Các Tập đoàn xây dựng hùng hậu của Việt Nam 'hiến kế' gì cho siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km?

Thái Hà |

Hàng loạt Tập đoàn xây dựng lớn của Việt Nam đã nêu kiến nghị để siêu dự án 67,3 tỷ USD có thể thành công.

Tại tọa đàm: Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt do Báo Giao thông tổ chức, đại diện một số Tập đoàn xây dựng lớn của Việt Nam đã có mặt và đưa ra các kiến nghị quan trọng về dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dài 1.541km, trị giá 67,3 tỷ USD.

Cần tính tới chuyện nhập khẩu lao động chất lượng cao

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC), chia sẻ tại tọa đàm rằng, về hệ thống pháp lý, Việt Nam cần tham khảo quy trình pháp lý thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao của các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản. Các doanh nghiệp khi tìm hiểu được thông tin cần chia sẻ với nhau, từ đó hình thành các liên danh giữa các nhà thầu trong nước.

Theo ông Phương, bước đầu tiên để thực hiện dự án không phải là tập hợp lực lượng mà là tập hợp thông tin. Các đơn vị thi công cần xác định mục tiêu hội nhập quốc tế ngay tại Việt Nam thông qua việc mời và thuê chuyên gia nước ngoài. Ông nhấn mạnh rằng cần nhập khẩu lao động chất lượng cao, từ công tác quản lý đến kỹ sư vận hành thiết bị và đội ngũ công nhân.

Các Tập đoàn hùng hậu của Việt Nam kiến nghị gì về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km? - Ảnh 1.

Ông Mai Thanh Phương. Ảnh: RCC

Hiện tại, điều quan trọng là hình thành các nhóm nghiên cứu chung và phân chia công việc dựa trên thế mạnh của từng đơn vị, doanh nghiệp. Ông cho rằng cách tiếp cận vấn đề cần được ưu tiên hơn việc phô diễn năng lực thi công, bởi với một dự án trị giá 33 tỷ USD, khả năng đối ứng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Về phía Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt, ông Phương khẳng định đơn vị có kinh nghiệm trong thi công cầu đường sắt và sẽ tập trung học hỏi để thực hiện tốt các hạng mục phù hợp với thế mạnh của mình. 

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các nhà thầu Việt không nên ôm đồm toàn tuyến mà cần tập trung vào chuyên môn, đầu tư chuẩn bị bài bản, tạo sự đồng nhất và đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia cũng như các doanh nghiệp phụ trợ.

Xem xét, chỉnh lý bổ sung cơ chế đặc thù để phù hợp với thực tế

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được trình có 19 nhóm cơ chế đặc thù, trong đó bao gồm nhiều cơ chế đã từng được áp dụng cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Các Tập đoàn hùng hậu của Việt Nam kiến nghị gì về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Huy. Ảnh: Đèo Cả

Ông đề nghị cần tiếp tục rà soát và chỉnh lý những vướng mắc trong các cơ chế đặc thù hiện nay, đặc biệt là những cơ chế đã áp dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để đảm bảo tính hiệu quả.

Chẳng hạn, vấn đề giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mỏ vật liệu thường tốn rất nhiều thời gian. Nếu Nhà nước hoặc địa phương đảm nhận các công việc này thì quá trình sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc để doanh nghiệp Nhà nước tự thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người dân, vốn thường gặp nhiều khó khăn.

Ông dẫn chứng, trong dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, phải mất 6-9 tháng mới hoàn tất chuẩn bị một mỏ vật liệu để phục vụ dự án, trong khi thời gian thi công tổng thể chỉ khoảng 2-3 năm.

Do đó, đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nếu Nhà nước phụ trách việc GPMB và chuẩn bị mỏ vật liệu, nhà thầu chỉ cần vào thi công ngay khi nguyên liệu đã sẵn sàng, thời gian thực hiện dự án có thể rút ngắn đáng kể, từ 6-9 tháng.

Ông nhấn mạnh, ngoài việc xây dựng các cơ chế đặc thù mới, cần xem xét, bổ sung và điều chỉnh các cơ chế đặc thù hiện có để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả triển khai dự án.

Cần cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp tham gia

Tại tọa đàm, ông Văn Hồng Tuân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco4, bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới, khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sẽ có các cơ chế và chính sách cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực không chỉ phục vụ xây dựng mà còn cho giai đoạn vận hành sau khi dự án hoàn thành.

Ông nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp tham gia cần tiến hành tái cấu trúc, đầu tư mới các thiết bị thi công để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao của dự án. Đồng thời, ông kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ ban hành cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, qua đó không chỉ hoàn thành dự án mà còn giúp nâng cao năng lực và vị thế của doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Các Tập đoàn hùng hậu của Việt Nam kiến nghị gì về siêu dự án 67,3 tỷ USD, dài 1.541km? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp Việt rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Ông Trần Cao Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, cũng nêu vấn đề lớn về sự liên kết giữa các nhà thầu. Theo ông, mỗi nhà thầu đều có thế mạnh riêng, nhưng thực tế hiện nay vẫn thiếu các buổi làm việc chung để chia sẻ và khai thác hiệu quả các điểm mạnh này. 

Ông nhấn mạnh rằng đối với một dự án quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao, rất cần những cuộc họp và tọa đàm thường xuyên để các nhà thầu cùng hợp tác, liên kết và phân chia công việc hợp lý.

Về cơ chế chính sách, ông Sơn cho biết các nhà thầu phải huy động nguồn vốn rất lớn để tham gia dự án. Do đó, ông đề xuất rằng cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách hỗ trợ để nhà thầu có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng dễ dàng hơn. 

Đồng thời, ông đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp có thể nhận được các ưu đãi cụ thể nào nhằm giảm bớt áp lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại