Tờ Kyiv Independent cho biết danh sách chiến đấu cơ của Nga bị bắn hạ bao gồm 10 chiếc máy bay ném bom Su-34, hai máy bay chiến đấu Su-35 và một máy bay cảnh báo sớm A-50. Trong đó, ba chiếc Su-34 cuối cùng được cho là đã bị bắn hạ nội trong ngày 29/2 ở chiến trường miền Đông Ukraine. Ngoài ra, Ngày 14/1, Không quân Ukraine còn thông báo bắn hạ một máy bay cảnh báo sớm A-50 khác ở vùng trời phía trên trên biển Azov.
Việc chiến đấu cơ bị bắn hạ hàng loạt diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang nỗ lực đẩy mạnh đà tiến công trên chiến trường sau khi quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược do hạn chế về viện trợ từ các nước phương Tây, vào ngày 17/2 đã rút khỏi thành trì Avdiivka và sau đó tiếp tục rút khỏi 3 ngôi làng khác ở tỉnh Donetsk.
Theo con số do Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đưa ra mà chưa có sự xác nhận độc lập thì tới nay, Nga đã mất khoảng 670 máy bay, bao gồm 345 máy bay phản lực và 325 máy bay trực thăng. Hầu hết trong số chúng là bị bắn rơi trong những ngày đầu của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Với thực tế này, vào ngày 27/2, Tư lệnh Không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk cho rằng phía Nga nên bắt đầu nghĩ đến việc giảm số lần xuất kích.
Vậy điều gì đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột các cuộc tấn công thành công của Ukraine nhằm vào các chiến đấu cơ của Nga trong tháng 2/2024.
Xem video ghi lại khoảnh khắc được cho là của chiếc A-50 bùng lên thành quả cầu lửa hôm 23/2/2024. Nguồn: Telegram/Mykola Oleshchuk
Trong bản tóm tắt mới nhất, Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã "vượt qua nỗi sợ hãi" khi sử dụng máy bay trực tiếp trên chiến trường và đó là nguyên nhân dẫn tới các cuộc tấn công quyết liệt hơn nhằm vào quân đội Ukraine ở phía Đông gần đây.
Có sự trợ giúp của Không quân, các lực lượng mặt đất của Nga sẽ tự tin hơn, nhưng nó cũng đặt các chiến đấu cơ của Nga trước rủi ro chịu tổn thất nhiều hơn. Bom dẫn đường mà Nga thường xuyên thả từ chiến đấu Su-34 và Su-35 để tấn công các khu định cư ở tiền tuyến vẫn là một trong những loại vũ khí mà Ukraine chưa thể đối phó. Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, ông Yury Ihnat hôm 29/2 cho biết trên truyền hình quốc gia rằng những ngày này, hàng trăm quả bom như vậy đã được phóng vào các vị trí của Ukraine trong khu vực Avdiivka.
Nhưng để thả những quả bom đó, theo nhà phân tích quân sự và đồng sáng lập dự án Thông tin Kháng chiến, ông Oleksandr Kovalenko, máy bay Nga cần hoạt động trong khoảng cách dưới 100 km so với mục tiêu, thường là 30 – 40 km, có lúc còn gần hơn. Bay ở độ cao như thế nào, bay ở khoảng cách bao xa với mục tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào việc loại bom đó được cải tiến ra sao.
Vấn đề với Nga, như phát biểu với tờ Kyiv Independent của người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, ông Ihnat là Ukraine hiện có trong tay "công cụ" để tiêu diệt các chiến đấu cơ "ở khoảng cách khá xa". Tuy nhiên, ông Ihnat cũng thừa nhận rằng vấn đề quan trọng là Ukraine cần được cung cấp nhiều hệ thống và đạn dược để sử dụng cho các công cụ đó như tên lửa phòng không dẫn đường. Bởi hiện nay, chúng được sản xuất với tốc độ chậm.
Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại Anh, nói với Đài BBC rằng những tổn thất gần đây của Không quân Nga có thể là do Ukraine đang tích cực hơn trong việc đưa các bệ phóng tên lửa phòng không Patriot tới gần tiền tuyến dù việc này tiềm ẩn rủi ro nhất định.
Không quân Ukraine không bình luận về những tuyên bố như vậy và không rõ quân đội Ukraine đã sử dụng loại vũ khí nào để tiêu diệt hàng loạt chiến đấu cơ Nga. Nhưng Ukraine có một hệ thống phòng không nhiều lớp, gồm các hệ thống tầm trung như IRIS-T, NASAMS và các hệ thống tầm xa như Patriot, SAMP/T và S-300. Về cơ bản, các hệ thống này được sử dụng để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa thường xuyên của Nga trên khắp Ukraine và có thể được di chuyển đến gần biên giới hoặc tiền tuyến sau quyết định của lãnh đạo quân sự.
Vào tháng 5/2023, hệ thống phòng không Patriot đã tiêu diệt năm máy bay Nga ở tỉnh Bryansk, gồm một chiếc Su-34, một chiếc Su-35, hai chiếc trực thăng Mi-8MTPR-1 và một chiếc trực thăng Mi-8. Không quân Ukraine đã xác nhận điều này và gọi đó là "một chiến dịch tuyệt vời”.
Thiệt hại đáng giá nhất mà Ukraine gây ra cho Nga là việc bắn hạ máy bay cảnh báo sớm A-50 vào ngày 23/2 ở nơi cách tiền tuyến khoảng 200 km. Tạp chí Forbes của Mỹ cho rằng vụ bắn hạ này có liên quan tới một hệ thống tên lửa khác có tầm bắn xa hơn bởi hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine nhận được là PAC-2 chỉ có tầm bắn 90 dặm (hơn 144 km). Cho nên, Ukraine có thể đã sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-200 cổ điển thời Chiến tranh Lạnh. Nếu đúng, nó cho thấy Ukraine đang quay lại sử dụng dòng tên lửa cổ điển mà Liên Xô từng thiết kế để tiêu diệt các máy bay cỡ lớn và bay chậm.
Chính quyền và quân đội Ukraine chưa chính thức xác nhận khả năng hiện đại hóa và sử dụng S-200, loại vũ khí mà quân đội Ukraine đã rút khỏi biên chế vào năm 2013. Nhưng Tờ Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin từ Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) tiết lộ phòng không Ukraine đã dùng hệ thống phòng không S-200 đời cũ để bắn rơi A-50. Một số tài khoản mạng xã hội cũng nêu khả năng Ukraine đã sử dụng hệ thống S-200 kết hợp với radar điều khiển hỏa lực của tổ hợp S-300 để bắn hạ A-50.
Xem clip ghi lại cảnh hai chiếc máy bay của Nga, gồm A-50 và Il-22 biến mất khỏi màn hình radar hôm 15/1/2024. Nguồn: Facebook/Valerii Zaluzhny
Đây là chiếc A-50 thứ 2 của Nga bị Ukraine bắn hạ. Chiếc A-50 đầu tiên của Nga bị Ukraine bắn hạ là vào ngày 14/1, trên biển Azov. Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine, tướng Kyrylo Budanov, việc phá hủy 2 chiếc A-50 vào năm 2024 khiến Nga thiệt hại khoảng 700 triệu USD.
Quan trọng hơn, theo Forbes, Không quân Nga được cho là có khoảng 9 máy bay cảnh báo sớm A-50 đang hoạt động. Chúng được tổ chức thành ba nhóm bay ở phía Nam, phía Đông và phía Bắc, mỗi nhóm gồm ba chiếc máy A-50. Mục đích là phủ sóng cảm biến trên khắp Ukraine. Việc bắn hạ hai chiếc A-50 đồng nghĩa với việc Ukraine đã loại bỏ 1/3 phạm vi phủ sóng của lực lượng A-50, tạo ra những điểm mù khiến phi công Nga có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện tên lửa đang đến gần.
Trên thực tế, theo người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine, ông Ihnat sau khi chiếc A-50 thứ hai bị phá hủy, phía Nga đã không sử dụng những chiếc máy bay này trong nhiều ngày và điều đó có thể đã giúp Ukraine bắn hạ máy bay Nga ở tầm xa hơn. Theo ông Ihnat, việc bắn hạ nhiều chiến đấu cơ Nga trong hai tuần qua đã giúp đẩy các máy bay chiến đấu của Nga ra khỏi tiền tuyến và giảm cường độ dội bom của Không quân Nga. Ông Ihnat nói với tờ Kyiv Independent rằng người Nga nhận ra rằng người Ukraine có thứ gì đó để tiêu diệt máy bay của họ. Vì vậy, họ đã phải giảm bớt cường độ hoạt động.