Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao?

Đ.L |

Liệu cầu toàn có phải là một đức tính tốt? Các nhà tâm lí học không nghĩ như vậy!

"Điểm yếu của bạn là gì?" - Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất khi tuyển dụng.

Và rất nhiều ứng viên sẽ đáp: "Chỉ là tôi quá cầu toàn!". Họ nghĩ đây là một câu trả lời tốt để gây ấn tượng, bởi vì có gì sai khi luôn phấn đấu để trở nên hoàn hảo cơ chứ?

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 1.

Nhưng thực ra làm gì có ai hoàn hảo 100%. Hơn nữa, theo tâm lí học thì người cầu toàn cũng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần rất đáng ngại.

Thế nào là người cầu toàn?

Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng.

Ông cũng là người theo chủ nghĩa hoàn hảo với câu nói: "Cuộc đời tôi không có gì ngoài thất bại". Monet từng thẳng tay tự hủy hoại nhiều tranh vẽ trong cơn tức giận, bao gồm 15 bức tranh cho một buổi triển lãm.

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 2.
Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 3.
 Tranh của Monet

Theo một nghiên cứu công bố năm 2016 trên Tạp chí Tâm lí học lâm sàng Hoa Kỳ, người cầu toàn, tuân theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ luôn đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho bản thân, thậm chí là phi thực tế.

Và nếu không đạt được chỉ tiêu ngoài tầm với đó, họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, có lỗi với bản thân. Tâm lí này lại dẫn người cầu toàn đến việc cố né tránh sai sót hết mức có thể, không "đâm đầu" vào những trường hợp nhiều rủi ro.

"Khi người cầu toàn gặp thất bại, họ không chỉ thất vọng về những gì họ đã làm mà còn thất vọng về bản thân mình" - Amanda Ruggeri từ trang BBC Future cho biết.

Vậy theo đuổi sự hoàn hảo có hại gì?

Mặc dù nhiều người cho rằng cầu toàn là một tính tốt, các nhà nghiên cứu lại nói nếu cầu toàn đến mức cực đoan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Thông qua nhiều phân tích với số người tham gia lên đến 57.000 người, giới nghiên cứu cho biết sự cầu toàn sẽ dẫn đến những triệu chứng tâm lí tiêu cực như trầm cảm, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn ăn uống...

Đáng chú ý hơn, phân tích cho thấy những ai càng cầu toàn, không chịu đối diện với thất bại thì vết thương tâm lí càng khó chữa lành.

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, có phải lúc nào cầu toàn cũng gây hại cho tinh thần hay không? Một số nhà tâm lí học phản đối và đưa ra khái niệm "adaptive perfectionism" - cầu toàn tùy vào hoàn cảnh. Khái niệm này chỉ những người đặt ra đòi hỏi cao cho bản thân nhưng không tự dằn vặt mình quá lâu khi thất bại.

Nhưng giáo sư Paul Hewitt từ trường ĐH British Columbia (Canada) là một trong những người phản đối lí thuyết "adaptive perfectionism" nói trên. Theo ông, chúng ta nên phân biệt giữa "ước muốn trở nên toàn diện vô khuyết" và "ước muốn trở nên xuất sắc hơn".

Cầu thủ ngôi sao Cristiano Ronaldo nói rằng anh tìm kiếm sự xuất sắc chứ không phải sự hoàn hảo. "Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, mặc dù tôi luôn cố gắng làm tốt mọi thứ", anh nói. Điều này giúp Ronaldo có sự nghiệp bóng đá dù thăng trầm nhưng đầy dấu ấn và lâu bền.

Ngược lại, tay quần vợt nữ hàng đầu thế giới Serena Williams lại mô tả mình như một người rất cầu toàn. Serena có những cú đánh đầy uy lực nhưng cũng thường hay cáu giận và đổ lỗi. Cô từng ném vợt đi và tuyên bố "Tôi không đánh ở cánh bên đó", điều này khiến cô suýt vuột mất chức vô địch trước khi kịp lấy lại tinh thần.

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 5.
Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 6.

Cầu thủ Cristiano Ronaldo và tay vợt Serena Williams

Ngoài ra, để chứng minh sự khác biệt giữa việc "ước muốn trở nên toàn diện" và "ước muốn trở nên xuất sắc hơn", Hewitt còn đưa ra 1 ví dụ khác khá gần gũi.

Ông từng tiếp nhận điều trị cho một nam sinh viên gặp áp lực về điểm số. Có lần anh ta quyết tâm đạt điểm A+ cho bằng được. Sau bao công sức ôn luyện vất vả, cuối cùng anh cũng đạt lấy điểm số đó.

Nhưng khi Hewitt gặp lại bệnh nhân của mình, anh ta trở nên muộn phiền hơn bao giờ hết. "Anh ấy nghĩ rằng điểm A+ đó càng chứng minh sự thảm bại của mình. Bởi vì nếu hoàn hảo sẵn thì sẽ không cần quá cố sức để giành lấy nó", Hewitt kể lại.

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 7.

Rõ ràng, người cầu toàn lúc nào cũng chú ý vào tiểu tiết, khó hài lòng với bản thân. Hay như nhà tâm lí học Andrew Hill từ ĐH Leeds (Anh) từng nói: "Cầu toàn không chỉ là hành vi bên ngoài mà đó là cách người ta suy nghĩ về chính mình. Đó là tiếng nói chỉ trích vang lên trong đầu".

Giáo sư Hill cho rằng giả sử có 1 học sinh rất nỗ lực nhưng lại bị điểm kém. Nếu người đó nghĩ "Thất vọng quá, nhưng sẽ ổn thôi, mình đã ôn luyện kĩ và sẽ còn cơ hội" thì đó là một suy nghĩ tích cực.

Ngược lại, nếu người đó nghĩ "Tôi đã thất bại, không đủ tốt" thì đó chính là suy nghĩ cầu toàn, sợ hãi và né tránh với thất bại.

Làm sao để thoát khỏi tâm lí cầu toàn, muốn "cái gì cũng tốt"?

Hãy nhớ rằng, việc từ bỏ tính cầu toàn của bản thân không làm bạn BỚT THÀNH CÔNG hơn, thậm chí nó còn giúp ích về nhiều mặt.

Đầu tiên, hãy mạnh dạn phạm lỗi và chấp nhận rằng, lỗi lầm là một phần cần thiết của sự phát triển. Ai mà không mắc lỗi cơ chứ. Nhiều khi lỗi lầm còn giúp bạn cải thiện sự nghiệp, mối quan hệ và cả cuộc sống nói chung. Còn nếu cứ khăng khăng tránh mắc lỗi bằng mọi giá thì sẽ rất khó để hoàn thiện bản thân.

Cái giá của sự cầu toàn sẽ là những cú sảy chân gây chấn động tâm lí – Vì sao? - Ảnh 8.

Hãy cố đối diện với sự không hoàn hảo, đừng mãi tự trách mình

Thứ hai, thay vì tự trách mình sau mỗi thất bại thì bạn hãy tự thương mình (self-compassion). Ý tưởng này xuất phát từ việc đôi khi chúng ta dễ bỏ qua sai lầm của người khác nhưng khó quên lỗi lầm của bản thân. Mà điều này cũng không công bằng.

Hãy nghĩ lại xem khi người bạn thân nhất của mình gặp chuyện không vui, bạn đã nhìn nhận sự việc một cách khách quan và cố gắng an ủi bạn ấy như thế nào. Nghe có vẻ hơi kì lạ, nhưng khi gặp khó khăn, hãy cố gắng đối xử với chính mình như... một người bạn thân!

Sự cầu toàn là vấn đề trong suy nghĩ, quan điểm nên rất khó để thay đổi. Nhưng cũng không phải là không được. Nếu bạn đang hụt hơi trên con đường theo đuổi sự hoàn hảo thì dừng lại đi.

Thay vì né tránh lỗi lầm, bạn hãy xem đó là cơ hội để học tập và tích lũy kinh nghiệm. Thay vì tự trách mình thì hãy tự thương thân và suy nghĩ một cách khách quan nhất.

Có nhiều cách để đặt ra mục tiêu cho bản thân trong cuộc sống. Nhưng quá cầu toàn, lúc nào cũng đòi hỏi khắc nghiệt ở bản thân để rồi hụt hẫng, tự dằn vặt thì không phải là cách tốt.

Nhiều khi đừng cố làm "người tốt nhất" làm gì, chỉ cần tốt hơn mình của ngày hôm qua là đủ rồi. Còn bạn, bạn có phải là người cầu toàn không và suy nghĩ như thế nào về việc này?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại