Ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển đã chính thức có hiệu lực. Cho tới nay, đây là một trong những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của EU nhằm làm sụt giảm doanh thu của Nga.
Xuất khẩu dầu mỏ Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng với thế giới. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô đứng thứ hai thế giới chỉ sau Saudi Arabia. Năm 2021, khoảng một nửa xuất khẩu dầu mỏ của Nga tới châu Âu.
Trạm dầu thô Kozmino nằm bên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters
Cuộc xung đột ở Ukraine không thay đổi nhiều nguồn doanh thu của Nga từ dầu mỏ. Đến nay, xuất khẩu dầu mỏ nói chung của Nga vẫn tiếp tục được duy trì, với khoảng 77 triệu thùng trong tháng 10, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Con số này chỉ thấp hơn khoảng 400.000 thùng dầu so với mức trước chiến tranh. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, Moscow cũng thu về hàng chục tỷ USD doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch. Mỹ và châu Âu muốn thay đổi điều đó.
Dưới đây là những vấn đề đặt ra khi châu Âu và thế giới nói chung bước vào giai đoạn mới với nhiều điều không chắc chắn trong cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây.
Kế hoạch của phương Tây là gì?
Đầu năm nay, châu Âu nhất trí lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga bằng đường biển. Các nước G7 và Australia cũng cấm nhập khẩu dầu thô Nga. Các lệnh cấm này được đưa ra cùng lúc với quyết định áp giá trần ở mức 60 USD đối với dầu mỏ Nga vận chuyển tới phần còn lại của thế giới. Về lý thuyết, quyết định trên sẽ được G7 và EU thực thi. Sau đó, vào tháng 2/2023, một lệnh trừng phạt mới của EU nhằm vào các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay phản lực, cũng có hiệu lực.
3 biện pháp trên có những tác động khác nhau tới châu Âu, Nga và giá dầu thế giới, đồng thời gây ra những rủi ro to lớn cho môi trường địa chính trị và nền kinh tế vốn đã nhiều biến động.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của EU có ý nghĩa gì?
Từ 5/12, các nước EU sẽ không thể nhập khẩu dầu thô Nga bằng đường biển, ngoại trừ Bulgaria, quốc gia có thời gian tuân thủ kế hoạch mới lâu hơn.
Brussels cho biết, khoảng 90% dầu Nga được nhập khẩu tới EU sẽ nằm trong lệnh cấm vào cuối năm nay. Dầu thô là dầu mỏ chưa qua công đoạn tinh chế và chưa được chuyển thành các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như xăng.
Theo IEA, năm nay, xuất khẩu của Nga tới châu Âu đã giảm mạnh, khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày xuống còn 3,95 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Hầu hết nguồn cung của Nga cho châu Âu đã được chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Ảnh hưởng của lệnh cấm ngày 5/12 sẽ hoàn tất sự thay đổi dòng chảy dầu mỏ toàn cầu, Claudio Galimberti, cựu phó chủ tịch công ty nghiên cứu năng lượng Rystad cho hay.
"Đó là sự chuyển hướng gần như tất cả dầu thô tới châu Âu", chuyên gia này cho hay.
Phương Tây cho rằng nếu lệnh cấm trên được thực hiện, tác động của nó lên giá dầu toàn cầu có lẽ tương đối khiêm tốn, tức là giá xăng dầu của người tiêu dùng châu Âu sẽ không tăng ngay lập tức. Tuy nhiên, chính phủ các nước EU sẽ phải theo dõi sát sao giá dầu trong những ngày tới.
Ngày 3/12, dầu thô Brent đang trao đổi ở mức 87 USD/thùng, giảm so với mức 110 USD/thùng hồi tháng 6, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Dòng chảy dầu mỏ sẽ thay đổi như thế nào?
"EU sẽ nhập khẩu dầu thô từ những nơi khác", Simone Tagliapietra, học giả cấp cao tại think tank Bruegel cho hay.
"Nga có thể sẽ tăng cường xuất khẩu dầu thô tới Trung Quốc và Ấn Độ, đồng nghĩa với việc các nước này sẽ giảm nhu cầu dầu mỏ từ Trung Đông trong khi châu Âu sẽ tiếp nhận dầu mỏ từ Trung Đông và những nơi khác nhiều hơn. Các điều kiện thị trường vẫn khá giống nhau".
Thực tế là lệnh cấm dầu mỏ qua đường biển của EU không áp dụng với dầu mỏ Nga vận chuyển tới châu Âu qua các đường ống. Điều đó tức là Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia sẽ tiếp tục nhận được dầu mỏ Nga qua đường ống Druzhba.
Đức và Ba Lan cũng sẽ nhận được nguồn cung dầu mỏ qua đường ống nhưng các nước này đã đơn phương cam kết sẽ dừng nhập khẩu vào cuối năm nay. Do sự phụ thuộc nhất định vào nguồn cung từ Nga, Bulgaria sẽ được hưởng quy chế ngoại trừ tạm thời đặc biệt đối với lệnh cấm dầu mỏ Nga bằng đường biển cho tới cuối năm 2024.
Lệnh áp giá trần dầu mỏ hoạt động như thế nào?
Lệnh áp giá trần dầu mỏ Nga do các nước G7 thực hiện sẽ cấm các công ty bảo hiểm và vận chuyển thực hiện giao dịch với các bên bán dầu mỏ Nga trên mức giá trần. Mức giá trần là một chủ đề được tranh luận trong thời gian dài, đặc biệt tại EU và cuối cùng các nước này đã nhất trí mức giá 60 USD/thùng ngày 2/12. Mức giá trần trên sẽ được xem xét dựa trên những thay đổi trên thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, với giá 60 USD/thùng, mức giá trần này sẽ không thực sự ảnh hưởng đến doanh thu dầu mỏ của Nga trong thời điểm hiện tại. Dầu mỏ Nga hiện được bán với mức giá thấp hơn giá trên thị trường toàn cầu tuần trước, khoảng 52 USD/thùng. Đó là lý do tại sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng biện pháp này vẫn "yếu đuối".
"Mức giá trần 60 USD/thùng sẽ không gây tổn hại cho Nga. Về mặt địa chính trị, đây không phải một giải pháp tối ưu nhưng nó sẽ trở nên thiết thực nếu chúng ta tăng sức ép bằng cách hạ thấp mức giá trần", nhà quan sát Tagliapietra nhận định.
Các tàu không thuộc EU vi phạm mức giá trần cũng sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt tương đối mềm mỏng: Đó là các nhà chức trách EU sẽ không được phép cung cấp bảo hiểm, tài chính và dịch vụ cho họ để vận chuyển dầu mỏ Nga trong 90 ngày. Các hình phạt đối với các tàu thuyền của EU sẽ được quyết định bởi luật pháp của từng quốc gia.
Trên thực tế, lệnh áp giá trần của G7 được thực hiện với mục tiêu là trở thành một phương tiện làm giảm thu nhập của Nga từ dầu mỏ mà không làm gián đoạn lớn đến thị trường toàn cầu bằng cách ngăn chặn hiệu quả xuất khẩu số lượng lớn dầu mỏ Nga ra thị trường thế giới.
Nếu không có mức giá trần, các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực ngày 5/12 sẽ cản trở khả năng của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ - vốn dựa vào dịch vụ tàu chở dầu được tạo điều kiện bởi các công ty bảo hiểm và dịch vụ của EU và Anh. Điều đó sẽ có nguy cơ loại hàng triệu thùng dầu Nga khỏi thị trường toàn cầu và khiến giá dầu "tăng vọt", nhà quan sát Galimberti đánh giá.
Ở một mức độ nào đó, việc áp giá trần dầu mỏ có vai trò như một công cụ kiềm chế lạm phát để hạn chế tác động các lệnh trừng phạt cũng như cắt giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ.
Nga sẽ phản ứng như thế nào?
Trong khi Nga có thể sẽ tìm kiếm những khách hàng mới mua dầu thô thì một số nhà quan sát cho rằng phương Tây không thể đánh giá thấp phản ứng của Moscow.
Trong những tuần gần đây, các bộ trường Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ dừng bán dầu mỏ cho các quốc gia thực hiện lệnh áp giá trần của G7.
Nhà quan sát Tatiana Mitrova thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia nhận định, Nga có thể sẽ "giảm xuất khẩu và sản xuất" để đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao và điều đó có thể gây tổn thất về kinh tế cho các nước đối thủ.
Phản ứng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.
“Các nước OPEC hiểu rõ, nếu cơ chế này thành công, nó có thể được áp dụng với các trường hợp khác. Chính các nước OPEC có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. Họ không mấy đón nhận cơ chế này và muốn nó thất bại", nhà quan sát Mitrova bình luận.
Theo Reuters, nhóm OPEC+ bao gồm Saudi Arabia, một số nước sản xuất dầu mỏ lớn ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á và Nga đã gặp nhau ngày 4/12, đồng thời khẳng định hiện sẽ không thay đổi chính sách.
Lệnh cấm nhiên liệu diesel
Thậm chí nếu thế giới trải qua những tuần tới không có nhiều biến động trên thị trường dầu mỏ thì các lệnh trừng phạt lớn tiếp theo của EU có thể mang đến một cú sốc đáng kể với nguồn cung năng lượng châu Âu và giá cả hàng hóa trên toàn cầu.
Lệnh cấm của EU đối với các "sản phẩm từ dầu được tinh chế" của Nga có hiệu lực vào 5/2/2023 là đáng chú ý nhất", đặc biệt là đối với nhiên liệu diesel, nhà quan sát Galimberti đánh giá.
"Châu Âu phụ thuộc vào Nga về nhiên liệu diesel với 60% loại năng lượng này đến từ Moscow. Sẽ không dễ để tìm kiếm các nguồn thay thế. Châu Âu có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu diesel vào ngay giữa mùa đông. Diesel được sử dụng gần như mọi nơi ở châu Âu từ ô tô, ngành công nghiệp cho tới các hệ thống sưởi", nhà phân tích này cho hay.
Nga có kế hoạch sẽ bán một số sản phẩm dầu tinh chế từng xuất sang các nước châu Âu cho Nam Phi và Ấn Độ nhưng sẽ không phải với số lượng tương đương.
"Điều đó tức là họ sẽ giảm sản xuất dầu thô của chính mình. Dầu thô cần được tinh luyện để trở thành các sản phẩm tinh chế. Nếu không tìm thấy thị trường cho các sản phẩm từ dầu mỏ, họ sẽ phải tự tiêu thụ hoặc lưu trữ nó. Nhưng Nga hiện thiếu khả năng để lưu trữ số lượng lớn như vậy", nhà quan sát Galimberti nói.
"Nếu ra khỏi thị trường bạn có thể tiêu thụ khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, chúng tôi cho rằng Nga sẽ chịu tổn thất lớn trước lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ. Đó là khoảng 1% toàn bộ thị trường. Nghe có vẻ không phải một con số lớn nhưng mọi thứ trên thị trường dầu mỏ đều dựa trên kinh tế học quản trị. Chỉ một lượng nhỏ cũng có thể làm thay đổi cán cân và đẩy giá cả tăng cao, điều chúng tôi dự đoán sẽ xảy ra vào tháng 2 năm tới".
IEA cũng dự đoán hồi tháng 11 rằng sản lượng dầu mỏ Nga có thể giảm 1,4 triệu thùng vào năm 2023, có nguy cơ đẩy cao giá cả toàn cầu.
"Rủi ro của những điều không chắc chắn chưa bao giờ lớn tới vậy", báo cáo của IEA nhận định./.