Trung Quốc đang đứng trước lựa chọn. Họ có thể hợp tác với một thế giới đa cực dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng, chủ quyền và tự chủ hoặc họ có thể lựa chọn tầm nhìn về một thế giới bị họ chi phối phần lớn. Hai triển vọng cạnh tranh đã được phác thảo trong một bài phát biểu của ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, tại một sự kiện được Viện Brookings tài trợ hôm 2/12 vừa qua.
Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.
Mỹ muốn cùng thắng, Trung Quốc coi nước lớn luôn đúng
“Cách tiếp cận của chúng tôi phản ánh một quan điểm đã ăn sâu trong tư duy của người Mỹ, đó là công bằng đồng nghĩa với cùng thắng. Mọi người đều có thể hưởng lợi nếu các luật lệ được tuân thủ. Cuộc sống không nhất thiết phải có kẻ thắng người thua. Việc tôi mạnh mẽ hay thịnh vượng không đòi hỏi bạn bị suy yếu hay nghèo đói. Đây là cách chúng tôi triển khai quan hệ quốc tế.
Chúng tôi không nghĩ chúng ta sẽ yếu hơn hay nghèo đi chỉ đơn giản vì ai đó trên thế giới kiếm được nhiều tiền hay có sức mạnh. Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng sự sáng suốt của người khác có thể mang lại lợi ích cho chúng tôi, sức mạnh của người khác có thể khiến thế giới này được an toàn hơn, và sự giàu có của người khác nghĩa là họ sẽ làm ra được những thứ chúng tôi muốn mua và mua những thứ chúng tôi muốn bán”, ông Stilwell nói.
Trong khi đó, theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đối với Trung Quốc, quan hệ quốc tế có tính thứ bậc, và nước lớn luôn đúng. “Ý tưởng về quản trị của Bắc Kinh chính là áp đặt sự đồng nhất”, ông Stilwell nhấn mạnh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Washington đang gây sức ép buộc các quốc gia ở Đông Nam Á và các nơi khác buộc phải đưa ra lựa chọn giữa tầm nhìn toàn cầu của Mỹ hay của Trung Quốc, đồng thời cho rằng đây là cách tiếp cận mà Bắc Kinh đang theo đuổi.
Ông Stilwell nói: “Tôi muốn các bạn biết, các nước sẽ không bị ép buộc đưa ra sự lựa chọn như vậy từ phía Mỹ. Khi chúng tôi nói rằng tầm nhìn của Mỹ mang tính toàn diện và chấp nhận sự tồn tại của nhiều thứ cùng lúc, chúng tôi nghĩ đúng như vậy, và hành động của chúng tôi cũng chứng tỏ điều đó. Chúng tôi mong muốn có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, và không phản đối nếu các nước khác cũng nỗ lực giao thiệp với Bắc Kinh một cách hợp tác và thân thiện”.
Thừa nhận trong quan hệ đối ngoại, mọi quốc gia đều thường xuyên phải đưa ra nhiều lựa chọn về các vấn đề chính sách - kinh tế, thương mại, công nghệ, an ninh... và điều này tác động tới lợi ích và sự thịnh vượng của mỗi nước, ông Stilwell cho biết Mỹ khuyến khích các đồng minh và đối tác có sự lựa chọn cẩn trọng, nhằm bảo vệ các lợi ích và chủ quyền quốc gia của mình.
Mỹ không áp đặt, Trung Quốc phô diễn sức mạnh cơ bắp?
“Chủ quyền đồng nghĩa với khả năng được sống tự do không chịu sự thống trị của nước ngoài, được sống theo đúng luật pháp của nước mình và đưa ra các quyết định của riêng mình. Chúng tôi không mong muốn áp đặt các nước khác, và chúng tôi muốn các đồng minh và bạn bè của mình không phải chịu sự áp đặt của bất kỳ ai”, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell nhấn mạnh.
Theo ông Stilwell, Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý định phô diễn sức mạnh cơ bắp để đưa các giá trị của nước này ra bên ngoài. “Rõ ràng chiến dịch của Bắc Kinh trong việc áp đặt sự tuân thủ về ý thức hệ không chỉ dừng lại ở biên giới Trung Quốc”.
Ông Stilwell nói: “Chúng tôi không hề tìm cách mở rộng lãnh thổ, cũng không cố gắng đối kháng và áp đặt cách sống của chúng tôi lên nước khác. Thay vào đó, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng nên những thể chế, ví dụ như Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và thịnh vượng cho tất cả các bên”.
Jonathan Stromseth, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings cho rằng, mặc dù trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cố gắng xây dựng “cộng đồng của những người có số phận chung” nhằm tăng cường cạnh tranh, nhấn mạnh đến tính toàn diện và hợp tác nhưng khái niệm này đôi khi được giải thích ở nước ngoài như là sự trở lại với hệ thống cổ xưa của Trung Quốc đi kèm với sự lệ thuộc của các nước vào Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ rằng, khác với Mỹ, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra và lan truyền một câu chuyện kể về cái cách các quốc gia làm việc cùng nhau”, ông Stromseth nói.
Thực tế cho thấy, các hành động ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc, bao gồm cả việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, quân sự hóa các thực thể này hòng hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới đã khiến các quốc gia trong khu vực và Mỹ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Lynn Kuok, một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Cambridge nhận định: “Trung Quốc đã khá hiệu quả trong việc triển khai các chiến dịch gây ảnh hưởng từ trong nước và Bắc Kinh có thể tự hào về điều này”./.