“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp

Thiên Yết |

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cha mẹ qua đời, anh em bà Hoa cũng ly tán. Suốt hơn nửa thế kỷ sau đó, đứa trẻ bên trong bà Hoa vẫn chờ đợi anh chị em đi tìm mình…

Đứa trẻ lưu lạc thuở lên 10, ký ức chỉ lưu tên 7 anh em

Bà Hoa (tên mới trên giấy tờ là Nguyễn Thị Bông) hiện sinh sống ở phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau khi chồng bỏ bà đi theo người phụ nữ khác, bà Hoa mua mảnh đất ở cuối con hẻm dẫn lên đồi núi đá. Nhà hiện tại từa tựa như trong ký ức lờ mờ của bà về nhà của cha mẹ trước khi ly tán “có ngọn núi trọc trọc, không thấy cỏ cây gì mọc được”.

Hơn 10 năm nay, bà Hoa thường xuyên xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, cả trăm lần cùng khóc với những cuộc đoàn tụ của người khác. Từng là một đứa trẻ chịu cảnh ly tán từ năm 1971 - 1972, bà cũng khao khát một ngày mình sẽ gặp lại người thân. 

Nhưng bà không nghĩ đến chuyện mình sẽ lên chương trình để tìm lại anh chị em đã thất lạc 51 năm. Bà tin rằng, “nhà có 6 - 7 anh em, chẳng lẽ không ai tìm mình?”, và cứ thế đợi chờ. Con gái út của bà thương mẹ nên quyết định gửi email đến Như chưa hề có cuộc chia ly, hy vọng có câu trả lời cho niềm đau hơn nửa thế kỷ của mẹ. 

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 1.

Bà Hoa và cháu ngoại ngồi trước cửa nhà.

Bà Hoa có một điều ân hận cho đến tận khi đã lớn tuổi, đó là năm bị xé khỏi gia đình, bà không biết, cũng không hỏi ai để biết quê hương bản quán của mình ở đâu. Bà chỉ lờ mờ nhớ rằng gia đình có lần phải tản cư, gần nhà là núi trọc không có cây cối gì, phải đi ngang qua cái giếng to và con suối mới đến ruộng, muốn đi qua chợ thì đi qua cầu ri (cầu sắt)… “Tôi còn nhớ cảnh chạy theo mẹ lúc mẹ đi chợ, bước qua cây cầu ri. Đi chân trần ra cầu ri nóng quá, tôi đứng khóc, mẹ quay lại ẵm tôi đi chung”, bà Hoa nhớ lại 

Duy chỉ có một thông tin mà bà vẫn nhớ rành rọt, đó là tên bảy anh chị em của mình: Sưa, Bình, Định, Hồng, Hoa, Nở, Xuân vì “mấy cái tên đó lồng lồng trong đầu rất rõ”.

Lần giở những manh mối ít ỏi, cuối cùng ê kíp Như chưa hề có cuộc chia ly cũng tìm ra quê bà Hoa ở Duy Xuyên, Quảng Nam - nơi chiến tranh diễn ra ác liệt nhất. Ở quê bà có núi Hòn Tàu có căn cứ Mỹ, trên núi trọc (tức Hòn Bằng) có bốt địch. 

Để lập vành đa trắng, dân các thôn từ thôn 4 đến thôn 8 bị dồn ra thôn 1. Thôn 1, thôn 2 và thôn 3 là vùng “bên kia” kiểm soát, các thôn 4, 5, 6, 7, 8 được coi là vùng cộng sản. Nhà bà Hoa từ thôn 4 bị dồn về ở thôn 1 tạm cư. Ngày ngày, cha mẹ bà phải vượt suối trở về thôn 4 để trồng trọt kiếm sống.

Cùng một năm chiến tranh khốc liệt, cha mẹ của bà Hoa qua đời cả. Cha của bà trong một lần đi vào rẫy trồng củ từ bị giặc bắn. Bảy ngày sau mới lấy được xác. Không lâu sau đó, mẹ bà cũng bị nước suối cuốn trôi khi đang cố trở về nhà. “Vào buổi sáng, nước suối còn thấp, bà vượt suối về khu đất cũ trồng trọt. Đến tối trở về thì nước dâng cao, bà ráng đi qua để về cho em Xuân bú. Nhưng nước dâng nhanh quá, bà bị dòng nước cuốn trôi", bà Hoa kể lại.

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 2.

Bà Hoa chỉ còn nhớ vài chi tiết về nhà cũ, nhưng khắc ghi tên của 7 anh chị em nhà mình.

Cha mẹ chết hết, người lớn nhất là chị Sưa khờ khạo từ nhỏ, các anh kế cũng chưa đến tuổi trưởng thành, em Xuân mới lẫm chẫm biết đi; cuối cùng họ đem em Hoa (lúc đó 9 - 10 tuổi) và em Xuân cho một mục sư đạo Tin Lành ở Đà Nẵng. Hoa làm giúp việc cho gia đình ông mục sư và quét dọn nhà thờ; còn em Xuân, ông mục sư đưa vào cô nhi viện.

Lần đứng trước cô nhi viện nhìn em được dắt vào trong, đó là lần cuối cùng Hoa gặp lại em Xuân. Sau đó, mục sư chuyển đến Tuy Phước, Bình Định, đem Hoa đi theo. Sau một trận bệnh nặng tưởng không qua khỏi, bà bỏ trốn tìm nơi khác nương náu và cắt đứt liên lạc với người duy nhất biết gốc gác của mình. 

Hoa được một ông xe lam dắt về giới thiệu cho một gia đình ở Hoài Nhơn, Bình Định để làm con nuôi. May mắn, gia đình này cũng yêu thương, quý mến Hoa, dù nỗi đau xa lìa gia đình trong bà chưa bao giờ vơi cạn. 

Năm 1980, chưa đủ 18 tuổi nhưng Hoa khai gian để đi thanh niên xung phong. Rồi về làm ở nông trường, lấy chồng và có con, có gia đình mới của mình. “Lúc làm giúp việc ở nhà ông mục sư, tôi có học lóm khi ông chủ dạy học cho các con. Vì vậy tôi chỉ biết đọc ít chữ, chứ không biết viết. Sau này tôi quyết tâm mình khổ mấy cũng cho con học đàng hoàng”, bà Hoa kể.

Sau khi chồng bỏ bà theo người khác, bà Hoa ở vậy nuôi 3 con gái, rồi chăm các cháu. Nỗi nhớ thương các anh chị em cuộn lên theo thời gian, nhưng bà không có điều kiện, cũng không có nhiều thông tin để đi tìm “khúc ruột trên, khúc ruột dưới của mình”. Hồi năm 2005, bà cùng con rể có ra Đà Nẵng, đến cô nhi viện nơi em Xuân tuột khỏi tay mình, nhưng cũng bặt vô âm tín.

Nhà có 7 anh em, sum họp chỉ dành cho 3 người

“Nhà có 6 - 7 anh em, sao không ai đi tìm mình?”, câu hỏi ấy của bà Hoa đã được chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly trả lời giúp. Không phải là không ai đi tìm, mà là chưa kịp đi tìm, vài người đã thành người thiên cổ.

Màn hình Như chưa hề có cuộc chia ly đã hệ thống lại danh sách thành viên gia đình bà Hoa. Những cái tên từ màu trắng lần lượt chuyển dần sang màu đỏ thẫm, ghi danh thứ tự từng người trong gia đình mất đi.

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 3.

Thống kê của Như chưa hề có cuộc chia ly đã cho bà Hoa câu trả lời, sau 51 năm.

Duy có người anh tên Định, đôi chân chỉ còn một bên, đôi mắt đã mù hẳn, là người nỗ lực nhất đi tìm các em về đoàn tụ. Năm bà Hoa và ông Xuân bị cho đi đến nhà ông mục sư, ông Định đi chăn trâu, va vào mìn rồi bay mất chân, mắt dần dần lòa đi. Ngày hai em bị cho mất, ông đang ở trạm xá trị thương nên không hay tin. 

Vừa khỏe lại chút, ông vội đi tìm các em. Nghe tin em Xuân ở trại trẻ mồ côi tại Đà Nẵng, ông vừa đi ăn xin, vừa tìm đường ra đó gặp mặt. Năm 1973, ông Định xin đón em Xuân về nhà nuôi. Còn bà Hoa, vì đã chuyển đi, ông không tìm lại được. Đó cũng là nỗi day dứt suốt nửa thế kỷ trong lòng ông Định.

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 4.

Bà Sưa (chị lớn nhất) và ông Định (anh thứ ba, người đã nỗ lực tìm lại bà Hoa trong quá khứ)

Ông kể trong nước mắt giàn giụa: “Em Hoa đi hai năm thì em Nở chết, vì cực khổ quá và bị bệnh thận. Rồi tới anh Bình vào lính, hy sinh năm 1974. Em Xuân cũng tình nguyện đi bộ đội, hòa bình về cũng lấy vợ, sinh con”. 

Những người đã mất thì không kể, nhưng những người còn lại, kể cả người chị khờ khạo là bà Sưa, vẫn nhớ mãi nhà còn một người chị, người em thất lạc, không biết đã mất hay còn. 

Vợ con ông Xuân vẫn nhớ, ông ôm niềm hy vọng mong manh rằng chị Hoa của ông sẽ tìm được đường về nhà, cho đến tận khi ông lâm bệnh nặng và qua đời năm 2016. Vợ ông kể lại: “Nhà ở gần lộ, cứ gần Tết hay dịp nào lễ lạt, có xe nào chạy mà đi chầm chậm qua nhà, hoặc đậu gần nhà để tìm đường, ông Xuân lại hớn hở chỉ tay, nói với mấy người con: “Cô Hoa mi về đó, cô Hoa mi về kìa”. Rồi lại ngậm ngùi tự trả lời: Mà có ai biết cô mi ở đâu”. 

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 5.

Bà Hoa bật khóc ôm lấy anh trai trong ngày sum họp.

Con trai lớn của bà Hồng cũng nhớ lại, mẹ mình đợi mãi ngày sum họp. “Mỗi lần xem Như chưa hề có cuộc chia ly, mẹ tôi cầm bút ghi lại số điện thoại. Bà nói khi nào có tiền sẽ lên chương trình tìm dì”. 

Nhưng chưa kịp đi tìm, bà Hồng đã mất vì bệnh, giờ đã mồ yên mả đẹp rồi. Khi tìm lại những di vật của mẹ, các con bà Hồng vẫn thấy tờ giấy ghi số điện thoại chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly được giữ cẩn thận, dù bà chưa một lần gọi đi.

Vậy là, cho đến ngày đoàn tụ vào tháng 8/2023, niềm vui chỉ còn dành cho ba người: Bà Sưa, ông Định, bà Hoa. “Anh em đông vậy mà giờ còn nhiêu đây. Chết hết trọi rồi” - bà Sưa nấc nghẹn nói với người em gái thất lạc, òa khóc khi nhận ra gương mặt bà Hoa. 

Vậy đấy, chiến tranh kết thúc lâu lắm rồi, nhưng dư âm của ly tán, của loạn lạc năm xưa vẫn còn vương lại biết bao câu chuyện kể mãi chưa thôi, còn bao đứt gãy mà Như chưa hề có cuộc chia ly và nhiều tổ chức, cá nhân khác đang tìm cách nối lại.

“Nhà có 6, 7 anh em, sao không ai tìm mình?” - câu hỏi của đứa trẻ lưu lạc 51 năm mới có lời đáp - Ảnh 6.

Hạnh phúc muộn mằn này, chỉ có ba anh em sẻ chia.

Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại