Các nhà khoa bảng đỗ đạt nhờ… vợ

Trần Siêu |

Tình yêu không chỉ giúp sĩ tử xưa vượt qua vất vả của nghiệp lều chõng, mà còn giống như tiên dược giúp họ thi cử đỗ đạt.

Rất nhiều nhà khoa bảng nước ta được ghi nhận có được sự đỗ đạt nhờ… vợ. Tuy vậy, không phải các bà vợ rèn cặp kinh nghĩa chỉ bảo bài vở, mà ở chính sự chu đáo trong việc chăm dưỡng bữa ăn giấc ngủ, cho đến cả việc “khích tướng” hay ra tay tương trợ “chồng tương lai”… đã giúp nghiệp lều chõng thêm vinh hiển.

Kiên trì khuyên chồng đỗ Trạng

Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, người làng Cổ Liễu, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được xếp đầu bảng trong danh sách các nhà khoa bảng đỗ đạt nhờ vào người vợ.

Vũ Tuấn Chiêu được miêu tả rằng, dù mặt mũi tuấn tú nhưng việc học hành lại đi ngược với dáng vẻ bề ngoài. Khi đã ngoài 40 tuổi mà học hành vẫn kém cỏi, khó có tương lai. Dù vậy, nhưng ông vẫn kiên trì đến lớp, chấp nhận ngồi học cùng đám tóc để chỏm.

Vợ ông là bà Trần Thị Chìa biết chồng tối dạ nên rất kiên trì động viên chồng dùi mài kinh sử. Giai thoại cho biết, thầy đồ từng gọi bà đến trả chồng về vì nhét bao nhiêu trí khôn ông cũng không thu nạp. Bà Chìa dắt chồng ra sông cạnh nhà, chỉ xuống cây cột đá chống cầu – ý nói phải kiên trì, nước chảy thì đá cũng phải mòn.

Vũ Tuấn Chiêu nghe lời vợ và xin thầy cho ở lại học. Vài năm sau, dù bà Chìa đã còng lưng vì vất vả nuôi gia đình nhưng vẫn không quên gánh gạo nuôi chồng tới khi qua đời.

Khoa thi Hồng Đức năm thứ 6 (1475) Vũ Tuấn Chiêu đi thi và đỗ đầu trong số ba Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên). Sau này, ông làm quan đến chức Tả Thị lang bộ Lại, có nhiều công lao được triều đình truy phong làm thần.

Tương truyền, khoa thi năm ấy còn có hai người là Cao Quýnh và Ông Nghĩa Đạt cũng có bài thi xuất sắc. Vua Lê Thánh Tông thấy ba người tài năng ngang nhau nên thật khó xếp hạng Tam khôi. Thế là vua ra câu đố: “Thượng bất thượng/Hạ bất hạ/Chỉ nghi tại hạ/Bất khả tại thượng”.

Cao Quýnh và Ông Nghĩa Đạt không nghĩ ra, Vũ Tuấn Chiêu đoán là chữ “Nhất”. Vua Lê Thánh Tông hài lòng liền ban cho học vị Trạng nguyên đứng đầu Tam khôi.

Các nhà khoa bảng đỗ đạt nhờ… vợ - Ảnh 1.

Phần mộ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu.

Bị vợ lột sạch quần áo

Nếu như Vũ Tuấn Chiêu có một người vợ đảm, hết lòng vì sự nghiệp thi cử của chồng thì Uông Sĩ Đoan lại có một người vợ dữ dằn, bủn xỉn và khinh thường con chữ, coi nho sinh chỉ dài lưng tốn vải.

Theo “Tang thương ngẫu lục”, sau khi lấy vợ, Uông Sĩ Đoan ở rể tại làng Du Lâm (Bắc Ninh). Ông là người có chí tiến thủ, quyết học làm quan nhưng gặp phải người vợ không hiểu chuyện. Cứ mỗi lần bạn đồng môn đến nhà bàn luận văn chương thi phú, thì thể nào cũng bị vợ Uông Sĩ Đoan chửi cho té tát.

Bà coi thường nho sinh và xem thường luôn cả việc thi cử. Bởi vậy, khi Uông Sĩ Đoan sắm sửa lều chõng, bà vợ đã cấm cản đủ đường. Sau hồi giằng co, Uông Sĩ Đoan giận dỗi bỏ đi, nào ngờ bà vợ vẫn không tha mà chạy theo lột sạch quần áo của chồng – với ý đồ ông xấu hổ sẽ bỏ việc thi cử.

Không mảnh vải che thân, Uông Sĩ Đoan phải lội xuống ao cho bớt xấu hổ. May mắn sao sau đó, có cô gái trẻ đương lúc mang vải ra chợ bán. Thấy vậy, cô gái lấy tấm vải đưa cho Uông Sĩ Đoan. Nhờ vậy, ông tiếp tục ước nguyện thi cử. Sau khi đỗ Tiến sĩ, Uông Sĩ Đoan vinh quy bái tổ và đến hỏi cô gái xa lạ ngày nào đã tặng mình tấm vải đóng khố dùng tạm.

Biết chuyện chồng thi đỗ, lại lấy vợ mới nên bà vợ cũ chạy ngay đến kiếm chuyện lẫn dọa nạt. Người vợ mới của Uông Sĩ Đoan mới nói: “Tôi chỉ lấy cái bà đã nhẫn tâm vứt xuống ao, chứ có tranh giành cái gì của bà đâu. Còn như áo mũ hiện giờ chồng tôi đang mặc là của vua ban, bà có giỏi thì cứ đến mà lột”.

Bà vợ cũ nghe vậy xấu hổ quá, bỏ làng đi không rõ tung tích. Câu chuyện của người phụ nữ này trở thành đề tài chê cười cho hậu thế: “Dài lưng đã có võng đào. Tốn vải đã có áo bào vua ban”.

Lần giở lịch sử, Uông Sĩ Đoan tên thật là Giang Sĩ Đoan, nhưng bắt đầu từ đời ông do kiêng húy của chúa Trịnh Giang nên đổi thành họ Uông. Ông quê ở làng Vũ Nghị, huyện Thanh Lam, phủ Tân Hưng, trấn Nam Sơn (nay là xã Thái Hưng, Thái Thụy - Thái Bình) thi đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) đời Lê Dụ Tông.

Sách “Tang thương ngẫu lục” cho biết, năm Tân Sửu (1721) đời Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi. Vượt qua gần 3.000 nho sinh, Uông Sĩ Đoan đứng thứ 6 trong số 25 người được triều đình chấm đỗ.

Sau khi thi đỗ, Uông Sĩ Đoan được trọng dụng và trải qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức Hữu Thị lang Công bộ, được ban tước Lam đình bá. Năm 1793, ông qua đời khi đã sống thọ tới 99 tuổi. Hậu duệ của ông có nhiều người thành tài, tạo được tiếng tăm, như: Uông Sĩ Lãng – quan Bồi tụng, Uông Sĩ Thiến - Tri huyện Cẩm Giàng, Uông Sĩ Trạch – Lang trung bộ Lại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần bình rằng: Cô gái bán vải trong chuyện này, cả nhân ái lẫn đoan trang đều có thừa vậy. Uông Sĩ Đoan không nhớ ơn nghĩa, phỏng có được chăng? Lịch sử không cho biết gì thêm về người vợ đầu của Uông Sĩ Đoan, nhưng cứ theo lẽ mà suy thì ở tuổi ấy, nhân cách của bà đã quá ổn định rồi, nói thêm nữa sợ gây phiền hà.

Các nhà khoa bảng đỗ đạt nhờ… vợ - Ảnh 3.

Di tích họ Uông - Uông Sĩ Đoan tại Thái Bình.

“Khích tướng” để chồng ham học

Vợ nhà thơ Tú Xương là bà Phạm Thị Mẫn, quê Hải Dương nhưng sinh ra ở Nam Định. Trong suốt cuộc đời bà, qua lời thơ ông Tú - người nay được biết đến hình ảnh một người vợ “đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười”. Tú Xương năm lần bảy lượt thi không đỗ, nhưng bà không hề phàn nàn, vẫn cặm cụi “Nuôi đủ năm con với một chồng”.

Trong bài “Văn tế sống vợ”, Tú Xương cũng xót xa nói về vợ mình: “Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ/Tiếng có miếng không được chăng hay chớ”. Sinh ra không gặp thời, lại gặp buổi nhiễu nhương trường ốc - Tú Xương thất bại công danh, nhưng bù lại chính những bài thơ lấy từ hình tượng người vợ đã thể hiện tình yêu thương gắn kết sâu sắc.

Trong lịch sử khoa bảng, người xưa còn ghi nhận một nhân vật có tên là Trần Văn Trứ đỗ Hoàng giáp thời vua Lê Hiển Tông. Một số tài liệu chép rằng, ông vốn rất ham học nhưng cũng là người ham chơi. Bởi vậy mà vợ ông cũng không đành lòng để chồng một mình, bà liên tục phải bỏ dở công việc để đốc thúc ông học bài.

Có người vợ đảm đang, hết lòng vì chồng nhưng ông Trứ ngày càng ham chơi, bỏ bê việc học hành. Sau nhiều lần nói mà không được, khuyên mà không nghe nên người vợ đã bố cáo với nhà chồng để rời bỏ về nhà bố mẹ đẻ.

Trước sự kiên quyết của vợ, ông Trứ buộc phải bỏ hết các thú mà chăm lo việc đèn sách. Như lời bà nói, chỉ mong chồng tu dưỡng dùi mài kinh sử và chỉ khi nào thi đỗ thì bà mới trở về.

Kỳ thi Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 4 (1743), Trần Văn Trứ thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh (Hoàng giáp). Đời vua Lê Hiển Tông, Trần Văn Trứ làm quan đến Thiêm đô Ngự sử kiêm Quốc Tử Giám, người đương thời quen gọi ông là Tiến sĩ Từ Ô.

Giữ chức Tế tửu, Hoàng giáp Trần Văn Trứ chuyên tâm vào việc dạy học, ông luôn có cách khuyến khích học trò. Ví dụ như khi làm văn, học trò nào làm hay, ông khen: “Cha mẹ anh ăn thức gì mà sinh được anh như vậy, tiếc rằng con gái ta đã gả chồng hết cả”. Ngược lại, học trò nào làm bài tồi thì ông mắng thậm tệ: “Cha mẹ ăn phải thứ gì mà đẻ ra ngươi như vậy, tiếc rằng vợ ngươi vô duyên nên lấy phải”.

Giai thoại dân gian cũng để lại “kế khích tướng” của bà vợ Tiến sĩ Đồng Đắc. Theo sử liệu, Đồng Đắc là em của Đồng Hãng. Đồng Hãng được mệnh danh là thần đồng, trong khi Đồng Đắc thì tài học lẫn tài ứng đối đều có phần kém hơn. Khi anh trai đã đỗ Tiến sĩ thì Đồng Đắc vẫn không có tiến triển, chỉ đỗ đến Tú tài.

Trong sách “Tục biên Công dư tiệp ký” có chép: Mỗi lần gia đình họ Đồng có dịp hội họp, vợ Đồng Đắc thường ngồi cùng vợ Đồng Hãng. Ông bố thấy thế liền nói với vợ Đắc rằng: “Chồng nó là Tiến sĩ, chồng mày là Tú tài, sao dám ngồi cùng chiếu? Từ nay không được như thế nữa”.

Vợ Đắc cả thẹn sau đó uất ức nói với chồng rằng: “Chàng chẳng chịu học để đỗ Tiến sĩ, thiếp không làm vợ chàng nữa”. Từ đó, Đồng Đắc chăm chỉ đèn sách, đến khoa Mậu Thìn (1568) nhà Mạc mở khoa thi, ông thi đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Hộ bộ Đô cấp sự trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại