Cách các gia đình khiến “tiền đẻ ra tiền” vì khó sống với 1 nguồn thu nhập

TÔ DIỆP - DESIGN: ANH NHÂN |

Đa dạng thu nhập, “tiền đẻ ra tiền” đang là điều nhiều gia đình trẻ hướng tới.

Có đến 2-3 nguồn thu nhập ngoài công việc chính

Thoa Trần (sinh năm 1996) và chồng kết hôn đến nay đã hơn 2 năm, đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Cô vừa nghỉ công việc văn phòng gần 3 tháng nay, hiện tại đang làm tự do, thu nhập chủ yếu đến từ việc hợp tác dự án với các công ty. Bên cạnh đó, vợ chồng cô có một số nguồn thu nhập thụ động.

“Đầu tiên có thể kể đến tiền lãi gửi tiết kiệm, số tiền này không nhiều, nhưng đều đặn và an toàn. Bên cạnh đó là lợi nhuận khi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Vì là người không chuyên, mình lựa chọn đầu tư vào quỹ mở và các quỹ chỉ số. Gia đình mình cũng làm ăn kinh doanh cùng với bạn bè, người quen. Ngoài ra, mình đang làm tiếp thị liên kết trên một số nền tảng. Hiện tại, ngoài khoản đầu tư dài hạn như chứng khoán, thu nhập thụ động hàng tháng đem lại số tiền khoảng 40-60% so với thu nhập chính”.

Theo Thoa Trần, lý do cô lựa chọn những kênh thu nhập này là vì an toàn, không mất nhiều thời gian và là xu thế chung của thị trường. Cụ thể về kênh đầu tư vào các quỹ mở, cô chỉ cần trích khoản tiền một khoản tiền tự động nộp vào đó hàng tháng. Quỹ mở được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư và được quản lý chuyên nghiệp bởi công ty quản lý quỹ. Do vậy, cô cảm thấy khá tin tưởng cũng như ưu điểm là không mất thời gian theo dõi bảng điện.

Còn đối với hình thức hợp tác làm ăn kinh doanh, để đảm bảo mối quan hệ không bị ảnh hưởng, mọi người nên lựa chọn những đối tác có uy tín, thân quen và có kinh nghiệm trong chính lĩnh vực. Bên cạnh đó, cả 2 bên cần trao đổi rõ ràng ngay từ đầu về các vấn đề như: vốn đầu tư, tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Đồng thời, hãy xem xét kỹ càng tính khả thi của mô hình kinh doanh trước khi tham gia và dự phòng rủi ro nếu không phát triển được như kế hoạch ban đầu.

Cách các gia đình khiến “tiền đẻ ra tiền” vì khó sống với 1 nguồn thu nhập - Ảnh 1.

Thoa Trần

Bên cạnh đó, Ngọc Hà (sinh năm 1998, làm trong lĩnh vực truyền thông) và chồng Minh Phúc (sinh năm 1992, làm xuất nhập khẩu) đang sống tại Hà Nội cũng đang có một số công việc tay trái. Minh Phúc hiện tại đang đầu tư tài chính. Còn Ngọc Hà mở lớp dạy MC cho sinh viên và trẻ em ngoài giờ hành chính. Ngoài ra, vợ chồng cô sáng tạo nội dung về nấu ăn trên nền tảng mạng xã hội, thường nhận về sản phẩm của nhãn hàng để trải nghiệm đánh giá sản phẩm. Được biết hiện nay số tiền kiếm được từ nghề tay trái bằng 50-60% so với công việc chính.

“Đối với những bạn đang mong muốn phát triển nghề tay trái, mình cho rằng hãy cứ thử sức, đặt mục tiêu phấn đấu. Tuy nhiên, bạn cũng nên lường trước các rủi ro có thể xảy ra và sắp xếp thời gian cẩn thận bởi làm nhiều công việc dễ khiến bản thân phân tâm”.

Tầm quan trọng của đa dạng thu nhập

Khi nói về sự cần thiết của thu nhập đa dạng hóa, Ngọc Hà cho rằng nó giúp rút ngắn con đường dẫn đến tự do tài chính. Hơn thế nữa, điều này cũng đem đến cảm giác an toàn tài chính bởi nếu lỡ như có rủi ro chẳng hạn như mất việc, vợ chồng cô vẫn còn nguồn thu nhập tay trái bù lại. “Vợ chồng mình sinh sống tại một trong những thành phố lớn nhất cả nước với chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ. Chúng mình nhận thấy rằng chỉ có 1 công việc, 1 nguồn thu nhập là không phù hợp với chi tiêu hiện tại của gia đình”.

Cách các gia đình khiến “tiền đẻ ra tiền” vì khó sống với 1 nguồn thu nhập - Ảnh 2.

Ngọc Hà

Còn đối với Thoa Trần, cô cho rằng việc chỉ có 1 nguồn thu rất rủi ro đặc biệt với những người đã có con. Chẳng hạn, trong đợt bão sa thải vừa rồi, khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, có những gia đình ngay lập tức rơi vào cảnh thất nghiệp và không có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Cho đến nay, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp đang siết chặt quy mô nhân sự cũng như áp dụng kế hoạch giảm lương, trong khi đó giá thuê nhà, thực phẩm,.. chi phí nói chung đều đã tăng.

Bên cạnh đó, theo Thoa Trần, các gia đình cũng nên cẩn thận khi lựa chọn hình thức thu nhập thụ động bởi vì mỗi người sẽ có những đam mê sở thích nghề nghiệp khác nhau.

Bên cạnh đó, sự rủi ro khi đầu tư cũng không hề giống nhau. “Đối với gia đình trẻ, mình nghĩ rằng các bạn nên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Và cũng không nên để nghề tay trái hay thời gian đầu tư cho thu nhập thụ động ảnh hưởng đến công việc chính. Bước đầu các bạn nên xây dựng lớp nền móng trước, lớp bảo vệ này càng chắc và rộng thì mới có thể tăng trưởng tốt, tài chính đạt ngưỡng bền vững”.

Mặt khác, một số người cho rằng làm nhiều công việc cùng lúc sẽ rất bận, và khó phân chia thời gian cho cá nhân cũng như gia đình. Ngọc Hà đồng ý với quan điểm trên. Ngoài công việc 8 tiếng trên công ty, cô vẫn phải xử lý thêm những việc khác.

“Chắc chắn sẽ có lúc mình cảm thấy quá tải và ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vì thế mình thường giải quyết hết công việc ở công ty rồi khi về mới bắt tay vào công việc tay trái. Quan trọng là mình phải biết trước tuần này sẽ làm gì, thường mình sẽ lên kế hoạch theo tháng. Nếu cuối tuần quá bận rộn, trong tuần vợ chồng mình sẽ đi ăn, hẹn hò 1 buổi tối. Còn công việc nhà, 2 người sẽ chia sẻ với nhau. Chúng mình rất tự giác hiểu và cảm thông cho công việc của nhau. Đó là cách mình quản lý thời gian cho công việc chính và phụ mà vẫn có thời gian dành cho gia đình”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại