EU và G7 'giơ cao đánh khẽ' dầu Nga, áp giá 60 USD/thùng

NHẬT ĐĂNG |

Nhóm các nền kinh tế G7, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: Reuters

EU thông qua quyết định này ngày 2-12 sau khi thuyết phục Ba Lan chấp nhận mức giá trần nói trên. Cùng ngày, nhóm G7 và Úc cũng tuyên bố áp mức tương tự và cho biết giá đó sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12 hoặc "rất sớm sau đó".

Mục tiêu kép

Theo quy định này, các công ty tại G7, EU và Úc sẽ không được phép vận chuyển, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, mua bán hoặc môi giới với các tàu hàng chở dầu thô Nga, trừ khi dầu có giá bán dưới 60 USD/thùng.

Các nước EU đã tranh cãi về nội dung áp giá trần và để đạt được thống nhất, họ đã bổ sung một số điều kiện như rà soát lại mức giá trần vào giữa tháng 1-2023 và tiến hành rà soát hai tháng một lần sau đó.

Một tài liệu của EU mà Hãng tin Reuters có được cho thấy sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp 45 ngày áp dụng cho tàu chở dầu Nga bốc hàng trước ngày 5-12 và dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng trước ngày 19-1-2023.

Việc áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển đường biển là ý tưởng của nhóm G7 nhằm đạt được mục tiêu kép. Thứ nhất, đây là cách G7 phản ứng trước "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

Nhóm G7 (Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) phản đối cuộc chiến của Nga, cho rằng việc áp giá trần như thế sẽ làm giảm thu nhập của Nga, từ đó khiến Matxcơva không có nguồn tài chính đủ mạnh để chi cho quân sự cũng như phải đương đầu với sức ép kinh tế khi bị phương Tây cô lập.

Thứ hai, con số 60 USD/thùng được thống nhất vì các nước nghĩ rằng đây là mức giá hợp lý để không khiến thị trường hỗn loạn. Trước đó, Ba Lan và Estonia nằm trong số những nước cho rằng áp giá trần từ

30-40 USD/thùng sẽ khiến Nga tổn thương. Nhưng nếu áp giá trần quá thấp sẽ khiến nguồn cung dầu Nga suy giảm, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Theo nhà phân tích năng lượng Pavel Molchanov của Công ty dịch vụ tài chính Raymond James, giá dầu quá thấp sẽ đồng nghĩa lạm phát tăng, thêm nhiều khách hàng gặp khó khăn và các nước sẽ lại càng siết chặt tiền tệ hơn.

Lo ngại về hiệu quả

Các quan chức Mỹ cho rằng quyết định của EU, G7 và Úc là chưa có tiền lệ, và thể hiện quyết tâm phản đối chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi cả về hiệu quả lẫn cách thực thi quyết định đó.

Về lý thuyết, các nước tham gia áp giá trần sẽ tìm cách điều chỉnh mức giá nhằm đảm bảo giá dầu Nga giao qua đường biển phải thấp hơn ít nhất 5% so với thị trường. Nhưng theo Trung tâm nghiên cứu Atlantic Council (Mỹ), mức giá trần này không thấp như nhiều người nghĩ.

Hiện nay dầu Nga vẫn được giao dịch với giá khoảng 69 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent là 89 USD/thùng. Với mốc 60 USD, Nga vẫn thu lợi khá lớn từ việc bán dầu, nhất là khi nhiều ý kiến lo ngại các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc đang không hưởng ứng.

Tương tự, ông Simone Tagliapietra, chuyên gia về chính sách năng lượng tại Trung tâm Bruegel (Brussels, Bỉ), cho rằng mức 60 USD/thùng không tác động lớn tới tài chính Nga.

Một số chuyên gia khác cũng thừa nhận kể cả khi áp giá trần 50 USD/thùng, Nga vẫn còn có lời. Vấn đề ở chỗ khi giá dầu Ural của Nga quá thấp so với dầu Brent, nó sẽ càng khiến một số nước tìm cách lách luật.

Hiện tại giới quan sát cho rằng rất khó xử phạt những nước hoặc nhà phân phối chỉ vì họ không chứng minh được đang vận chuyển dầu giá thấp hơn 60 USD/thùng.

EU dự kiến công bố thêm chi tiết các điều khoản về mức trần trong ngày 3-12.

Các nước thu nhập thấp và trung bình hưởng lợi?

Hầu hết các công ty vận chuyển và dịch vụ bảo hiểm dầu đều nằm ở nhóm G7. Điều này khiến Nga gặp khó khăn trong việc bán dầu thô qua đường biển với giá cao hơn 60 USD/thùng.

Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết lệnh cấm của EU và mức giá trần sẽ tạo ra kịch bản thắt chặt thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2023, và kỳ vọng giá dầu Brent sẽ quay trở lại mốc 95 USD/thùng trong vài tuần tới, theo ABC News. "Mức giá trần với dầu thô Nga sẽ giúp chúng tôi ổn định giá năng lượng toàn cầu, có lợi cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại