Tháng 5/2021, tại Nhà máy đóng tàu Severodvinsk ở thành phố Severodvinsk, Arkhangelsk, Nga, cờ St. Andrew đã được cắm trên tàu ngầm hạt nhân tên lửa hành trình Kazan của Nga, điều đó có nghĩa là hải quân nước này có thêm một loại “Tuần dương hạm hạt nhân dưới nước” có thể đi xuyên đại dương.
Kazan là tàu ngầm hạt nhân 885M đầu tiên của Nga, một phiên bản cải tiến của tàu ngầm hạt nhân 885 do Liên Xô phát triển. Tàu ngầm hạt nhân 885 từng là một trong những tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới.
Vậy, tại sao chỉ có một tàu ngầm hạt nhân loại 885 tiên tiến nhất trên thế giới vào thời điểm đó được chế tạo? Tại sao Nga ngay lập tức chuyển sang phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M sau khi hạ thủy tàu đầu tiên vào tháng 6/2010? Sự khác biệt là gì?
Lễ biên chế tàu ngầm Kazan của Hải quân Nga. Nguồn: people.com.cn.
Khi tàu ngầm hạt nhân 885 được phát triển thành công, nó là tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới. Sự tiên tiến này dựa trên một nền tảng: Nó là sản phẩm của cuộc đối đầu toàn diện giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô.
Rất lâu trước khi loại tàu ngầm này ra đời, nó đã tham gia vào một "trận chiến sống còn" khốc liệt. Năm 1980, Phòng thiết kế trung tâm Lazurit của Liên Xô bắt đầu thiết kế tàu ngầm thế hệ thứ 4.
Dự án này được gọi là Dự án 957, mật danh "Cedrus". Đồng thời, Cục thiết kế chế tạo máy hàng hải Malachit cũng đã bắt đầu phát triển tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ 4. Dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf, dự án này là dự án 885, có tên mã là "Fraxinus chinensis", phiên âm "Yasen".
Kết quả của cuộc cạnh tranh đã được cả thế giới biết đến. Dự án 957 bị đình chỉ do tàu ngầm được phát triển chỉ có một chức năng duy nhất và không đáp ứng được nhu cầu tác chiến hải quân trong tương lai. Tàu ngầm hạt nhân đa năng 885 đã giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này và được đưa vào kế hoạch đóng tàu chiến 10 năm của Liên Xô vào năm 1985.
Hải quân Liên Xô đã lên kế hoạch đóng 30 tàu ngầm hạt nhân type 885 trong vòng 10 năm. Lớp tàu ngầm này sau đó được gọi với hai loại chính: Một là lớp Yasen, và một là lớp Severodvinsk, tên gọi này xuất phát từ chiếc tàu đầu tiên của nó được đặt tên là Severodvinsk.
Cuối năm 1991, sau 11 năm nghiên cứu và phát triển, tàu ngầm hạt nhân 885 đã được phát triển thành công. Tuy nhiên, Liên Xô đã tan rã vào thời điểm này. Do đó, các kỹ thuật thiết kế phát triển của tàu ngầm hạt nhân 885 đã được Nga kế thừa.
Năm 1993, Nga bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm hạt nhân type 885 đầu tiên là tàu Severodvinsk. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp và một số vấn đề kỹ thuật trong quá trình chế tạo nên việc đóng tàu bị chậm lại, mãi đến tháng 6/2010 mới hoàn thành và hạ thủy.
Năm 2013, Severodvinsk bắt đầu thử nghiệm trên biển và chính thức được bàn giao, tháng 6/2014 đã gia nhập biên chế của Hải quân Nga.
Tàu dài 139 m và rộng 13 m, lượng choán nước trên mặt nước là 8.600 tấn và lượng choán nước dưới nước là 13.800 tấn. Do mũi tàu được trang bị hệ thống sonar tích hợp hình cầu nên khoang chứa ngư lôi của nó nằm ở giữa tàu ngầm, và có tổng cộng 10 ống phóng ngư lôi được phân bổ ở cả hai bên thân tàu.
Khoang tên lửa được bố trí ở phía sau thân tàu và được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình đa năng 8 đơn nguyên phóng, có thể chứa tên lửa chống hạm Oniks hoặc tên lửa hành trình Kalibr.
Cần phải nói rằng tàu ngầm hạt nhân 885 là đại diện trình độ thiết kế và chế tạo tàu ngầm cao nhất của Liên Xô trong những năm 1980. Tuy nhiên, trong quá trình đóng tàu, môi trường hải chiến đã có những thay đổi lớn, thiết kế kỹ thuật đỉnh cao ban đầu dần dần không theo kịp tốc độ của thời đại.
Vào tháng 7/2009, Hải quân Nga đã khởi động dự án tàu ngầm hạt nhân 885M. Dự án này đã quyết định vận mệnh của tàu lớp 885, và con tàu Severodvinsk là chiếc đầu tiên và rất có thể cũng là cuối cùng của tàu ngầm lớp 885.
Nói một cách chính xác, Severodvinsk giống như một con tàu thử nghiệm, mở đường cho sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M.
Để chế tạo thành công Kazan, Nga đã phải đi một quãng đường dài. Nguồn: people.com.cn.
Type 885M, còn được gọi là tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen-M. Con tàu đầu tiên mang tên Kazan, được hạ thủy vào tháng 3/2017. Theo kế hoạch ban đầu, tàu này sẽ gia nhập Hải quân Nga vào năm 2019, nhưng chiếc Kazan phải đến tháng 5/2021 mới được bàn giao.
Đối với dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M, việc trì hoãn bàn giao có nghĩa là một số vấn đề vẫn đang được giải quyết, nhưng ở góc độ khác, nó cũng đồng nghĩa với tiêu chuẩn cao hơn. Trên thực tế, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 885M có rất nhiều khả năng “đáng sợ”.
Nhìn chung, so với tàu ngầm hạt nhân 885, tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M được cải tiến hệ thống động lực và thân tàu, cải thiện tốc độ và hiệu suất tàng hình, nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử và tự động hóa, nâng cao khả năng phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu hơn.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Kazan là tàu ngầm hạt nhân tấn công do Hải quân Nga chế tạo sử dụng công nghệ vỏ hỗn hợp giữa đơn và kép. Nó đồng thời có thể phát huy hiệu quả ưu điểm của tàu vỏ đôi là mạnh và nổi, tàu vỏ đơn có tiếng ồn thấp và hiệu suất tàng hình tốt.
Vỏ tàu sử dụng vật liệu mới, cho phép tàu lặn sâu hơn 600 m. Ước tính, cứ lặn xuống 100 m, tiếng ồn của tàu sẽ giảm 10 decibel, đồng thời khả năng che giấu và khả năng sống sót của tàu ngầm được cải thiện hơn nữa.
Kazan được trang bị lò phản ứng nước tích hợp áp suất tuần hoàn tự nhiên thế hệ mới, giúp cải thiện hơn nữa độ an toàn và độ tin cậy, với các chức năng cảnh báo tự động, tắt máy tự động khẩn cấp và tự kiểm tra. Chu kỳ thay thế nhiên liệu hạt nhân được cho là dài tới 25 đến 30 năm, về cơ bản không cần tiếp nhiên liệu trong thời gian phục vụ.
Về hình dáng, so với loại 885, thân tàu 885M được rút ngắn khoảng 9 m. Do được trang bị ăng ten sonar nhỏ gọn nâng cấp nên mũi tàu của 885M sắc nét hơn so với 885 và khả năng phát hiện tàu ngầm cũng được cải thiện hơn.
Chiều dài thân tàu được rút ngắn đồng nghĩa với việc 885M sử dụng nhiều hệ thống điện tử và thiết bị tự động hóa hiện đại hơn. So với thủy thủ đoàn 90 người của 885M, thì thủy thủ đoàn tiêu chuẩn của 885M là 64 người.
Cải tiến nổi bật nhất của tàu ngầm hạt nhân tấn công 885M là khả năng tấn công đối đất và tăng cường hơn nữa khả năng chống hạm. Nó không chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ chống tàu ngầm, chống hạm, tấn công trên bộ và hoạt động đặc biệt mà còn có thể thực hiện một số nhiệm vụ tấn công chiến lược.
Về vũ khí và trang bị, số lượng ống phóng ngư lôi đã giảm từ 10 ống của lớp 885 xuống còn 8 ống. Trong số 8 ống, có 6 ống phóng ngư lôi 650 mm và 2 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Trang bị vũ khí mạnh nhất của loại tàu ngầm hạt nhân này là hệ thống phóng thẳng đứng đa năng gồm 8 đơn nguyên phóng. Nó có thể mang theo 32 tên lửa chống hạm Oniks hoặc 40 tên lửa hành trình Kalibr. Trong tương lai, nó còn được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon có thể tấn công mục tiêu trên biển và mặt đất một cách hiệu quả.
Cũng có thông tin cho rằng Nga đang phát triển tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Kalibr-M với tầm bắn hơn 4.500 km cho tàu ngầm hạt nhân mới.
Hiện tại, các bộ phận, linh kiện của loại tàu ngầm này đã được nội địa hóa hoàn toàn, loại tàu ngầm này đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Tàu thứ hai Novosibirsk cùng lớp đã được hạ thủy vào cuối năm 2019 và sẽ sớm gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. 6 chiếc khác trong lớp này đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Severodvinsk. Trong đó, xuất phát muộn nhất là tàu số 7 Vladivostok và tàu số 8 Voronezh.
Rõ ràng, một khi những "tàu tuần dương hạt nhân dưới nước" này được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, chúng sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát một số vùng biển quan trọng của Hải quân Nga.
Ngoài ra, sự ra đời của loại tàu ngầm hạt nhân này có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao sức mạnh hải quân Nga. Trong tương lai, tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 885M có thể sẽ dần thay thế tàu Type 971 hiện có và sát cánh chiến đấu với tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey để cùng tạo ra lực lượng tấn công và răn đe dưới nước đáng tin cậy hơn.