Ra đời vào giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bộ đội tên lửa đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta. Để làm được điều đó, cán bộ, chiến sĩ bộ đội tên lửa vừa phải nắm chắc lý thuyết, vừa đúc rút kinh nghiệm qua thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Tiêu biểu trong số đó là Anh hùng, Đại úy Phạm Trương Uy đã tự biên soạn cuốn "Cẩm nang xạ kích" từ kiến thức học tập và thực tế chiến đấu, góp phần chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 9 máy bay trong đó có 2 máy bay chiến lược B52 của Mỹ.
Đồng chí Phạm Trương Uy sinh năm 1936, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc, để đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến phòng không bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Trung đoàn Tên lửa 236 (còn gọi là Đoàn Sông Đà) được thành lập ngày 7/1/1965.
Đây là Trung đoàn Tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Phạm Trương Uy sau một thời gian học tập cùng các chuyên gia Liên Xô được phân công nhiệm vụ điều khiển bệ phóng tên lửa, giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn Tên Lửa 236.
Tháng 8 năm 1965, không quân Mỹ đã đánh phá nhiều vùng ngoài vĩ tuyến 20. Tiểu đoàn 64 có nhiệm vụ triển khai trận địa ở Văn Điển. Chiều 5/8/1965, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm và dự buổi luyện tập đánh máy bay địch của đơn vị.
Sĩ quan điều khiển Phạm Trương Uy vừa thao tác vừa thuyết trình tình huống địch, ta trên màn hiện sóng. Sau buổi luyện tập, đồng chí Trường Chinh – Chủ tịch Quốc hội khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và căn dặn:
"Trong thời gian ngắn, đơn vị đã học tập sử dụng được vũ khí hiện đại bắn rơi nhiều máy bay địch. Thế là khá lắm! Các đồng chí cần dũng cảm, sáng tạo vượt qua nhiều thử thách, đoàn kết khiêm tốn học tập chuyên gia Liên Xô, nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài, bắn rơi thật nhiều máy bay địch, bảo vệ vùng trời đất nước, bảo vệ Thủ đô thân yêu của chúng ta".
Theo kế hoạch tác chiến, ngày 20/7/1965, Trung đoàn Tên lửa 236 được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa tại Chùa Ghề và Vô Khuy (khu vực Suối Hai - Trung Hà - Sơn Tây), hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, kiên trì chờ đợi, sẵn sàng đánh địch.
Đúng như dự đoán của ta, khoảng 15 giờ, ngày 24/7/1965, từ hướng Tây Hà Nội xuất hiện nhiều tốp máy bay địch trong đội hình bay đường dài (do chưa có sự đề phòng hỏa lực tên lửa) bay vào khu vực ta bố trí trận địa. Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng kịp thời ra lệnh cho các đơn vị bắt, bám và nắm chắc thời cơ.
Khi địch bay vào phạm vi hỏa lực, Trung đoàn 236 đã chỉ huy hai tiểu đoàn Tên lửa 63 và 64 bất ngờ khai hỏa. Mỗi tiểu đoàn phóng hai quả tên lửa, nhằm mục tiêu tốp máy bay F-4C ở độ cao trên 7.000 mét. Kết quả ta đã tiêu diệt cả tốp, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 1 phi công Mỹ.
Quá bất ngờ vì máy bay bị tiêu diệt ở độ cao lớn, ngày 26/7/1965, địch liên tiếp cho máy bay không người lái tầng cao BQM-34A và RF-101 vào do thám. Song cả hai máy bay này đều bị tên lửa của Tiểu đoàn 64 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy chỉ huy (sau khi đã di chuyển vị trí sang trận địa mới) bắn rơi ở vùng núi, rừng Thanh Sơn.
Sau mỗi trận chiến đấu, đồng chí Phạm Trương Uy ghi lại những phân tích điểm yếu, điểm mạnh giữa quân ta và địch của cá nhân đồng chí trong cuốn "Cẩm nang xạ kích", từ đó đúc rút kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu nhằm phát huy tối đa khả năng chiến đấu của đơn vị.
Trong trận mở màn chiến dịch Trị Thiên ngày 30/3/1972, để kịp thời chi viện cho đội hình tiến công của ta trong lúc địch chưa triển khai máy bay B-52. Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo cho cụm tên lửa ở phía trước đánh máy bay cường kích.
16 giờ 38 phút, tốp F4 từ phía nam xuất hiện chuẩn bị oanh tạc trận địa pháo binh ta. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy, kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 64 phóng hai tên lửa vào tốp F4, bắn rơi tại chỗ một chiếc. Đây là chiếc máy bay bị bộ đội tên lửa phòng không bắn rơi đầu tiên trong chiến dịch.
Phát hiện trận địa tên lửa của bộ đội ta, địch cho máy bay ném bom nhiều đợt, ngày 7/4/1972, trận địa của Tiểu đoàn 64 bị đánh phá, khí tài hỏng nặng, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn hy sinh, Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy bình tĩnh chỉ huy đơn vị cứu chữa thương binh, sửa chữa khí tài, nhanh chóng ổn định đơn vị và triển khai chiến đấu, phát triền đội hình vượt sông Bến Hải, bảo vệ đội hình quân binh chủng hợp thành của chiến dịch.
Với những thành tích đạt được trong quá trình chiến đấu và công tác, đồng chí Phạm Trương Uy đã được tặng thưởng hai Huân chương chiến Công hạng Ba, một Huân chương Quân công hạng ba, một Huy chương chiến thắng chống Pháp hạng Hai, một Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, một Huy chương Quân Kỳ Quyết thắng.
Ngày 3/9/1973, đồng chí Phạm Trương Uy được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, cuốn "Cẩm nang xạ kích" có bìa bằng vải bạt tráng nhựa của Anh hùng, Đại úy Phạm Trương Uy được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, là minh chứng cho tinh thần "Dám đánh, biết đánh và quyết thắng" của bộ đội tên lửa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.