Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc được xác lập tư tưởng chính trị như thế nào?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Điều lệ của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có điều chỉnh về lý luận, tư tưởng ở Đại hội toàn quốc khóa 19 tới đây, dự kiến diễn ra từ ngày 18/10.

Hội nghị của Bộ chính trị trung ương ĐCSTQ hôm 18/9 ra quyết định, "tư tưởng chiến lược lớn và quan điểm lý luận lớn được xác lập ở Đại hội 19 sẽ được ghi vào Điều lệ đảng".

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), thông điệp này cho thấy nhiều khả năng những quan điểm và triết lý chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là Tổng bí thư ĐCSTQ, sẽ được đưa vào Điều lệ đảng này, điều mà trong quá khứ chỉ có hai lãnh đạo Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình thực hiện được.

ĐCSTQ đã ấn hành nhiều cuốn sách giới thiệu các tư tưởng, các bài phát biểu của ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền cuối năm 2012. Tư tưởng chính trị của cá nhân lãnh đạo được đưa vào Điều lệ đảng còn là một vinh dự, thể hiện sự đồng thuận lớn của tập thể đảng viên đối với cá nhân đó.

Đại hội 19 của ĐCSTQ dự kiến họp từ ngày 18/10 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là kỳ Đại hội chính thức đánh dấu mốc quan trọng "Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình" với hai tiêu chí.

Một là, xác lập "Tư tưởng Tập Cận Bình" nhằm khẳng định địa vị lãnh đạo của ông. Thông báo của Tân Hoa Xã viết: Đại hội sẽ quán triệt lý luận của ông Tập về "4 tự tin" (đường lối, lý luận, chế độ, văn hóa) và thúc đẩy chiến lược “ 4 toàn diện”, phấn đấu hiện thực hóa xã hội khá giả. 

Hai là, hình thành ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sau 5 năm chống tham nhũng quyết liệt và cơ cấu lại bộ maý cơ quan đảng và Nhà nước. Sau Đại hội, ban lãnh đạo mới được kỳ vọng thực hiện mục tiêu xã hội khá giả và "Giấc mộng Trung Hoa" mà ông Tập đã tuyên bố khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc được xác lập tư tưởng chính trị như thế nào? - Ảnh 1.

Mao Trạch Đông (trái) và Lâm Bưu trên đài chủ tịch Đại hội khóa 9 của ĐCSTQ, ngày 14/4/1969 (Ảnh: Xinhua)

Tư tưởng của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc

Nhìn lại lịch sử cho thấy ĐCSTQ qua các thế hệ lãnh đạo trước đây đã có tiền lệ xác lập "hạt nhân lãnh đạo" của đảng, từ đó hình thành "Tư tưởng của hạt nhân lãnh đạo" nhằm thống nhất tư tưởng trong đảng.

Tháng 6/1989, ông Đặng Tiểu Bình nói "Bất kỳ một tập thể lãnh đạo nào của Trung Quốc đều có Hạt nhân lãnh đạo, không có Hạt nhân lãnh đạo thì không có chỗ dựa". Ông xác định thế hệ lãnh đạo thứ nhất Mao Trạch Đông là "hạt nhan", và thế hệ lãnh đạo thứ 2 là bản thân ông.

"Hạt nhân lãnh đạo Mao Trạch Đông" được xác lập vào năm 1935 tại Hội nghị Tuân Nghĩa ở tỉnh Quý Châu. Nhưng tới năm 1945, Đại hội khóa 7 của ĐCSTQ mới xác định “Tư tưởng Mao Trạch Đông”. 

Năm 1956 tại Đại hội 8, Tư tưởng Mao Trạch Đông bị bãi bỏ vì khi đó Trung Quốc chỉ trích vấn đề "sùng bái cá nhân". Nhưng tới năm 1969, Đại hội 9 khôi phục lại Tư tưởng Mao. Như vậy, phải mất tới 34 năm (1935-1969), “Hạt nhân lãnh đạo Mao Trạch Đông” mới được xác lập “Tư tưởng Mao Trạch Đông” trong Điều lệ ĐCSTQ.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, đặc trưng của “Tư tưởng Mao Trạch Đông” gồm: Xác định được cuộc cuộc Cách mạng dân chủ mới, lập nên nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Định ra “Đường lối quần chúng” và phương châm “Thực sự cầu thị” cho đảng; Xác lập tư tưởng “Tự lực cánh sinh” trong xây dựng đất nước.

Thế hệ thứ hai “Hạt nhân lãnh đạo Đặng Tiểu Bình” được xác lập trong Hội nghị toàn thể trung ương 3 Khóa 11 năm 1978. Sau 19 năm, tới tháng 9/1997 - sau khi ông Đặng mất được 7 tháng, Đại hội khóa 15 của ĐCSTQ mới xác lập tên gọi "Lý luận Đặng Tiểu Bình", cũng là học thuyết chính trị của ông này.

Đặc trưng cơ bản của Lý luận Đặng Tiểu Bình là "xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", giải phóng tư tưởng, cải cách mở cửa.

Về đối ngoại, ông Đặng chủ trương phá bỏ trật tự thế giới cũ do Mỹ và phương Tây dựng lên, đồng thời chia cục diện thế giới thành ba loại: Siêu cường, cường quốc và nước đang phát triển. Trong đó, Trung Quốc được xác định là nước đang phát triển.

Các thế hệ tiếp theo dù không nổi bật như Mao, Đặng nhưng cũng phát triển những lý thuyết của riêng mình. 

Năm 2004, lãnh đạo Giang Trạch Dân đưa ra tư tưởng "3 đại diện" đối với ĐCSTQ để chấn chỉnh tổ chức, kỷ luật đảng. Về đối ngoại, ông Giang khởi xưởng "đường lối ngoại giao nước lớn", chủ yếu coi trọng quan hệ với các nước lớn, nhất là Mỹ, Nga và các nước phương Tây phát triển. Ông Hồ Cẩm Đào cũng thúc đẩy chủ trương của riêng mình về phát triển khoa học công nghệ.

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc được xác lập tư tưởng chính trị như thế nào? - Ảnh 2.

Các lãnh đạo Trung Quốc tại Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa 18, tháng 10/2016 (Ảnh: Xinhua)

Ông Tập Cận Bình có những tư tưởng gì?

Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, được xác lập là "Hạt nhân lãnh đạo" ở Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa 18 họp tháng 10/2016. Nếu học thuyết chính trị của ông Tập được ghi vào Điều lệ đảng sau Đại hội 19, thì nhà lãnh đạo này sẽ lập kỷ lục về thời gian từ khi trở thành Hạt nhân cho đến khi được xác lập tư tưởng trong đảng.

Ngày 15/7/2017, tạp chí Nghiên cứu xây dựng đảng của Trung Quốc đề cập tới các học thuyết của ông Tập, gọi đây "là thành quả mới nhất trong việc Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Marx".

Trước đó, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn và Chánh Văn phòng trung ương đảng Lật Chiến Thư đều có bài đề cập tới tư tưởng Tập Cận Bình. 

Tiếp đó Trưởng ban tuyên truyền của ĐCSTQ, ông Lưu Kỳ Bảo cho rằng "Thành quả lý luận to lớn 5 năm qua là Tư duy mới, Tư tưởng mới, Chiến lược mới về quản lý đất nước của Tập Cận Bình".

Ngày 17/7/2017, Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì có bài "Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình".

Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc còn cho rằng các lý luận của ông Tập lấy "Ngọn cờ 'giấc mộng Trung Quốc' tập hợp sưc mạnh, lấy '4 toàn diện' tái tạo bộ mặt mới của Trung Quốc, và đưa ra lý luận tạo ra ý thức hệ mới để dẫn dắt thế giới vào thời đại mới…"

Cho đến nay, "4 toàn diện", do báo đảng Nhân dân Nhật báo giới thiệu vào tháng 12/2014, được cho là sẽ trở thành đặc trưng cơ bản của tư tưởng Tập Cận Bình, bao gồm "xây dựng toàn diện xã hội khá giả, toàn diện đi sâu cải cách, toàn diện trị quốc theo pháp luật, toàn diện nghiêm khắc quản lý đảng".

Đến tháng 2/2015, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã xác định đây là "bố cục chiến lược và cương lĩnh chính trị chỉ đạo cho xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo".

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc được xác lập tư tưởng chính trị như thế nào? - Ảnh 3.

Nhân dân Nhật báo ngày hôm nay (29/9) nhấn mạnh "từ bố cục chiến lược '4 toàn diện' nhìn lý luận sáng tạo trên cơ sở thực tiễn", trong đó yêu cầu các đảng viên Trung Quốc "coi trọng vai trò của lý luận, tăng cường tự tin lý luận và vững chắc về chiến lược".

Về đối ngoại, "giấc mộng Trung Quốc" mà ông Tập Cận Bình khởi xướng đã trở thành nền tảng cơ bản để định hình di sản của ông, với mục tiêu phục hưng thời kỳ huy hoàng của Trung Quốc như thời "Đại Đường thịnh thế" trong quá khứ. 

Ông chủ trương Trung Quốc cần phát huy vai trò chủ chốt trong một số tổ chức quốc tế như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Ngân hàng đàu tư hạ tầng Châu Á (AIIB), đồng thời dùng sáng kiến "Vành đai và Con đường" làm công cụ thực hiện bố cục lại trật tự thế giới hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại