Ngày 27/9, Sputnik (Nga) đưa tin, Ấn Độ đã triển khai vũ khí hạng nặng sát biên giới Ấn Độ và Pakistan mục đích để đối phó với sự khiêu khích của Pakistan, cũng như cảnh báo Islamabad không giúp đỡ những phần tử khủng bố vượt qua Đường ranh kiểm soát (LoC) thực hiện các hoạt động khủng bố.
Theo hãng thông tấn Nga, Ấn Độ đã cho phép lực lượng tác chiến với kinh nghiệm phong phú được trang bị xe tăng và xe thiết giáp hoàn toàn có quyền thực hiện mọi hành động phản công quân đội Pakistan.
Được biết, lực lượng tác chiến có kinh nghiệm phong phú này chính là Sư đoàn Bộ binh số 10, hiện được cải tổ với sức mạnh tấn công hiệu quả, có thể nhanh chóng thích ứng với các cuộc chiến tranh sinh hóa, hạt nhân. Sư đoàn này hiện triển khai 100 xe tăng T-72 và 100 xe thiết giáp do Nga chế tạo ở biên giới Ấn Độ-Pakistan.
Hồi đầu năm, Ấn Độ đã lên kế hoạch chuẩn bị triển khai hơn 460 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 đến biên giới với Pakistan nhằm để đề phòng trường hợp xảy ra chiến tranh bất ngờ với Islamabad
Sputnik nhận định, các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng gia tăng khiến khu vực Kashmir dễ bùng nổ chiến tranh.
Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ - Tướng Bipin Rawat mới đây cảnh báo Islamabad rằng, họ nên ngừng trợ giúp lực lượng khủng bố vượt qua tuyến đường kiểm soát, cũng như cho biết, New Delhi đã chuẩn bị sẵn sàng một loạt các biện pháp để trả đũa Pakistan, bao gồm việc Islamabad tiến hành "tấn công phẫu thuật" đối với New Delhi vào năm trước.
"Tấn công phẫu thuật" là chiến lược đánh vào các mục tiêu quân sự, đồng thời cố gắng hạn chế các thiệt hại ngoài dự kiến này
Ấn Độ đã triển khai hoạt động chống khủng bố ở khu vực biên giới, quân đội đã sẵn sàng đánh bại "kẻ địch" xâm phạm lãnh thổ và chôn vùi chúng dưới lòng đất, ông Rawat nói.
Đáp trả cáo buộc của Ấn Độ, Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi ngày 20/9 cho biết, Islamabad có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực tấn công của New Delhi vào lãnh thổ Pakistan.
Ông Abbassi nói: ""Chúng tôi đã phát triển các vũ khí hạt nhân tầm ngắn như là một đối trọng với học thuyết Khởi đầu Lạnh (Cold Start) mà Ấn Độ đã phát triển".
Theo India Today (Ấn Độ), học thuyết trên là một chiến lược quân sự của Ấn Độ nhằm tấn công Pakistan bằng một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng không gây ra rủi ro xung đột hạt nhân.
Một cựu quan chức, đại diện đàm phán hạt nhân Pakistan khẳng định, Islamabad hoàn toàn có khả năng phản công toàn diện trước các cuộc tấn công của New Delhi.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khurram Dastgir Khan cũng đã đưa ra lời buộc tội Ấn Độ, đổ lỗi cho New Delhi về các hoạt động khủng bố và phá hoại hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Mới đây, trong phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, đại diện hai nước tiếp tục đưa ra nhiều tranh luận căng thẳng. Sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ cáo buộc Pakistan là "công xưởng sản xuất khủng bố xuất sắc" thì đại diện thường trực tại Liên hợp quốc của Pakistan đáp trả rằng, Ấn Độ là "khởi nguồn của chủ nghĩa khủng bố Nam Á".