Các quốc gia láng giềng của Venezuela đang đặt tình trạng báo động tại các khu vực biên giới, cũng như nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư tại Venezuela. Mặc dù vậy, quốc tế cho rằng, thúc đẩy đối thoại để ổn định tình hình chính trị tại quốc gia này cũng như triển khai nhanh các chính sách kinh tế chính phủ vừa đưa ra sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dòng người di cư đang rời bỏ đất nước.
Giới chức Peru ngày 28/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế tại khu vực miền Bắc, giáp biên giới Venezuela trong bối cảnh hàng nghìn người quốc gia Nam Mỹ này đang tràn sang các nước láng giềng bất chấp việc siết chặt yêu cầu nhập cảnh.
Giới chức y tế Peru trước đó đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan của bệnh dịch như sởi và sốt rét từ những người di cư Venezuela do tình trạng thiếu thốn thuốc men tại nước láng giềng này. Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 28/8 cũng cho phép sử dụng quân đội ở bang sát biên giới với Venezuela để bảo đảm an ninh trước làn sóng di cư của hàng nghìn người những tháng gần đây.
Trước những diễn biến phức tạp do cuộc khủng hoảng người di cư Venezuela gây ra, Ngoại trưởng Colombia Carlos Holmes Trujillo kêu gọi một giải pháp khu vực: “Chúng ta không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng bình thường.
Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng qui mô lớn giống như đã từng diễn ra tại các khu vực khác trên thế giới, cần có sự quan tâm toàn cầu. Thông qua các biện pháp chung của khu vực là cách tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng đang có tác động đến nhiều nước trong khu vực”.
Giới chức các nước khu vực cũng đang tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng này. Hôm qua đại diện cơ quan kiểm soát di cư của Colombia và Peru đã có cuộc gặp tại thủ đô Bogota để phân tích các cơ chế giúp các nước vượt qua khủng hoảng. Hai quốc gia tiếp nhận lượng người di cư Venezuela lớn nhất này nhất trí thiết lập một cơ sở thông tin chung để giải quyết hiệu quả và kịp thời những diễn biến tại khu vực biên giới.
Một quan chức của cơ quan di trú Peru Eduardo Sevilla cho biết: “Các hoạt động trao đổi thông tin rất hữu ích, không chỉ tạo điều kiện cho việc nhận dạng đúng và kịp thời những người nước ngoài vào đất nước mà còn giúp có những số liệu cần thiết cho các hành động sắp tới. Các bộ phận khác cũng sẽ hỗ trợ hoạt động sơ tán những người di cư này”.
Dự kiến một cuộc họp lớn hơn với sự tham dự của Ngoại trưởng Ecuador và Colombia sẽ diễn ra vào tuần tới. Peru cũng kêu gọi tổ chức cuộc họp của Tổ chức các nước châu Mỹ và Liên Hợp Quốc để thảo luận vấn đề người di cư trong khu vực.
Các nước đang nỗ lực tìm ra giải pháp cấp khu vực để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư Venezuela. Tuy nhiên, nhiều nước cho rằng, giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dòng người di cư Venezuela rời khỏi đất nước.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đang có chuyến thăm các nước Mỹ Latinh cam kết ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại ở Venezuela. Theo ông Sanchez, Venezuela cần phải tự khởi động đối thoại để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, và cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ để tiến trình đối thoại thành công.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ hi vọng, các biện pháp bình ổn kinh tế mới nhất của chính phủ Venezuela sẽ tạo ra một nền kinh tế hiệu quả hơn.
Một trong số đó là phát hành đồng tiền mới “bolivar chủ quyền” thay cho đồng nội tệ cũ bị mất giá trầm trọng, có vai trò quan trọng trong việc giúp thúc đẩy nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Venezuela cần đa dạng hóa sản xuất và các mối quan hệ thương mại để giúp cải thiện nền kinh tế./.