Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm thứ 5 (5/12) vừa qua đã đồng tình rằng Ngân hàng Thế giới (WB) nên loại trừ Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được hưởng các khoản vay ưu đãi của tổ chức này, CNBC đưa tin.
Cụ thể, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Anthony Gonzalez đã đặt câu hỏi trên trong quá trình soạn thảo dự luật ngăn WB cho Trung Quốc vay ưu đãi thông qua chương trình Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), ông Mnuchin đã ngay lập tức nói "tôi ủng hộ".
Thông qua chương bình IBRD, WB sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính và vay ưu đãi để giúp các quốc gia trong diện thu nhập thấp và trung bình có thể giảm nghèo và thúc đẩy đầu tư bền vững. Trung Quốc hiện đang được hưởng lãi suất ưu đãi đối với khoản vay trị giá hơn 1 tỉ USD/năm từ WB theo chương trình này.
"Chúng tôi không có quyền phủ quyết từng khoản vay hay tuyên bố cụ thể [của WB]", ông Mnuchin cho biết. "Nhưng chúng tôi có quyền phủ quyết đối với việc phân bổ nguồn vốn và các vấn đề khác".
Căng thẳng đã gia tăng khi Trung Quốc tự cho các quốc gia đang phát triển vay hàng tỉ USD để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Động thái này đã khiến rất nhiều chính trị gia Mỹ tức giận, đặc biệt là khi họ không chỉ coi Trung Quốc là một đối thủ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn là mối đe dọa địa chính trị khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở nước ngoài.
Cuối tháng 7 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng lên Twitter chỉ trích Trung Quốc "dối lừa", giả nghèo giả khổ để trục lợi từ tổ chức quốc tế, đồng thời đe dọa rằng Mỹ có thể can thiệp và thu hồi những quy chế đặc biệt mà những quốc gia tự coi mình là nước đang phát triển đang được hưởng từ tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Chuck Grassley hôm 5/12 cũng tán thành với ý kiến của Bộ trưởng Mnuchin:
"Hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và thu nhập bình quân đầu người của nước này đã cao hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn của quốc gia được WB cho vay ưu đãi. Trong khi đó, Mỹ lại là nước có đóng góp nhiều nhất cho WB [...]".
Cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng Clete Willems bình luận: "Những gì đang diễn ra, về cơ bản là Mỹ và các quốc gia khác đang gián tiếp góp vốn cho tham vọng 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc - một trong những bàn đạp giúp nước này đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình".
"Trung Quốc nói rằng họ muốn đứng ngang hàng với Mỹ trên thị trường kinh tế thế giới. Nếu họ muốn vậy, thì họ phải chấp nhận được đối xử giống như Mỹ. Họ không thể tiếp tục làm một quốc gia đang phát triển được nữa", ông Willems nói.