Nga vận dụng chiêu thức giáp lồng xe tăng để bảo vệ tàu ngầm
Cụ thể, tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Delta-IV của Nga, Tula, có dấu hiệu được gắn thêm một lớp giáp bảo vệ, còn gọi là lồng chống đỡ, ở trên đỉnh tháp chỉ huy. Nhiều nguồn tin đồn đoán rằng động thái này có thể là nhằm bảo vệ tàu trước một đòn tấn công tiềm tàng từ máy bay không người lái (UAV).
Người ta lần đầu tiên thấy giải pháp được cho là để chống UAV nói trên trong một chương trình phát trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya-24 (Nga-24). Đóng quân tại cảng ở Gadzhiyevo thuộc tỉnh Murmansk của nước Nga, tàu Tula này thuộc Hạm đội phương Bắc của hải quân Nga.
Lồng bảo vệ, còn được gọi bằng những cái tên như giáp thanh, giáp lồng, giáp chống đỡ, là một biện pháp phòng thủ được áp dụng cho các xe quân sự hạng nặng, nhằm giảm tác động từ vũ khí chống tăng nổ mạnh (HEAT).
Loại lồng này lần đầu tiên được thấy trên nóc các xe tăng T-80 của Nga vào cuối năm 2021. Nga đã mở rộng việc sử dụng cách này để bảo vệ xe tăng, trọng pháo và xe quân sự trước các UAV tấn công - thứ vũ khí được Ukraine sử dụng với tần suất cao chưa từng có tiền lệ trong năm 2023 vừa qua. Ukraine cũng dùng cách thức đó để bảo vệ các vũ khí khí tài của chính mình trong xung đột vũ trang với Nga .
Tuy nhiên, dường như đây là lần đầu tiên thiết bị bảo vệ như vậy được đặt lên một tàu hải quân. Điều này minh chứng các mối đe dọa ngày càng tăng của UAV nói riêng và thiết bị không người lái nói chung đối với hải quân Nga, tương tự như với lục quân Nga.
Phó Đô đốc đã nghỉ hưu của hải quân Ấn Độ, Shekhar Sinha, nhận thức rõ về điều này khi ông nói rằng “đó là cơ chế bảo vệ để ngăn ngừa bom do UAV thả xuống hải cảng”.
Mặc dù Nga chưa chính thức thừa nhận bước phát triển mới này, các cựu binh và chuyên gia quân sự kỳ cựu đã nhất trí rằng cấu trúc phụ này được gắn bên trên tàu ngầm để bảo vệ tàu trước các vật liệu nổ được thả từ UAV.
Phó Đề đốc Ấn Độ, Jai Singh, một thủy thủ tàu ngầm kỳ cựu của hải quân Ấn Độ, nhận định với tờ Eurasian Times: “Rõ ràng những thứ này là để bảo vệ những người ở trong buồng lái trước các đòn tấn công bằng UAV. Chúng vốn áp dụng cho xe tăng, nhưng đây là lần đầu tiên người ta thấy chúng trên tàu ngầm. Dù sao tàu ngầm cũng trồi không quá nhiều trên mặt nước trừ phi ở trong cảng”.
Một số nhà quan sát quân sự thì nhận xét rằng kết cấu trên có thể được gắn lên tàu ngầm để che nắng hoặc thực hiện một chức năng khác, nhất là khi tàu ngầm không nằm trong Hạm đội Biển Đen ở Crimea, nơi thường xuyên bị Ukraine tấn công từ xa trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Tư lệnh Ashok Bijalwan - một quân nhân kỳ cựu khác của lực lượng tàu ngầm hải quân Ấn Độ phỏng đoán rằng “đây có vẻ là một dạng che chắn cho tàu lúc nổi trên bề mặt nước”. Nhưng ông đồng thời cho rằng tàu ngầm sẽ khó lặn nếu gắn kết cấu này trên nóc.
Thị trấn Gadzhiyevo cách chiến tuyến Nga - Ukraine khoảng 1.600km và dường như nằm ngoài tầm với của UAV cảm tử tầm xa của Ukraine. Hơn nữa, không có chỉ dấu nào cho thấy tàu ngầm được gắn giáp bảo vệ như vậy sẽ được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen và đưa ra mặt trận chống Ukraine.
Tuy nhiên, quân đội Nga có sử dụng khu vực này làm bàn đạp mở các cuộc không kích vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Một số chuyên gia dự báo Murmansk có thể lọt vào tầm ngắm của Ukraine. Còn trên thực tế, dù lực lượng Ukraine đã thể hiện năng lực tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, hiện nay Kiev không dễ mở các cuộc tập kích tầm xa vào Murmansk.
Dù thế nào, tấm màn sắt trên tàu ngầm Nga vẫn giống với giải pháp lồng sắt gắn trên xe tăng Nga giai đoạn hiện nay. Kiểu dáng các lồng sắt như vậy trên xe quân sự Nga là khá đa dạng.
Nếu UAV Ukraine đánh trúng được tàu ngầm Nga, hậu quả có thể rất tai hại cho nước này. Dù sử dụng thuốc nổ ở mức vừa phải, nếu đánh trúng mục tiêu, UAV Ukraine có thể gây ra những đám cháy lớn trên tàu ngầm. Nga có thể đã rất cảnh giác sau khi Ukraine tuyên bố rằng họ đã dùng tên lửa tấn công khiến tàu ngầm “Rostov trên sông Đông” của Nga bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được nữa.
Mồi nhử nghi binh - giải pháp thứ 2 của Nga sau giáp lồng
Lớp giáp nói trên vẫn chưa phải là hoàn hảo trong bảo vệ tàu ngầm trước những đòn đánh kiểu đột nóc. Thực tế, có những xe tăng Nga gắn giáp lồng trên nóc vẫn bị UAV đối phương đánh trúng và phá hủy.
Do vậy, quân đội Nga đã áp dụng mẹo nữa để bảo vệ tàu ngầm và tàu mặt nước của mình: Mồi nhử nghi binh.
Một báo cáo tình báo của Anh công bố gần đây tuyên bố rằng Nga đang cố gắng đánh lừa Ukraine bằng cách vẽ các đường viền của tàu hải quân trên cạn.
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng hình bóng của các tàu này cũng được vẽ trên cạnh của bến cảng, “có lẽ để gây nhầm lẫn cho UAV ” đối phương.
Bộ này cũng xuất bản các bức ảnh vệ tinh được cho là minh họa cho đường viền tàu ngầm được sơn trên một cầu tàu cạnh một tàu ngầm thật, tại cảng Novorossiysk của Nga ở Biển Đen - nơi từng bị Ukraine tấn công nhiều lần.
Tuy nhiên, báo cáo bộ này cũng nhận định: “Ít khả năng việc Nga sử dụng kỹ thuật Maskirovka (nghệ thuật ngụy trang, nghi binh lừa địch của Nga) sẽ giảm đáng kể tổn thất của họ”.
Các điều chỉnh mới này của Nga xuất hiện vào thời điểm Ukraine gia tăng triển khai một thứ vũ khí khá lợi hại trên biển: xuồng không người lái (USV). Các xuồng này thực hiện các đòn đánh uy lực vào các tàu lớn và hiện đại của Nga. Drone biển đã trở thành một vũ khí chủ chốt của quân đội Ukraine trong bối cảnh hải quân Ukraine quá nhỏ bé và cơ bản đã bị Nga vô hiệu hóa từ trước đó.
Trong lúc Ukraine gia tăng sử dụng USV để tấn công Hạm đội Biển Đen, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigui đã thăm tổng hành dinh hạm đội này tại Crimea vào ngày 17/3/2024. Tin tức cho hay, ông Shoigu đã ra lệnh áp dụng thêm các biện pháp để giảm thiểu mối đe dọa của cả UAV lẫn USV đối với Hạm đội Biển Đen.
Ukraine gắn thuốc nổ lên các USV để tấn công các mục tiêu Nga. Các USV rẽ sóng lao trên mặt nước và không để lại dấu vết về sự hiện diện của mình do ít bị radar phát hiện. Chúng cũng được trang bị các hệ thống video và định vị GPS tiên tiến. Do tàu mặt nước của Nga đã hứng chịu thiệt hại do các USV này, Nga không muốn tình trạng đó tái diễn với lực lượng tàu ngầm của mình.
Tàu ngầm đóng tại các cảng đồng thời dễ trở thành mục tiêu cho UAV của Ukraine (bao gồm UAV cảm tử), nên chiến thuật nghi binh có thể là một giải pháp hợp lý cho Nga.
Báo cáo tình báo của Anh cho biết thêm, các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen đã được sơn màu đen cả phần mũi và phần đuôi để trông nhỏ hơn và do đó giảm bớt nguy cơ bị tấn công.