Cách UAV Ukraine tận dụng lỗ hổng phòng không, xâm nhập lãnh thổ Nga

Hoàng Phạm |

Vấn đề chủ yếu nằm ở việc triển khai các hệ thống phòng không như S-400 cách xa nhau, ở khoảng cách 70-75 km. Điều này tạo ra một khu vực ngoài bán kính phát hiện của một hệ thống radar, từ đó để lại 'khoảng trống' mà UAV và tên lửa hành trình của đối phương có thể tận dụng nếu bay tầm thấp.

Các hệ S-400 bố trí cách xa nhau và việc thiếu tháp ăng ten di động mang nhiều loại radar khác nhau đã tạo ra khoảng trống trong hệ thống phòng không của Nga và máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã tận dụng điều này.

Việc không có nhiều máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW), như Beriev A-50 cũng được xác định là một yếu tố bị đối phương khai thác để tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV vào lãnh thổ Nga.

Cách UAV Ukraine tận dụng lỗ hổng phòng không, xâm nhập lãnh thổ Nga - Ảnh 1.

UAV UJ- 22 của Ukraine mang bom dưới thân. Ảnh: Eurasian Times

Trong hai ngày 27-28/2, Nga đã ghi nhận các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân và cơ sở hạ tầng năng lượng do UAV Tupolev Tu-141 Strizh (Swift) và UJ22 của Ukraine có nguồn gốc từ Liên Xô tiến hành. Trong cả 2 trường hợp, UAV cuối cùng đã bị bắn hạ hoặc không thể bắn trúng mục tiêu.

Theo một bài báo của Eurasian Daily, một trong số các UAV đã bay đến một địa điểm có các bể chứa dầu do tập đoàn dầu khí khổng lồ Rosneft của Nga vận hành ở Tupase, Krasnodar.

Các cuộc tấn công của UAV UJ-22 và Tu-141

Bài báo cho biết thêm, hệ thống định vị vệ tinh GPS và máy đo cường độ tần số sóng vô tuyến của một chiếc Swift khác đã bị các thiết bị tác chiến điện tử (EW) của Nga gây nhiễu gần làng Novy ở quận Giaginsky của Adygea.

Hai UAV trinh sát UJ-22 khác đã lẩn tránh hệ thống phòng không S-400 của Nga bằng cách bay tầm cực thấp. Một chiếc đã đâm vào trạm nén khí gần làng Gubastovo ở Kolomensky. Chiếc còn lại bay đến một địa điểm không xác định ở vùng Leningrad nhưng không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho cơ sở hạ tầng năng lượng và dân sự.

Cách UAV Ukraine tận dụng lỗ hổng phòng không, xâm nhập lãnh thổ Nga - Ảnh 2.

UAV Tupolev Tu-141. Ảnh: Eurasian Times

Nguyên nhân chính khiến UAV của đối phương vượt qua hàng rào phòng không nhiều lớp có thể là do việc bố trí chưa thực sự hiệu quả các trung đoàn tên lửa phòng không S-400, Buk-M3/A và Pantsir-S1, bài báo của Eurasian Daily nhận định.

Nga triển khai phòng không theo lớp, với các hệ thống tầm xa S-400 và S-300, các hệ thống tầm trung Buk và các nền tàng phòng thủ điểm tầm ngắn như Pantsir được bố trí theo cách chia thành các khu vực trong cùng và ngoài cùng.

Khoảng cách lớn giữa các hệ thống radar

Bài báo cho rằng vấn đề chủ yếu nằm ở việc triển khai các hệ thống phòng không như S-400 cách xa nhau, ở khoảng cách 70-75 km. Điều này tạo ra một khu vực ngoài bán kính phát hiện của một hệ thống radar, từ đó để lại "khoảng trống" mà UAV và tên lửa hành trình của đối phương có thể tận dụng nếu bay tầm thấp.

UAV không phải là máy bay tàng hình hay khó bị phát hiện, ngược lại chúng có bề mặt phản chiếu lớn. UJ-22 với sải cánh 3,6 mét và cánh quạt phía trước lộ ra ngoài, có tiết diện hấp thụ radar (RCS) là 0,1-0,2 m2, trong khi bề mặt tán xạ của Tu-141 là khoảng 1,5 m2.

Do đó, UAV UJ22 và Tu-141 khó thoát khỏi bị phát hiện nếu có sự bao quát gối lên nhau giữa các radar 92N6, 96L6 của S-400 hoặc các radar 48Ya6-K1 Podlet K1.

Việc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga không triển khai thường xuyên và liên tục các thành phần radar tầm xa trên không tại các khu vực bị tấn công cũng là một nguyên nhân khiến UAV đối phương có cơ hội xâm nhập. Các radar trên không cải thiện đáng kể phạm vi và tính linh hoạt của hệ thống phòng không trong cả vai trò phòng thủ và tấn công.

Một nguyên nhân khác có thể là sự thiếu vắng tháp ăng ten 40V6MD. "Do đó, UAV UJ-22 hoạt động ở độ cao 35-50 mét không thể bị phát hiện", bài báo của Eurasian Daily cho biết thêm.

Dòng tháp ăng ten 40V6M/MD được tích hợp công nghệ phòng không độc đáo. Có thể vươn tới độ cao từ 25-40 mét, các tháp ăng ten này giúp phát sóng radar theo hướng xuống dưới có thể xác định máy bay bay thấp, bên cạnh việc bao quát điểm mù do độ cong của Trái Đất tạo ra.

Một lý do khác là do máy bay A-50 AEW của Nga không thường xuyên xuất kích. Trong khi đó, nếu đảo ngược tình trạng này, kết hợp với việc thu hẹp khoảng cách giữa các hệ thống S-400 và radar gắn trên tháp, sẽ không còn bất kỳ khoảng trống nào cho UAV của Ukraine lọt qua.

Chuyên gia nói gì?

Stephen Pendergast, một kỹ sư chuyên về radar, sonar, liên lạc vệ tinh và liên kết dữ liệu quân sự tại San Diego (Mỹ) đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng, Nga có thể sử dụng khí cầu để "phủ sóng xuống mặt đất", tương tự như các khí cầu của Mỹ ở biên giới Mexico.

"Dù vậy, sẽ mất thời gian để triển khai và tích hợp dữ liệu vào hệ thống phòng không", ông Pendergast nói.

Hoạt động của khí cầu, việc bảo trì, phối hợp các đặc tính hoạt động của chúng với các hệ thống radar khác sẽ tốn nhiều thời gian./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại