Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 1)

Linh Trần |

Điểm chung giữa những phong cách suy nghĩ đã sản sinh ra "Mona Lisa" và lý thuyết tương đối là gì? Điều gì tạo nên đặc trưng trong chiến lược tư duy của những Einstein, Edison, da Vinci, Darwin, Picasso, Michelangelo, Galileo, Freud và Mozart trong lịch sử? Chúng ta có thể học gì ở họ?

Mời bạn đọc VnReview đến với phần đầu của loạt bài hai phần về các chiến lược tư duy đã tạo nên các thiên tài có nhiều đóng góp cho thế giới trên mọi lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật. Loạt bài lược dịch từ Creativity Post.

Phần 1: Sự thông minh của các thiên tài, tư duy đa chiều và sử dụng hình ảnh

Trong nhiều năm, các học giả và nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu về thiên tài qua những số liệu thống kê quan trọng, như thể đống dữ liệu đó đã rọi sáng cho các thiên tài bằng một cách nào đó. 

Trong một nghiên cứu về thiên tài năm 1904, bác sĩ Havelock Ellis lưu ý rằng, hầu hết các thiên tài đều có cha trên 30 tuổi; có mẹ dưới 25 tuổi và thường đau ốm khi còn nhỏ. Báo cáo của các học giả khác cho biết, nhiều thiên tài sống độc thân (Descartes), những người khác không có cha (Dickens) hoặc không có mẹ (Darwin). 

Cuối cùng, hàng đống dữ liệu đã không hé lộ thêm gì mới mẻ.

Giới học thuật cũng đã cố gắng đo lường mối liên hệ giữa trí thông minh và thiên tài. Nhưng thông minh là không đủ. Nói cho đúng thì Marilyn vos Savant, người có IQ cao nhất từng được ghi nhận là 228, đã không đóng góp gì nhiều cho khoa học hoặc nghệ thuật.

Trên thực tế, cô là một cây bút chuyên mục hỏi đáp của tạp chí Parade. Các nhà vật lý tầm cỡ có chỉ số IQ cao hơn nhiều so với Richard Feynman (1918-1988) -, một trong những nhà vật lý nổi tiếng nhất thế kỷ 20, người chế tạo ra bom nguyên tử và đoạt giải Nobel năm 1965. 

Feyman được nhiều người thừa nhận là thiên tài vĩ đại cuối cùng của Mỹ. IQ của Feyman là 122, chỉ ở mức trên trung bình so với IQ của các thiên tài thường là 145-160, theo Wilderdom.

Thiên tài không phải là đạt được SAT 1600, thành thạo 14 ngôn ngữ lúc lên 7, hoàn thành các bài tập Mensa (câu lạc bộ những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới) trong thời gian kỷ lục, có IQ cao khác thường, hoặc thông minh. 

Sau một cuộc tranh luận đáng chú ý được đề xướng bởi J. P. Guilford, nhà tâm lý học hàng đầu đã kêu gọi việc tập trung khoa học vào sự sáng tạo trong những năm 1960, các nhà tâm lý đi tới kết luận là sự sáng tạo không giống như trí thông minh. Một cá nhân có thể sáng tạo hơn nhiều sự thông minh, hoặc thông minh hơn nhiều sự sáng tạo của anh ấy/cô ấy.

Khi được cho trước dữ liệu hoặc một số vấn đề, hầu hết những người có trí thông minh trung bình đều có thể hình dung phản hồi truyền thống được mong đợi. Ví dụ, khi được hỏi "Một nửa của 13 là gì", hầu hết chúng ta sẽ trả lời ngay lập tức là 6 và ½, có thể rút ra câu trả lời trong vài giây và chuyển sự chú ý của bạn trở lại câu hỏi.

Thông thường, chúng ta nghĩ theo hướng sao chép lại các vấn đề tương tự đã gặp trong quá khứ. Khi đương đầu với các vấn đề, chúng ta bị cuốn vào những gì đã từng làm trong quá khứ trước đó. Chúng ta tự hỏi, "Tôi đã được dạy gì về cách giải quyết vấn đề này trong cuộc sống, giáo dục hoặc công việc?"

Rồi chúng ta chọn giải pháp hứa hẹn nhất bằng cách phân tích những kinh nghiệm quá khứ, loại bỏ mọi phương pháp khác, và hướng tới giải pháp của vấn đề theo một định hướng được định nghĩa rõ ràng. Do sự vững chắc của quá trình thực hiện dựa trên kinh nghiệm quá khứ, chúng ta trở nên chắc chắn về sự chính xác trong kết luận của mình một cách ngạo mạn.

Ngược lại, các thiên tài suy nghĩ theo hướng sáng tạo (productive) chứ không phải tái hiện, sao chép (reproductive). Khi đương đầu với một vấn đề, thay cho việc hỏi "Tôi đã được dạy gì trong cuộc sống, giáo dục hoặc công việc về cách giải quyết vấn đề này?" thì họ đặt những câu hỏi như "Có bao nhiêu cách khác nhau mà tôi có thể nhìn vào nó?", "Tôi có thể tư duy lại cách tôi nhìn nó như thế nào?", và "Có bao nhiêu cách khác nhau mà tôi có thể giải quyết nó?"

Họ có khuynh hướng nghĩ ra nhiều phản hồi khác nhau, một số trong đó khác thường và có thể độc đáo. Một người suy nghĩ theo hướng sáng tạo sẽ nói rằng có nhiều cách khác nhau để biểu diễn "mười ba" và nhiều cách khác nhau để chia đôi một cái gì đó. Dưới đây là một số ví dụ.

6.5

13 = 1 và 3

MỘT BA = 4

XIII = 11 và 2

XIII = 8

(ngoài câu trả lời truyền thống là 6 và 1/2, bằng cách biểu diễn 13 và chia đôi nó theo nhiều cách khác nhau, ai đó có thể nói một nửa của 13 là 6,5 hoặc 1 và 3, hoặc 4, hoặc 11 và 2, hoặc 8…)

Với tư duy sáng tạo, một người sẽ tạo ra nhiều cách tiếp cận nhất có thể. Bạn sẽ xem xét các giải pháp mơ hồ nhất cũng như khả thi nhất. Điều quan trọng là sự sẵn lòng khám phá mọi giải pháp, kể cả sau khi bạn đã tìm ra một giải pháp hứa hẹn.

Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 1) - Ảnh 1.

(Ảnh: Rewire News)

Khi được hỏi sự khác biệt giữa mình và một người bình thường là gì, Einstein đã trả lời: nếu bạn yêu cầu một người bình thường tìm một cây kim trong đống cỏ khô, người đó sẽ ngưng lại khi anh ta/cô ta tìm ra một cây kim. Còn ông thì khác, ông sẽ xé nát toàn bộ đống cỏ khô để tìm tất cả những cây kim có thể tìm được.

Làm cách nào mà các thiên tài sáng tạo nghĩ ra được nhiều giải pháp và dự đoán đến thế? Vì sao họ có vô số ý tưởng phong phú và khác biệt? Làm cách nào họ sản sinh ra những biến thể "mù" dẫn tới biến thể mới và độc đáo? Ngày càng nhiều học giả cung cấp bằng chứng là, ai cũng có thể bắt chước cách suy nghĩ của các thiên tài. 

Bằng cách nghiên cứu sách vở, thư tín, các cuộc đàm thoại và các ý tưởng của những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế giới, họ có thể sử dụng các phong cách và chiến lược tư duy phổ biến đặc biệt ở thiên tài đã cho phép họ nghĩ ra nhiều loại ý tưởng độc đáo, mới mẻ một cách phi thường.

CÁC CHIẾN LƯỢC

Dưới đây là mô tả những nét chính trong các chiến lược tư duy phổ biến của các thiên tài có tính sáng tạo về khoa học, nghệ thuật và công nghiệp trong lịch sử.

TƯ DUY ĐA CHIỀU CHO CÁC VẤN ĐỀ

Thiên tài thường đi từ việc nhận ra một viễn cảnh mà không ai nhận ra. Leonardo da Vinci cho rằng, để thu được kiến thức về hình thức của các vấn đề, bạn bắt đầu bằng cách tái cấu trúc nó theo những cách khác nhau. 

Ông cảm thấy cách đầu tiên mà ông nhìn vào một vấn đề quá thiên về cách nhìn sự vật thông thường của ông. Ông sẽ tái cấu trúc vấn đề của mình bằng cách nhìn vào nó từ một góc độ khác, di chuyển tới một góc độ khác và một góc độ khác nữa. Với mỗi sự dịch chuyển góc độ, hiểu biết của ông sẽ sâu sắc hơn và ông bắt đầu hiểu rõ bản chất của vấn đề. 

Về cơ bản, thuyết tương đối của Einstein là sự mô tả sự tương tác giữa những viễn cảnh khác nhau. Và các phương pháp phân tích của Freud đã được thiết kế để nhận ra các chi tiết không phù hợp với các quan điểm truyền thống, từ đó tìm ra những quan điểm hoàn toàn mới.

Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 1) - Ảnh 2.

(Ảnh: Medium)

Để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, một nhà tư tưởng phải từ bỏ cách tiếp cận đầu tiên thường bắt nguồn từ kinh nghiệm quá khứ và khái quát hóa lại vấn đề. Bằng cách không cố định mình vào một quan điểm nào đó, các thiên tài không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại như sáng tạo một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường mà họ còn xác định được những vấn đề mới. 

Một thiên tài như Freud không phân tích các giấc mơ mà đầu tiên, ông sẽ hỏi lại khách hàng của mình: các giấc mơ trong tâm trí đem lại ý nghĩa gì cho họ.

KÝ HỌA SUY NGHĨ BẰNG HÌNH ẢNH

Sự bùng nổ sự sáng tạo trong thời Phục Hưng liên quan chặt chẽ với việc lưu giữ và truyền tải một lượng kiến thức mênh mông bằng ngôn ngữ thứ hai bên cạnh ngôn ngữ lời nói: ngôn ngữ của tranh vẽ, đồ thị, sơ đồ, ví dụ như các sơ đồ nổi tiếng của danh họa Leonardo daVinci và nhà thiên văn học Galileo. 

Khi thời đại của ông còn dùng những phương pháp toán học và lời nói theo truyền thống, Galileo đã làm nên cuộc cách mạng khoa học bằng cách diễn tả rõ ràng suy nghĩ của mình sơ đồ, bản đồ, tranh vẽ.

Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 1) - Ảnh 4.

Bộ tranh vẽ các pha mặt trăng nổi tiếng của Galileo (Ảnh: Museo Galileo)

Dường như khi các thiên tài có được năng khiếu sử dụng từ ngữ tối thiểu nhất định, họ sẽ phát triển các khả năng không gian và thị giác giúp họ có được sự linh hoạt để trình bày thông tin bằng nhiều cách khác nhau. 

Khi Einstein có suy nghĩ về một vấn đề, ông luôn thấy việc công thức hóa đề tài của mình bằng nhiều cách khác nhau nhất có thể, bao gồm cả bằng sơ đồ, là một việc cần thiết. Einstein có một bộ óc rất trực quan. Ông suy nghĩ về các hình thức không gian và thị giác nhiều hơn là suy nghĩ theo những dòng lập luận thuần túy bằng lời hay toán học. 

Thực tế là, Einstein cho rằng, từ ngữ và các con số khi được nói hay viết ra đều không có vai trò quan trọng trong tiến trình suy nghĩ của ông.

Hết phần 1, mời bạn đọc đón xem phần 2: Năng suất khổng lồ và khả năng nhận ra những điều không ai nhận ra của thiên tài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại