Cam chịu, nhẫn nhục: Chị em phụ nữ đang chà đạp lên quyền con người của chính mình

K.Chi |

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết – nguyên Giám đốc trung tâm bạo hành giới, Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội - người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bình đẳng giới tại Việt Nam thì phụ nữ Việt đang cam chịu, nhẫn nhịn. Họ không biết rằng, nhịn nhục là cách tự chà đạp lên quyền con người.

Sáng 27/8, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bạo hành vợ dã man ngay trước mặt con trai chừng 5-6 tuổi, trong khi chị này đang bế một đứa con nhỏ 2 tháng khiến nhiều người phẫn nộ.

Người chồng được xác định là võ sư Nguyễn Xuân Vinh (SN 1987, trú tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội). Còn vợ là chị Vũ Thị Thu L. (SN 1992). Được biết, chị L. mới sinh con 2 tháng, thường bị chồng đánh đập thường xuyên, gây trầm cảm và mất sữa.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với phóng viên Infonet, võ sư Nguyễn Xuân Vinh xác nhận, mình là người chồng trong đoạn clip gây xôn xao MXH.

Nhưng anh này vẫn cho rằng, chuyện vợ chồng cãi nhau là bình thường, nhà nào vợ chồng trẻ cũng đều xảy ra cãi vã, to tiếng.

"Tôi nóng tính nên khi vợ chửi, tôi có tát cô ấy vài cái, chứ có gì đâu mà cứ ầm ĩ lên. Tôi thừa nhận hành động như thế trước mặt con là sai. Nhưng nếu vợ bạn chửi bạn thì bạn có tát cho mấy phát không?" - anh này nói.

TS Nguyễn Ngọc Quyết cho rằng, dù bất kỳ lý do gì mà đàn ông lấy lý do đánh vợ đều vi phạm pháp luật. Tùy vào tỷ lệ thương tích của nạn nhân, người chồng có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

TS Quyết cho biết, bạo hành gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, len lỏi trong từng khu phố gia đình. Có những nạn nhân bị bạo hành gia đình cả chục năm trời nhưng họ không chia sẻ, họ không nói với ai ngay cả người thân và các tổ chức xã hội.

"Phụ nữ âm thầm chịu đựng, không chia sẻ, không nhờ hỗ trợ của các tổ chức chính trị xã hội như hội phụ nữ do họ sợ chồng sẽ đánh thêm, cùng tâm lý "xấu chàng hổ ai" nên cố cam chịu.

Chính vì điều này đôi khi việc can thiệp của hội phụ nữ, chính quyền khiến người chồng “điên lên” có những hành động hung hãn với vợ hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của các nạn nhân", Bác sĩ Quyết phân tích.

Thực tế, bác sĩ Quyết cho rằng, xử lý vấn đề bạo hành gia đình đã được luật hóa và các tổ chức, hội phụ nữ sẽ là nơi hòa giải hoặc bảo vệ các nạn nhân.

Do đó, nếu phụ nữ cứ giữ tâm lý e sợ, nhẫn nhịn khi cho rằng “một điều nhịn, chín điều lành” thì đó chính là con đường tự tăng nguy cơ bị bạo hành của chị em.

Đàn ông thường lấy cớ vợ nói nhiều nên "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" với vợ, nhưng tất cả lý do trên là ngụy biện và đều vi phạm pháp luật. Theo bác sĩ Quyết, cam chịu là cách phản ứng với các hành vi bạo lực gia đình của nhiều người phụ nữ trung tuổi trở lên.

Nhóm này đa phần bị chồng bạo lực kéo dài trong nhiều năm nhưng không phản ứng quyết liệt, thậm chí cam chịu chấp nhận đến... hết đời.

"Còn ở nhóm tuổi trẻ hiện nay họ đã có phản ứng mạnh mẽ hơn với bạo lực gia đình. Cấu trúc bạo lực gia đình ở thành thị cũng ngày càng phức tạp và khó giải quyết hơn.

Tuy nhiên, bất cứ lý do nào đưa ra để có hành vi bạo lực là vi phạm pháp luật và cần phải lên án, trừng trị nghiêm khắc...", bác sĩ Quyết nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại