Vào năm 2019, nghiên cứu dài 40 năm của nhà sinh vật học David Willard cho thấy kích thước của loài chim đang ngày càng nhỏ hơn do sự ấm lên toàn cầu.
Tương tự, nghiên cứu của tiến sĩ Josh Van Buskirk thuộc Đại học Zurich-Thụy Sĩ và hai chuyên gia Robert Mulvihill- Robert Leberman thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie-Mỹ với 102 loài chim trong khoảng 1961-2007 cho thấy sự suy giảm trọng lượng cơ thể và chiều dài sải cánh thể hiện ở 60 loài chim di cư vào mùa xuân, 75 loài di cư vào mùa thu, 51 loài di cư vào mùa hè và 20 loài di cư vào mùa đông trong khoảng thời gian 46 năm.
Thậm chí không riêng gì loài chim, hầu hết mọi sinh vật trên trái đất cũng đang giảm kích thước để có thể phù hợp với môi trường sống.
Hàng loạt các nghiên cứu cho thấy cứ với đà giảm kích thước như hiện nay thì nhiều loài sẽ tuyệt chủng trong khi hệ sinh thái bị biến động, qua đó ảnh hưởng đến cả nhân loại.
Kích thước và nhiệt độ
Trong hệ sinh thái, định luật Bergmann từng chỉ ra khí hậu càng lạnh thì kích thước sinh vật càng to và ngược lại. Nguyên nhân là những sinh vật có kích thước to sẽ dễ dự trữ được nhiệt lượng thông qua tích mỡ, trong khi nhiệt độ tăng lại khiến kích thước nhỏ đi vì như vậy sẽ tản nhiệt nhanh hơn.
Theo định luật Bergmann, tỷ lệ giữa kích thước sinh vật với diện tích bề mặt của chúng có mối quan hệ mật thiết đến nhiệt độ môi trường sống. Đây cũng là lý do tại sao các khối băng lớn lâu tan hơn những tảng băng nhỏ.
Định luật Bergmann đã góp phần giải thích tại sao cách đây 56 triệu năm, nhiệt độ trái đất tăng 5-8 độ C trong vòng 10.000 năm lại khiến nhiều loài to con giảm kích thước rõ rệt, trong khi hàng loạt sinh vật to con bị tuyệt chủng.
Mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường với sinh vật thể hiện rất rõ khi nhiều loài khủng long biến mất được cho là do biến đổi khí hậu. Với nhận định này, việc trái đất ấm lên 1,5 độ C vào năm 2040 được cho là sẽ làm thay đổi hệ sinh thái toàn cầu.
Từ chim đến bọ
Khảo sát của bảo tàng Field Museum với hơn 70.000 con chim được công bố vào năm 2019 cho thấy có 52 loài chim phổ biến đã giảm kích thước 2,6% trong khoảng 1978-2016.
Tương tự, nhiều nghiên cứu về hươu, nai, côn trùng, động vật gặm nhấm cũng cho thấy kích thước của chúng nhỏ dần đi cùng với sự tăng nhiệt độ. Vào năm 2017, một nghiên cứu với loài cá bạc Menhaden cho thấy chúng đã giảm bình quân 15% về kích thước trong 65 năm qua.
Điều đáng lo ngại là loài cá lại chẳng liên quan gì đến việc giữ nhiệt độ qua kích thước bề mặt, nên chúng không cần nhỏ đi để tản nhiệt. Chuyên gia Jennifer Sheridan của bảo tàng tự nhiên lịch sử Carnegie nhận định sự nóng lên toàn cầu đã làm thay đổi môi trường và gián tiếp ảnh hưởng đến các sinh vật biển cũng như nhiều loài khác.
Ví dụ như loài cóc, chu kỳ phát triển từ trứng đến trưởng thành của loài này đã bị rút ngắn do nhiệt độ trái đất ấm lên, hậu quả là kích thước của chúng trở nên nhỏ hơn khi trưởng thành.
Tận thế?
Theo phó giáo sư Brian Weeks của trường đại học Michigan, nếu như trái đất ở kỷ băng hà phải tốn hàng nghìn năm để tăng nhiệt độ nhất định, qua đó làm tuyệt diệt nhiều giống loài thì hiện nay, nhiệt độ toàn cầu đi lên nhanh gấp 10 lần so với thời kỳ đó.
Xin được nhắc là việc giảm kích thước như chim bé đi sẽ khiến xói mòn tỷ lệ sinh.
"Thực tế là sinh vật giảm kích thước sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng, qua đó làm giảm dân số của các loài. Đây là lý do mà tại sao nhiều người lại quan tâm đến kích thước như vậy", chuyên gia Sheridan của bảo tàng Carnergie nhấn mạnh.
Tồi tệ hơn, sự suy giảm kích thước còn khiến hệ sinh thái bị biến dạng nhanh chóng. Ví dụ nếu kẻ săn mồi (Predator) giảm kích thước nhanh hơn con mồi (Prey) thì chúng sẽ cần nhiều con mồi hơn để có thể lấp dạ dày, hoặc thậm chí là thay đổi vị trí trên chuỗi thức ăn.