Các nhà khoa học Singapore lên danh sách những cây nhiệt đới khử độc đất hiệu quả, có cả rau má và dương xỉ

KIM |

Thử nghiệm thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang và Ban Công viên Quốc gia Singapore cho thấy một số loài cây có thể loại bỏ kim loại độc hại ra khỏi đất.

Quá trình giải độc trong đất bằng cây trồng, thuật ngữ chuyên ngành là “phytoremediation”, sẽ lọc và loại bỏ chất có hại khỏi đất nhiễm độc. Khả năng giải độc tùy thuộc vào từng loại cây, và khả năng tách kim loại hay á kim khỏi đất lại khác nhau theo từng loài thực vật.

Nghiên cứu mới thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học Singapore phát hiện thấy một số cây nhiệt đới đại trà có thể đóng vai trò quan trọng trong giải độc đất trồng. Nhiều cây góp mặt trong nghiên cứu là loài bản địa tại miền nhiệt đới, vậy nên việc giới thiệu những loài thực vật này tới với những quốc gia có cùng khí hậu sẽ đôi phần dễ dàng hơn.

Chủ tịch Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, giáo sư Lam Yeng Ming nhận định: “Với một quốc gia nhỏ bé như Singapore, đất có thể được tái sử dụng để hậu thuẫn những dự án quy hoạch mới, vì thế một cách thức chữa lành đất nhiễm độc có thể vừa thân thiện với môi trường, lại vừa lâu dài là rất quan trọng”.

Các nhà khoa học Singapore lên danh sách những cây nhiệt đới khử độc đất hiệu quả, có cả rau má và dương xỉ - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu chụp ảnh với những chậu cây "giải độc".

Cũng theo lời ông, đội nghiên cứu sẽ tận dụng cây nhiệt đới để giải độc cho đất, khi phương cách này vừa đơn giản, vừa hiệu quả lại vừa xanh và đẹp. Chiến lược trồng cây vừa chống xói mòn lại vừa ngăn kim loại lan tới những vùng đất khác, qua đó ngăn tốc độ nhiễm độc của đất.

Trong báo cáo khoa học, nhóm chỉ ra 46 loài cây có khả năng khử độc đất. Trong số đó có thể kể tới những cây đại trà như cỏ lá gừng (Axonopus compressus), dương xỉ (Pteris vittata) hay rau má (Centella asiatica) rất hiệu quả trong khử kim loại nặng và á kim khỏi đất.

Các loài thảo mộc có thể loại trừ được những kim loại, á kim có khả năng đầu độc con người và động vật, đơn cử như cadimi, chì, arsen hay crom. Bản thân những chất này không mang độc tính cao, nhưng khi tích tụ lâu trong đất, hậu quả lên sinh vật sống sẽ rất khó lường. Chúng có thể tích tại tầng đất mặt do hoạt động xả thải đồ điện tử hay phun thuốc trừ sâu.

Hiện các cơ quan chính phủ địa phương đã khoanh vùng được những khu vực nhiễm độc kim loại nặng, và mong muốn sớm ứng dụng được phương pháp khử độc mới. Dự án trồng cây loại bỏ chất độc trong đất phù hợp với các chiến lược cải thiện chất lượng sống con người.

Các nhà khoa học Singapore lên danh sách những cây nhiệt đới khử độc đất hiệu quả, có cả rau má và dương xỉ - Ảnh 3.

Phương pháp phytoremediation có thể hợp lực, thậm chí thay thế những cách khử độc đất mang tính công nghiệp khác, như rửa đất hay lọc đất qua acid. Cách xử lý xanh, sạch và đẹp sẽ vẫn luôn được ưa dùng, hơn việc ứng dụng hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, phytoremediation sẽ cần tới sự quyết tâm của cộng đồng, khi phương pháp chắc nhưng chậm. Ấy là chưa kể tới việc xử lý thực vật đã hút chất độc khỏi đất.

Các nhà khoa học hiện đang tìm cách tích hợp hạt vô cơ vào cây để vừa tăng tốc độ sinh trưởng của cây, lại vừa cải thiện khả năng hút chất ô nhiễm của chúng. Nếu thành công, những vạt cỏ, vựa rau lớn sẽ nhanh chóng lan tỏa sức xanh trong nội thành, lọc sạch đất khỏi những phụ phẩm phát sinh từ quá trình lao động, sinh hoạt của con người.

Theo ntu.edu.sg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại