Cách Nga huy động sức mạnh không quân ngăn Ukraine phá tuyến phòng thủ

Hồng Anh |

Nga được cho là đang tận dụng cả sức mạnh không quân truyền thống cũng như sức mạnh không quân phi truyền thống để giành lợi thế trên chiến trường và đẩy lui cuộc phản công của Ukraine.

Thời gian gần đây, các lực lượng Ukraine liên tục thách thức hệ thống phòng thủ của Nga, đặc biệt là ở khu vực Zaporizhzhia bằng cách triển khai các đơn vị bộ binh có sự yểm trợ của xe thiết giáp. Ukraine đã gia tăng đều đặn quy mô và cường độ các cuộc thăm dò nhằm tìm kiếm điểm yếu của Nga kể từ khi họ bắt đầu phát động cuộc phản công lớn.

Cách Nga huy động sức mạnh không quân ngăn Ukraine phá tuyến phòng thủ - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công đa nhiệm Ka-52 Alligator. Ảnh: RIA Novosti

Trong 2 ngày qua, Ukraine đã tung ra các loại vũ khí có tính cơ động cao cùng những thiết giáp tiên tiến mà phương Tây chuyển giao cho nước này, trong đó có xe tăng Leopard-2 và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley IFV trong nỗ lực chọc thủng chiến tuyến của Nga. Vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả cuộc phản công mà Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận đang diễn ra.

Tuy nhiên, video quay được từ chiến trường do Bộ Quốc phòng Nga và nhiều nguồn khác cho thấy Nga dường như đã thành công trong việc ngăn chặn đối phương công phá tuyến phòng ngự của họ, nhờ huy động đáng kể lực lượng không quân. Còn Ukraine đang phải chịu tổn thất đáng kể về thiết giáp và bộ binh. Từ những hình ảnh và video này, có thể thấy rằng, sức mạnh không quân đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các cuộc giao tranh. Nga được cho là đang tận dụng cả sức mạnh không quân truyền thống cũng như sức mạnh không quân phi truyền thống.

Sức mạnh không quân truyền thống

Nga đã sử dụng hai yếu tố thiết yếu của sức mạnh không quân truyền thống là máy bay chiếm ưu thế trên không và trực thăng tấn công, ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Nga đã tận dụng ưu thế vượt trội của máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tích hợp (IADS). Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga thực hiện các cuộc tuần tra 24/7 trên mặt trận để đảm bảo rằng các máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công của Ukraine không thể làm suy yếu hệ thống phòng thủ của họ.

Nói cách khác, Nga dường như đã tạo ra một vùng cấm bay đối với không quân Ukraine. Vùng này chạy dọc chiến tuyến, kéo dài tới 50 km.

Nga đã triển khai rộng rãi trực thăng Ka-52 trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhiều video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy trực thăng Ka-52 của nước này tấn công các phương tiện bọc thép của đối phương.

Ka-52 có một biến thể vô cùng lợi hại là Ka-52M. Trực thăng này được hiện đại hóa dựa trên kinh nghiệm chiến đấu của Nga trên chiến trường Syria. Ka-52M có thể mang theo tên lửa tương tự như tên lửa của trực thăng tấn công Mi-28NM mới nhất. Cả hai loại máy bay này đều có các cảm biến hỗ trợ và tên lửa của chúng có thể tấn công mục tiêu cách xa 10km, nằm ngoài phạm vi tấn công của Hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai (MANPADS).

Vũ khí của Ka-52M là hệ thống tên lửa 9M127M Vikhr (Whirlwind)-1. Vikhr là hệ thống tên lửa chống tăng có dẫn đường (ATGM) phóng từ trên không. Mỗi chiếc Ka-52 có thể mang theo 12 hệ thống này.

9M127-1 Vikhr-1 là tên lửa siêu thanh dẫn đường bằng laser, sử dụng đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT). Tên lửa có thể xuyên thủng lớp giáp dày 1.200mm, hạ gục hầu như tất cả các xe tăng hiện đại, bất kể vị trí tấn công ở đâu. Tên lửa Vikhr-1 thậm chí có thể tấn công các mục tiêu trên không di chuyển với tốc độ lên tới 800 km/h. Tầm bắn 10 km của Vikhr-1 gấp đôi tầm bắn của tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Sức mạnh không quân phi truyền thống

Ngoài sức mạnh không quân truyền thống, Nga cũng sử dụng sức mạnh không quân phi truyền thống để ngăn đối phương xâm phạm chiến tuyến. Sức mạnh không quân phi truyền thống bao gồm nhiều loại máy bay không người lái (UAV) và tác chiến điện tử.

Chiến thuật sử dụng máy bay không người lái đã thay đổi nhanh chóng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Trước đây, các bên tham chiến chủ yếu sử dụng những UAV có thể hoạt động ở độ cao trung bình trong thời gian dài (MALE) trong chiến tranh phi đối xứng nhằm chống lại các đối thủ không có hệ thống phòng không. Nhưng ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, máy bay không người lái MALE có vai trò rất hạn chế bởi các bên đều đều sở hữu những hệ thống phòng không mạnh mẽ.

Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga ít chú ý đến vai trò của UAV cũng như chiến thuật sử dụng UAV. Nhưng sau khi rút về khu vực mặt trận được phòng thủ kiên cố ở miền Đông Ukraine vào mùa Thu năm 2022, Nga đã tìm cách lấp đầy kho dự trữ UAV và áp dụng một cách linh hoạt chiến thuật tấn công bằng phương tiện này.

Moscow cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển máy bay không người lái giá cả phải chăng, bằng cách huy động nguồn lực trong nước bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra Nga cũng phát triển các hệ thống kết nối chúng để có thể thu thập dữ liệu và nắm được bức tranh toàn cảnh về chiến trường. Trong khi đó, các hệ thống trinh sát mà Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine, chẳng hạn như máy bay trinh sát RC-135 không thể cung cấp cho Kiev bức tranh rõ ràng như vậy trong thời lượng 24/7.

Nga được cho là đã phân bổ UAV dày đặc trên chiến trường. Quan trọng hơn, nước này cũng trang bị Hệ thống chỉ huy trinh sát di động Strelets-M cùng hệ thống chỉ huy và kiểm soát "Andromeda-D". Các hệ thống mạng này cho phép người vận hành UAV và các binh sĩ khác nhập vị trí và mục tiêu của đối phương trên bản đồ kỹ thuật số, tạo điều kiện cho máy bay chiến đấu có người lái, UAV cảm tử hoặc đạn pháo dẫn đường tấn công mục tiêu trong thời gian nhanh nhất. Nhờ việc triển khai UAV trên chiến trường 24/7, Nga phát hiện và ngăn chặn kịp thời nỗ lực của Ukraine nhằm chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Bên cạnh UAV, Nga cũng triển khai nhiều công cụ tác chiến điện tử bao gồm các phần cứng và phần mềm có thể làm nhiễu, đánh chặn và xác định hệ thống liên lạc của kẻ thù. Nga được cho là đang sở hữu những hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhất thế giới và điều này sẽ gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine.

Chẳng hạn, tổ hợp radar Zoopark của Nga có thể xác định vị trí hỏa lực pháo binh đối phương. Hệ thống tác chiến điện tử Zhitel của nước này có thể phát hiện, theo dõi và chặn các tần số vô tuyến, tổ hợp Borisoglebsk-2 có thể làm gián đoạn liên lạc vệ tinh như GPS.

Không thể phủ nhận Nga đã gặp nhiều khó khăn khi phải chống đỡ với các cuộc phản công của Ukraine vào năm 2022 do lực lượng của nước này bị dàn mỏng trên một vùng chiến tuyến rộng lớn và khả năng duy trì hậu cần bị hạn chế do thách thức về địa lý cũng như nhưng hệ thống tên lửa tiên tiến mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Nhưng sau đó, Nga đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm, tìm cách nắm giữ các vị trí phòng thủ thuận lợi và phát huy thế mạnh về sản xuất, công nghệ. Điều này đã mang lại cho họ nhiều bước tiến lớn trên chiến trường theo cách mà cả Ukraine và phương Tây đều không ngờ tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại