Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu

Lê Ngọc |

Các phi công quân sự không coi mình là người khuyết tật xin trở lại đơn vị chiến đấu và trở thành Anh hùng Liên Xô.

Aleksey Maresyev

Trong Thế chiến II, khi bị mất chân, phi công được giải phóng khỏi nhiệm vụ bay và hầu như phải mãi mãi quên đi việc lái máy bay chiến đấu. Nhưng ở Liên Xô, có một số ít phi công rơi vào tình huống như vậy đã không chấp nhận số phận và xin được tiếp tục lái “chim sắt” chiến đấu, trong đó, Aleksey Maresyev là người nổi tiếng nhất.

Ngày 5/4/1942, chiếc máy bay chiến đấu Yak-1 của Maresyev bị trúng đạn trên các khu rừng vùng Novgorod. Nhảy dù, thoát chết, Maresyev đã mất 18 ngày định hướng theo mặt trời để tìm về với đơn vị. Đói, khát, phải ăn kiến và thằn lằn, kiệt sức và với đôi chân hoàn toàn bị tê cóng, cuối cùng, may mắn, anh cũng về được với Hồng quân, nhưng không may, Maresyev đã bị chứng hoại thư.

Nằm trên giường, khi Marseyev cố gắng di chuyển chân, các khớp xương gối bị bung ra. Bác sĩ đã phải dùng một chiếc kéo tiệt trùng để cắt chân anh do bị hoại tử nặng. Dùng chân giả nhưng không mất đi hy vọng trở lại đội ngũ, anh ta đã luyện tập rất miệt mài và chăm chỉ. Và khi chiến dịch Kursk bắt đầu, Aleksey Maresyev được phân công ra mặt trận.

Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu - Ảnh 1.

Phi công Anh hùng Liên Xô Aleksey Maresyev; Nguồn: rbth

Chân vẫn rất đau và chảy máu, nhưng Mitchsey đã cẩn thận để che giấu điều đó. Ban đầu, các phi công bay cùng đã không tin Maresyev, cho rằng người đồng đội tàn tật sẽ khiến họ thất vọng vào thời điểm quan trọng nhất. Tuy nhiên, mọi nghi ngờ của họ đã bị xua tan khi anh không chỉ tỏ ra có hiệu quả chiến đấu cao mà còn cứu sống nhiều phi công trong không chiến.

Ngày 24/8/1943, do cứu được hai phi công và bắn hạ 3 máy bay phát xít Đức, Trung úy biên đội phó Alexei Petrovich Maresyev được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tổng cộng, Maresyev đã xuất kích 86 lần, bắn hạ 10 máy bay địch - ba chiếc trước và bảy chiếc khi sau bị thương.

Tên tuổi của Aleksey Maresyev được biết đến rộng rãi trên cả nước; phóng viên chiến trường Vladimir Polevoi đã viết cuốn “Câu chuyện về một người đàn ông thực sự” về người phi công quả cảm này. Đề tài cuốn sách không chỉ được chuyển thể thành phim mà còn được nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev viết thành một vở opera trình diễn ở Nhà hát Bolshoi.

Georgy Kuzmin

Bị dính hỏa lực phòng không địch trên bầu trời vùng Bryansk ngày 19/11/1941 nhưng Georgy Kuzmin vẫn tìm cách hạ cánh máy bay chiến đấu bị cháy xuống cánh đồng phủ đầy tuyết. Bò ra khỏi máy bay, Kuzmin được dân địa phương tìm thấy và chăm sóc. Trong khi cố gắng quay trở lại đơn vị, anh bị bắt làm tù binh, nhưng đã trốn thoát và tham gia chiến đấu trong một đơn vị du kích.

Khi Georgy về được với các lực lượng Hồng quân, đôi chân của anh bị thương trong ngày định mệnh của vụ tai nạn có dấu hiệu xấu. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ bàn chân trái và một phần ba bàn chân phải của anh. Sau khi học được cách đi giày chuyên dụng, Kuzmin được phép trở lại điều khiển máy bay. Đến tháng 4/1943, Đại úy Georgy Kuzmin đã thực hiện 270 lần xuất kích, tham gia 90 trận không chiến, bắn hạ 15 máy bay địch.

Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu - Ảnh 2.

Phi công Anh hùng Liên Xô Georgy Kuzmin; Nguồn: rbth

Theo Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 28/4/1943, Đại úy Georgy Kuzmin đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng Huân chương Lenin và Huy chương Sao vàng. Ngày 18/8/1943, máy bay Kuzmin, đã bị bắn trong trận không chiến gần thành phố Snezhnoye, Ucraina và Kuzmin đã anh dũng hy sinh. Đến lúc hy sinh, anh đã thực hiện 280 lần xuất kích, tham gia hơn 100 trận không chiến, bắn hạ 19 máy bay địch.

Leonid Belousov

Sau khi hạ cánh năm 1938 do chiếc máy bay chiến đấu I-16 bốc cháy, Leonid Belousov qua 35 lần phẫu thuật thẩm mỹ vá mặt. Khi cuộc chiến năm 1941 bắt đầu, vết thương do bỏng ở chân bắt đầu khiến anh gặp rắc rối do chứng hoại thư khí. Cả hai chân của người phi công đều bị cắt cụt, chân phải bị cắt phía trên đầu gối.

Nằm 426 ngày trong một bệnh viện quân đội, sau hai lần đại phẫu thuật, người phi công đã lấy lại được sức mạnh của mình, tập đi bộ và điều khiển chân giả, rèn luyện tăng sức nặng lên đôi chân của mình. Đôi khi, chúng bị cọ xát mạnh đến mức chảy máu, nhưng anh không cho phép mình đầu hàng và anh đã có được cơ hội trở về lại Trung đoàn của mình.

Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu - Ảnh 3.

Phi công Anh hùng Liên Xô Leonid Belousov (trái); Nguồn: rbth

Đến tháng 2/1945, Thiếu tá Cận vệ Belousov đã thực hiện 300 lần xuất kích, bắn hạ 3 máy bay địch. Belousov đã chiến đấu cho đến khi kết thúc chiến tranh. Sau chiến tranh, Belousov giải ngũ; tháng 7/1945, được bổ nhiệm làm người đứng đầu một Câu lạc bộ Leningrad, làm việc trong ngành vận tải đường sông. Năm 1957, theo Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, Belousov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng Huân chương Lenin và Huy chương Sao vàng.

Ivan Kiselev

Ivan Kiselev bị mất chân trong trận không chiến ở Kaunas vào ngày 20/8/1944. Bằng một phép lạ khó tin, anh phi công mất chân đã được trở lại vị trí chiến đấu của mình. “Tôi leo lên cánh máy bay và nhìn thấy Kiselev bất tỉnh trong buồng lái. Trên sàn buồng lái là một vũng máu, và chân anh vẫn còn trong đôi ủng.

Tôi không biết sao Kiselev bị chảy máu nhiều như thế mà vẫn có thể điều khiển máy bay của mình quay trở lại sân bay và hạ cánh” - người Trung đoàn trưởng của anh nhớ lại trong cuốn tự truyện “Nữa thế kỷ cùng với bầu trời”. Tháng 5/1945, Kiselev với một chân giả khăng khăng yêu cầu được trở lại làm nhiệm vụ. Anh đón nhận Ngày Chiến thắng trên bầu trời, khi đang săn lùng các máy bay Đức còn lại.

Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu - Ảnh 4.

Phi công Anh hùng Liên Xô Ivan Kiselev; Nguồn: rbth

Tháng 12/1945, Kiselev được giải ngũ và trong nhiều năm, làm việc trong tại Tổng cục Hàng không Dân dụng. Chuyện kể rằng, vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chiến thắng, tại một buổi chiêu đãi, Nguyên soái Không quân Savitsky đã gặp Kiselyov và hỏi một cách trách móc: Tại sao đồng chí Kiselyov không đeo huy hiệu Anh hùng? Người phi công thương binh trả lời rằng anh không được tặng thưởng.

Vị Nguyên soái nói: Sao? Chính tôi đã ký văn bản đề nghị phong Anh hùng cho đồng chí rồi cơ mà? Chỉ sau vài ngày, hồ sơ được tìm thấy trong kho lưu trữ và năm ngày sau, Quyết định phong anh hùng được ký. Ngày 14/5/1965, Trung úy dự bị Ivan Kiselyov đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Zakhar Sorokin

Trong trận chiến đấu bảo vệ bầu trời Bắc Cực, ngày 25/10/1941, khi đâm vào một chiếc máy bay Đức, chiếc máy bay chiến đấu của Sorokin bị hư hại nặng, rơi xuống một vùng đồi trọc. Chiếc Me 110 hai chỗ ngồi của Đức bị Sorokin đâm rơi cách chiếc MiG-3 của anh 300m. Các phi công lại tiếp tục chiến đấu trên mặt đất. Sorokin đã bắn chết một phi công Đức có một con chó, và với phi công thứ hai, anh ta đã chiến thắng sau cuộc đấu tay đôi gian nan.

Viên phi công sau đó phải mất sáu ngày vượt qua quãng đường 70km để trở về với Hồng quân. Trong thời gian đó, anh liên tục bị những con sói truy đuổi; anh bò, trèo, ngã xuống sườn đồi và rơi xuống mặt hồ nước đóng băng. Anh đã thành công trong việc giết chết một trong những con sói và hù dọa những con khác bằng một quả pháo sáng; anh buộc phải uống máu sói để giữ sức. Sống sót, nhưng Sorokin bị mất cả hai chân vì cóng.

Các phi công Liên Xô cụt chân vẫn anh dũng chiến đấu - Ảnh 5.

Phi công Anh hùng Liên Xô Zakhar Sorokin; Nguồn: rbth

Nhưng anh vẫn được toại nguyện trở về Trung đoàn của mình và tham gia chiến đấu. Do thành tích hộ tống và bảo vệ các đoàn xe Bắc Cực, Sorokin đã được trao tặng Huân chương của Đế chế Anh. Tại lễ trao huân chương, viên Tùy viên Quân sự Anh nói về Đại úy phi công Sorokin “Một khi ở Nga có những người như vậy, nước Nga sẽ bất khả chiến bại”.

Theo Sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô ngày 19/8/1944, Đại úy Zakhar Sorokin đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng Huân chương Lenin và Huân chương Sao vàng. Tại thời điểm được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Sorokin đã có 117 lần xuất kích, tham gia 19 trận không chiến và đích thân bắn hạ 11 máy bay địch. Tổng cộng, Zakhar Sorokin đã bắn hạ 18 máy bay địch, 12 trong số chúng là khi dùng chân giả.

Tháng 4/1945, Đại úy Sorokin được chuyển đến Hạm đội Biển Đen, nơi anh phục vụ cho đến năm 1955. Sau khi nghỉ hưu, Sorokin sống ở Moscow, làm việc tại Ủy ban Cựu chiến binh Liên Xô, Hiệp hội toàn Nga "Kiến thức", là thành viên của Liên đoàn các Nhà báo Liên Xô và là tác giả của 15 cuốn sách./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại