng 5 móng nhưng đều bị vỡ, không đủ để phục hồi.
Bộ sưu tập bát, đĩa đồ gốm hoa lam ngự dụng, thời Lê sơ được phát hiện trong các hố khai quật tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Đồ án rồng cuộn dùng để trang trí trong lòng đĩa hoặc bát.
Theo Cục Di sản Văn hóa, bộ sưu tập là minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ. Kỹ thuật sản xuất gốm men trắng vẽ lam xuất hiện từ lâu, đạt trình độ khá cao cuối thời Trần, đến thời Lê sơ "phát triển vượt bậc" với nhiều dòng men, kiểu dáng mới. Nhiệt độ và kỹ thuật nung đốt sản phẩm đạt và vượt tiêu chuẩn của đồ gốm men thông thường.
Qua chất liệu, hoa văn và chữ Hán trên bộ bát đĩa, Cục Di sản văn hóa cho rằng sản phẩm do quan xưởng triều đình, gồm các nghệ nhân giỏi nhất nước chuyên sản xuất vật phẩm cho hoàng gia nhà Lê sơ sản xuất. Hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo cho thấy trình độ và óc thẩm mỹ của thợ gốm.
Bộ sưu tập được tìm thấy cùng một số đồ dùng khác của vua và hoàng hậu, trong đó một số hiện vật viết chữ Trường Lạc - tên cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Các hiện vật nằm trong lớp đào có địa tầng ổn định, không xáo trộn nên độ chân xác rất cao.
"Đồ án hoa văn trang trí của bộ sưu tập minh chứng cho tính cao quý của các hiện vật này. Các sản phẩm đều có hình vẽ rồng 5 móng, một biểu trưng dành riêng cho nhà vua. Đồ án trang trí hình rồng có chân 5 ngón với 5 móng sắc nhọn mang tính biểu trưng cho quyền lực của nhà vua và phản ánh sự chi phối mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo thời Lê sơ, phản ánh giá trị văn hóa tiêu biểu của thời Lê sơ", Cục Di sản văn hóa nêu.
Bộ sưu tập bát, đĩa đồ gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long là tư liệu có giá trị đặc biệt quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa của Thăng Long nói riêng, lịch sử văn hóa Đại Việt thời Lê sơ nói chung.