Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Sputnik, chỉ huy đội UAV trinh sát tấn công thuộc Lữ đoàn cận vệ 15 Alexandria của Nga - đơn vị phá hủy xe tăng do Mỹ sản xuất, đã chia sẻ chi tiết về cuộc săn lùng "quái vật" bọc thép này.
Theo chỉ huy có biệt danh là Kolovrat, báo cáo đầu tiên về xe tăng Abrams hoạt động trên tiền tuyến xuất hiện vào ngày 19/2.
"Như vậy, chính xác thì nó tồn tại được một tuần. Có vẻ đúng là như vậy. Họ đã thiêu cháy nó ngày 26", ông Kolovrat nói.
Chỉ huy của Nga tiết lộ, vũ khí được sử dụng để phá hủy xe tăng triệu đô của Mỹ thực ra là các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) giá rẻ Piranha được sản xuất ở thành phố Ulyanovsk của Nga, được trang bị tên lửa chống tăng nổ mạnh PG-7L. Theo chỉ huy Kolovrat, máy bay không người lái này đã được quân đội trên tiền tuyến nâng cấp một chút.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/2 cho biết lực lượng nước này đã phá hủy một xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine gần làng Berdychi, phía Tây Bắc Avdiivka, thành phố chiến lược ở Donbass mà Nga vừa giành được.
Đoạn video được đăng tải trên Telegram cho thấy đám cháy bốc lên trên tháp pháo xe tăng M1 Abrams. Hình ảnh cận cảnh chiếc Abrams bị phá hủy được UAV giám sát ghi lại cho thấy khoang chứa đạn và khoang động cơ của xe tăng bốc cháy.
Trước đó, một video từ Lữ đoàn Cơ giới 47 do Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ ngày 23/2 cho thấy các xe tăng Abrams di chuyển trong điều kiện mùa đông đầy tuyết. Đây là video đầu tiên ghi lại hoạt động của xe tăng Abrams trên chiến trường.
Ukraine đã nhận được tổng cộng 31 xe tăng Abrams vào mùa thu năm ngoái, nhưng chúng chưa được đưa vào chiến đấu. Khi những chiếc xe tăng này được cung cấp, cuộc phản công mùa hè không thành công của Kiev đang kết thúc và đặt câu hỏi về việc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với các lực lượng của Ukraine cũng như các vũ khí như xe tăng Abrams sẽ được sử dụng như thế nào trong những tháng tới.