Indonesia lo ngại đầu tư Trung Quốc

Lục San |

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đối mặt bài toán cân bằng hóc búa trong mối quan hệ với Bắc Kinh khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai

Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) vừa cảnh báo về những rủi ro khi làm ăn với các công ty Trung Quốc, đồng thời nêu bật nỗi lo liên quan đến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc gia tăng ảnh hưởng kinh tế lên quốc gia Đông Nam Á này. "Chúng tôi đang kêu gọi chính phủ cẩn trọng hơn với đầu tư đến từ Trung Quốc. Họ đang làm điều đó như một phần của nỗ lực tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Vì thế, chúng ta phải rất thận trọng" - trang Bloomberg ngày 4-12 dẫn lời Phó Chủ tịch KPK Laode Muhammad Syarif cho biết.

Kim ngạch thương mại hai chiều Indonesia - Trung Quốc đạt 72,3 tỉ USD trong năm 2018, tăng 22% so với năm trước đó. Trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia ngày càng tăng, Bắc Kinh là một đối tác kinh tế quan trọng của Jakarta. Tuy nhiên, cảnh báo trên của KPK đã làm bật lên những lo ngại của Jakarta liên quan đến tham vọng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh. Ông Syarif nhấn mạnh Indonesia "cần phải cẩn thận hơn" ngay cả khi thừa nhận các công ty Trung Quốc là "những nhà đầu tư quan trọng".

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 qua và Trung Quốc mang đến cho ông một bài toán cân bằng hóc búa. Chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu và tình hình thêm xấu vì kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Chính vì thế, các khoản tài trợ hậu hĩnh trị giá hàng tỉ USD từ Trung Quốc thật sự khó cưỡng.

Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên giữa Jakarta và TP Bandung. Tuy nhiên, đã xuất hiện chất vấn về tính minh bạch của dự án 6 tỉ USD này. Ngoài ra, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc dẫn đến nhận định rằng Jakarta đang quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Đại sứ Úc tại Indonesia Gary Quinlan vào tuần rồi đã cảnh báo Indonesia về những rủi ro an ninh liên quan đến sự hiện diện của Tập đoàn Viễn thông Huawei. Khi được hỏi liệu sự hiện diện này có khiến Úc chấm dứt hoạt động chia sẻ thông tin tình báo với Indonesia hay không, ông Quinlan không đưa ra câu trả lời cụ thể.

Tham nhũng là một vấn đề đau đầu ở Indonesia trong thập kỷ qua. Với thẩm quyền điều tra những quan chức cấp cao và các vụ việc liên quan đến những khoản tiền bất hợp pháp trị giá ít nhất 1 tỉ rupiah (khoảng 71.000 USD), KPK đã đưa nhiều thẩm phán, thành viên quốc hội, quan chức địa phương và thậm chí là bộ trưởng ra trước vành móng ngựa.

Dù vậy, theo ông Syarif, tình trạng tham nhũng vẫn có dấu hiệu giảm bớt. Quan chức này trích dẫn chỉ số nhận thức tham nhũng mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, theo đó Indonesia chỉ đạt 38 trên 100 điểm, so với 32 điểm của năm 2012. Thực trạng đó cho thấy tình hình ít được cải thiện trong suốt nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Tổng thống Widodo. "Điều này có nghĩa chúng ta vẫn là một đất nước tham nhũng nghiêm trọng" - ông Syarif nói.

NATO thừa nhận thách thức từ Bắc Kinh

Nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo trong khối NATO cho rằng liên minh quân sự này nên tập trung vào các cường quốc quân sự mới và mới nổi, chẳng hạn như Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô London - Anh trong hai ngày 3 và 4-12, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ký một tuyên bố chung, trong đó lần đầu tiên chính thức thừa nhận "các cơ hội và thách thức" đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Những gì chúng ta thấy là sức mạnh gia tăng của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc - về kinh tế và về quân sự - mang lại một số cơ hội cũng như một số thách thức nghiêm trọng" - Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với đài CNBC (Mỹ). Ông Stoltenberg khẳng định Mỹ và NATO đang theo dõi Trung Quốc chặt chẽ. Theo ông, Trung Quốc có mặt ở châu Phi, ở Bắc Cực, cũng như đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu và không gian mạng. Đặc biệt là, Bắc Kinh hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Washington.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng việc thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc không phải là thách thức Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Thay vào đó, NATO muốn đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu. Trong khi đó, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison, cho biết NATO đang xem xét hành động quân sự của Trung Quốc dựa trên sự tăng trưởng nhanh chóng của Bắc Kinh thời gian qua. Tuy nhiên, bà Hutchison nói thêm rằng giờ vẫn chưa là lúc (NATO) tuyên bố Trung Quốc là một đối thủ mà nên tập trung nỗ lực thúc đẩy nước này trở thành một đối tác thương mại mạnh mẽ và công bằng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại