Các ‘xưởng nhị đại’ Trung Quốc học ở Tây về, khủng hoảng khi tiếp quản nhà máy gia đình

Thùy An |

Cụm từ ‘phú nhị đại’ dùng để chỉ con cái tức thế hệ thứ hai của các gia đình doanh nhân giàu có và bề thế ở Trung Quốc đã trở nên phổ biến.

Tương tự, cụm từ "xưởng nhị đại" cũng xuất hiện gần đây để gọi những người trẻ là thế hệ kế thừa của các gia đình điều hành những nhà máy, công xưởng vừa và nhỏ ở đất nước này.

Dữ liệu bảng xếp hạng 500 người giàu nhất tại Trung Quốc cho thấy, gần 70% các doanh nhân tư nhân nước này đều đã trên 50 tuổi. Điều đó có nghĩa việc tìm được người trẻ kế nhiệm tại các công ty ấy đang trở thành một vấn đề khó giải quyết.

Thế hệ thứ nhất, tức bậc cha mẹ, bắt đầu khởi nghiệp vào thời đại có nhiều cơ hội. Còn thế hệ thứ hai là những người trẻ đi du học về, tuy được lớn lên với nền tảng giáo dục tuyệt vời, nhưng lại phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm cùng nhiều thách thức trong chuyển đổi mô hình sản xuất. Họ tiếp quản nhà máy của gia đình trong sự bỡ ngỡ, thậm chí khủng hoảng trước quá nhiều sự khác biệt và va chạm tư duy. Dù có tầm nhìn rộng hơn, nhưng khi đứng trước những nhà máy cũ kỹ, lạc hậu và thị trường ảm đạm, những người trẻ này không khỏi than thở rằng thà đi làm công ăn lương còn dễ hơn.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, họ thành lập các nhóm "xưởng nhị đại" để chia sẻ tâm sự cũng như đi tìm sự hỗ trợ, động viên lẫn nhau.

Kiểu thứ nhất: Từ bỏ giấc mơ chỉ để vỡ mộng lần nữa

Trên mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, một "xưởng nhị đại" lấy tên là Simon chia sẻ, cách đây vài năm khi du học ở Mỹ, anh từng mơ ước được làm việc tại phố Wall sau khi ra trường. Nhưng do không tìm được việc do dịch bệnh, anh buộc phải về nước để tiếp quản nhà máy gia đình trong một cú sốc lớn.

Các ‘xưởng nhị đại’ Trung Quốc học ở Tây về, khủng hoảng khi tiếp quản nhà máy gia đình - Ảnh 1.

Lạc hậu, tối tăm, mùi dầu xộc vào mũi, đây là ấn tượng ban đầu của Simon khi trở về nhà máy. Không hề có cảnh tượng nhà xưởng rộng rãi, sáng sủa với dây chuyền lắp ráp thông minh như trong tưởng tượng. Nói đúng hơn, đây là một khu xưởng nhỏ, chuyên cung cấp sản phẩm và hỗ trợ cho các nhà máy khác xung quanh. Khu xưởng này là nguồn thu nhập nuôi Simon ăn học và đã hoạt động được 20 năm từ thời cha mẹ anh. "Bố tôi nói rằng khu xưởng này dù nhỏ nhưng vẫn là cơ nghiệp gia đình. Nó như con ốc sên, tuy nhỏ bé, chậm chạp nhưng không ngừng tiến về phía trước", Simon kể.

Simon phải làm quen với những cỗ máy lạ lẫm, các công việc xa lạ như cài đặt máy móc, vẽ kỹ thuật, giám sát chất lượng sản phẩm. Anh hết sức choáng váng khi phát hiện ra rằng cho đến nay, sổ sách kế toán, kiểm đếm hàng tồn kho vẫn cứ phải làm thủ công. Chất lượng sản phẩm không được kiểm soát bằng quy trình, tiêu chuẩn, mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc công nhân làm việc... "có tâm" hay không.

Simon cũng muốn thay đổi, nhưng quyền quyết định vẫn nằm trong tay người cha. Anh nói không ai nghe, giọng điệu lịch sự, nhã nhặn của một du học sinh Mỹ như nước đổ lá khoai với các nhân viên lâu năm tuổi ngoài bốn mươi. Là người trẻ nhất trong nhà máy, đôi khi Simon phải dùng những từ ngữ dễ hiểu, thậm chí bỗ bã thì mới giao tiếp và thuyết phục được với họ.

Các ‘xưởng nhị đại’ Trung Quốc học ở Tây về, khủng hoảng khi tiếp quản nhà máy gia đình - Ảnh 2.

Kiểu thứ hai: Sóng gió du học giúp bình tâm nơi quê nhà

Cùng lúc đó, lại có những trường hợp ngược lại. Việc du học trời Tây mang lại cho họ những trải nghiệm vất vả, để từ đó bình tâm hơn khi đối mặt với khó khăn trong nước.

Một "xưởng nhị đại" khác lấy tên là Harris trên Xiaohongshu cũng nói rằng anh chưa bao giờ nghĩ đến việc tiếp quản nhà máy gia đình. Anh từng làm việc ở Mỹ với thành tựu khá tốt. Nhưng nhà máy hóa chất gia đình gần đây lại có dấu hiệu đi xuống do cạnh tranh ngày một gay gắt, tác động của các chính sách bảo vệ môi trường cũng như yêu cầu minh bạch hóa về lợi nhuận ngày càng tăng.

Việc tiếp quản nhà máy đòi hỏi Harris phải thành thạo kiến thức về thiết bị kỹ thuật và hóa học ứng dụng B2B (bán cho khách hàng doanh nghiệp). Nhưng anh đã quyết định bắt tay tìm hiểu tường tận cả từ góc độ B2C (bán cho khách hàng người tiêu dùng phổ thông).

Anh còn học lái xe nâng, hàn nhựa, vẽ CAD, thu mua nguyên liệu. Harris tin rằng phải trải qua toàn bộ quá trình từ sản xuất đến cung ứng thì mới hiểu được những vấn đề thực sự của công nhân trong nhà máy. Từ những việc nhỏ như người công nhân dùng công cụ gì thì tăng năng suất, đến những việc lớn như nắm bắt xu hướng thị trường, đều là những kiến thức chỉ có thể đạt được qua thực hành.

Mọi ánh mắt và kỳ vọng của mọi người đều đổ dồn lên Harris. Anh không được nghỉ ngơi, phải trả lời tin nhắn trong vòng vài giây, thậm chí còn bị thương do máy móc. Trong một lần bảo trì thiết bị, Harris vô tình nhìn vào đèn quang oxy hơn 10 giây và phải đi bệnh viện gấp, suốt đêm không mở mắt được vì quá đau nhức.

Các ‘xưởng nhị đại’ Trung Quốc học ở Tây về, khủng hoảng khi tiếp quản nhà máy gia đình - Ảnh 3.

Harris tại nhà máy

Càng làm, Harris càng cảm nhận rõ nỗi khó khăn khi tuyển dụng lao động có tay nghề, sự biến động của nguyên vật liệu cũng như áp lực từ các khoản phải thu khó đòi.

Tuy nhiên, Harris không tỏ ra nao núng. Hồi đi làm sales ở Mỹ, anh đã trải qua nhiều khó khăn hơn. Anh từng phải gõ cửa từng nhà mời chào, để rồi bị chó đuổi hay bị chủ nhà đe dọa. Nhằm chạy đủ KPI, Harris đã phải rong ruổi muôn nơi trong cái nắng gắt, ăn bánh mì và uống nước lọc để dằn bụng.

Về sau, anh cũng trở thành quán quân bán hàng của công ty trong nhiều tháng liên tiếp, là người châu Á đầu tiên được chọn vào câu lạc bộ bạch kim của công ty. Nhưng rồi Harris nhanh chóng phải đối mặt với sự trần trụi của nơi công sở, như phân biệt chủng tộc tinh vi hay sự săm soi, tị nạnh của sếp.

Harris quay về Trung Quốc, nhưng trong sâu thẳm vẫn luôn biết ơn những năm tháng khó khăn ở Mỹ đã giúp anh bình tâm hơn sau này. Nhờ tinh thần ổn định, anh đồng cảm với công nhân tốt hơn và giải quyết các vấn đề nhanh hơn.

Các ‘xưởng nhị đại’ Trung Quốc học ở Tây về, khủng hoảng khi tiếp quản nhà máy gia đình - Ảnh 4.

Harris còn dự định đưa cả hương liệu và dầu thơm của Trung Quốc vào các sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng, để kể câu chuyện văn hóa và truyền thống cho người tiêu dùng qua những sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường. Dĩ nhiên đây là một ý tưởng chưa từng có ở thời cha mẹ anh.

"Không ai giàu ba họ"

McKinsey từng đưa ra thống kê như sau: tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới chỉ là 24 năm. Trong đó, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp gia đình là được truyền lại cho thế hệ thứ hai, dưới 13% truyền lại được cho thế hệ thứ ba và chưa đầy 5% vẫn còn sống sót kể từ đời thứ tư. Quả thật, câu tục ngữ ‘không ai giàu ba họ’ tỏ ra có lý trong trường hợp này.

Những người trẻ thế hệ hai của các nhà máy này không chỉ phải giữ vững công việc kinh doanh mà còn phải đổi mới để bắt kịp thời đại. Nhưng may mắn thay, họ không phải loay hoay một mình như thời cha mẹ. Ngày nay, mạng xã hội đã cho phép các "xưởng nhị đại" này kết nối, hợp tác và đoàn kết với nhau và cùng gánh vác trọng trách "vực dậy thị trường nội địa".

Tham khảo từ: Tencent


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại