Cha giữ chức Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám

Trần Siêu |

Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh không chỉ là hai cha con mà còn là hai bậc danh nho nổi tiếng đương thời.

Một trong những trường hợp hiếm trong lịch sử được ghi nhận - người cha Nguyễn Phùng Thời giữ chức Tế tửu, người con Nguyễn Bá Quýnh làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Theo thống kê của nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân, dựa theo các tài liệu Đăng khoa lục, trong tổng số 2.263 Tiến sĩ đỗ trong triều Lê sơ, Lê Trung thì có tới 142 người xứ Nghệ. Trong đó có nhiều trường hợp lạ, như cha con cùng đỗ một khoa, con đỗ cao hơn cha, hay cha con cùng giữ vị trí quan trọng trong Quốc Tử Giám.

Cha làm Tế tửu

Trong tài liệu “Thanh Chương huyện chí” và nội dung các đạo sắc phong đang được lưu giữ tại đền Hai Đầu (Nghệ An) cho biết, Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh không chỉ là hai cha con mà còn là hai bậc danh nho nổi tiếng đương thời.

Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời (1684 - 1754) là con trai thứ 3 của ông Nguyễn Bình Nghĩa thuộc xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường xưa (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương).

Sinh ra trong một gia đình nghèo vừa đi học vừa phải đi cày, nhưng Nguyễn Phùng Thời nổi tiếng thần đồng, từ nhỏ đã có danh tiếng về văn chương chữ nghĩa. Năm Tân Mão (1711) Nguyễn Phùng Thời thi đậu Hương Cống. Bốn năm sau tại khoa thi Hội năm Ất Mùi (1715) đời vua Lê Dụ Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Sau khi đỗ đạt, ông được vua Dụ Tông bổ làm Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn. Xuất thân từ vùng quê nghèo nên ông hiểu sâu sắc nỗi thống khổ của người nông dân. Ông ra sức tu bổ đê điều đề phòng đến lúc thiên tai lũ lụt. Ông cũng nổi tiếng là vị thanh quan, xét án công minh, không tơ hào đến cái kim sợi chỉ.

Năm Bảo Thái thứ nhất (1720), Nguyễn Phùng Thời được nhà Lê bổ làm Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương. Hải Dương lúc này đang rất phức tạp nhưng ông đã cố gắng ổn định tình hình, tổ chức chiêu dân khai hoang lập ấp, mở rộng và cải tạo đất đai biến nhiều vùng đất hoang hóa thành vùng trù phú.

Năm 1924, ông được triệu về kinh thăng chức Hàn lâm viện thị chế. Bốn năm sau lại được giao chức Hiến sát sứ xứ Kinh Bắc. Tại đây, Nguyễn Phùng Thời đã tỏ rõ là một nhà khoa bảng tài đức. Năm 1734, ông được thăng Tham chính xứ Hải Dương; Thị lang, Hàn lâm viện thị độc.

Ngày 3 tháng 10 năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) vua Lê Ý Tông bổ nhiệm ông làm Triều liệt đại phu - Tế tửu Quốc Tử Giám. Trên cương vị người đứng đầu Quốc Tử Giám, Nguyễn Phùng Thời đã cùng các học quan không ngừng rèn cặp đào tạo các nhân tài làm rường cột đất nước.

Sau hơn 3 năm làm việc tại Quốc Tử Giám, năm 1739 ông được thăng Triều liệt đại phu Đông các Đại học sĩ. Năm 1740 lại giữ chức Đông các Đại học kiêm đô Ngự sử. Sau lại được phong Tả thị lang bộ Hình, tước Lâm Xuyên Hầu.

9 năm sau ông giữ chức Hữu thị lang bộ Hình hành tả thị lang bộ Lễ, được cử làm Giám thí khoa thi Hội. Sau khi hoàn thành công việc trường thi, ông được ban tặng Công bộ Thượng thư.

Khi về già, ông trí sĩ tại quê nhà mở trường dạy học, học trò trong vùng theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt cao. “Nghệ An nhân vật chí” chép rằng: “Nguyễn Phùng Thời ở tổng Xuân Lâm là một trong những bậc mô phạm dạy học trò đỗ đạt rất nhiều, con trai ông là Nguyên Bá Quýnh cũng đỗ Tiến sĩ, cha con đồng triều một đời vinh hiển”.

Cha giữ chức Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Ảnh 2.

Cha làm Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám là trường hợp hiếm trong lịch sử. Ảnh minh họa: IT

Con làm Tư nghiệp

Nguyễn Bá Quýnh (1710 - 1772) được thừa hưởng nếp nho học từ người cha Nguyễn Phùng Thời. Cũng giống như người cha, Bá Quỳnh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, được dân trong vùng tôn là thần đồng.

Năm 19 tuổi, Quýnh thi đỗ Hương Cống (1729), bốn năm sau đó khoa thi Hội năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Hiện nay, tại bia Tiên sĩ số 66 tại Văn miếu Quốc Tử Giám có đề tên ông “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân... Nguyễn Bá Quýnh: Xã Hoa Lâm, huyện Nam Đường, nho sinh trúng thức”. Các tài liệu cũng khẳng định, khoa thi này, xứ Nghệ chỉ có mình Bá Quýnh đỗ đại khoa.

Ông trở thành vị quan đồng triều với cha mình, sau được thăng đến chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám kiêm Đông các đại học sĩ. Các nguồn sử liệu đánh giá rằng, Nguyễn Bá Quýnh tính tình thẳng thắn, khẳng khái nên không được lòng chúa Trịnh. Một thời gian sau ông được chuyển về làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An.

Thời gian làm Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh đã xử một vụ kiện gây rúng động lúc bấy giờ. Người bị xử thua là một gia đình nhà giàu, có quan hệ mật thiết với nhiều đại thần trong triều. Người này ỷ thế chiếm nhiều đất đai của dân đen. Ông giữ liêm chính, công tâm không lợi dụng chức vụ và đã xử cho dân thắng kiện.

Trong những ngày làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và Giám sát ngự sử Nghệ An, Nguyễn Bá Quýnh nhận ra tình cảnh quan lại thời Lê - Trịnh thối nát nên quyết định từ quan về quê và mở trường dạy học. Trường học của ông mang tên là Mai Sơn giảng học đường. Trong khoảng thời gian ông truyền bá học vấn, đạo đức, nhân nghĩa cho các học trò.

Năm Nhâm Thìn (1772) Nguyễn Bá Quýnh qua đời. Vua Lê đã có sắc phong truy tặng cho ông tước Mai Lĩnh Hầu, phong làm phúc thần, được thờ chung một ngôi đền với cha là Nguyễn Phùng Thời.

Hiện nay, hai cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời không chỉ được thờ trong nhà thờ họ Nguyễn Phùng mà còn được tôn thánh trong ngôi đền nổi tiếng là Hai Hầu. Ngôi đền được đặt tên như vậy vì cả hai cha con đều được ban tước Hầu.

Một nhà khoa giáp

Cha giữ chức Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Ảnh 4.

Đền Hai Hầu - nơi thờ cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời được công nhận di tích quốc gia năm 2014.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Văn miếu Quốc Tử Giám, từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Lê Dụ Tông yêu cầu Tế tửu cùng tham gia giảng dạy cho học trò để khuyến khích sĩ tử, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chức năng của Quốc Tử Giám là nơi đào tạo quan lại cho nhà nước, vì thế Tế tửu với vai trò là người đứng đầu Quốc Tử Giám ngoài việc tổ chức dạy và học, còn phải tổ chức khảo hạch (kiểm tra) sự chuyên cần, tiến bộ của Giám sinh, chấm bài và báo sang bộ Lại để làm căn cứ bổ tuyển nhân tài.

Quốc Tử Giám dưới thời Lê còn là cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo của nhà nước, nên khi triều đình có chủ trương thay đổi quy chế thì quan Tể tửu phải thực hiện thay đổi chương trình dạy và học. Đồng thời hướng dẫn cho các trường học trong cả nước, cho các học quan ở các địa phương tuân theo.

Chức vụ Tư nghiệp thời Trần là chức học quan đứng đầu Quốc Tử Giám, sang thời Lê sơ là chức quan thứ 2 sau Tế tửu. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.

Để đảm nhiệm được trọng trách trên, ngay từ đầu, khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Đợt tuyển chọn Tư nghiệp đầu tiên của nhà nước dưới thời Trần, Tư nghiệp đã là người phải có tài, có đức và thông hiểu kinh sách.

Thời Lê sơ, Tế tửu và Tư nghiệp đều là những bậc đại khoa, nổi tiếng về tài năng và đức độ. Sau này, từ thời Lê Trung hưng, đặc biệt là từ năm Quý Dậu, niên hiệu Chính Hòa 14 (1693) đời Lê Hy Tông, triều đình quy định, những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm.

Thời kỳ này, do yêu cầu về canh tân giáo dục, phục hưng đất nước, nên việc tuyển chọn học quan của Quốc Tử Giám rất được chú trọng. Các vị quan đại thần có uy tín, học vấn uyên bác được triều đình tin tưởng, bổ nhiệm giữ trọng trách Tế tửu, Tư nghiệp.

Đội ngũ học quan này đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nên hàng loạt danh nho, danh thần cho đất nước như: Vũ Miên, Nguyễn Công Thái, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Ngô Thời Sĩ, Bùi Huy Bích, Phan Huy Ích…

Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa.

Cha giữ chức Tế tửu, con làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Ảnh 5.

Lễ hội tưởng nhớ cha con Tế tửu Nguyễn Phùng Thời được tổ chức vào tháng 3 hàng năm.

Trong cung thờ gian trong đền Hai Hầu đặt long ngai bài vị của hai cha con Tiến sĩ Nguyễn Phùng Thời và Nguyễn Bá Quýnh. Vị hiệu của Nguyễn Phùng Thời có ghi “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hình bộ Tả thị lang, Hành lễ bộ Tả thị lang, Thiên sai bồi tụng Lâm Xuyên Hầu trí sĩ Nguyễn tướng công, gia hàm Công bộ Thượng thư, Tứ thụy đoan nghĩ, Trụ quốc thượng giai, lịch triều sắc phong dực bảo Trung hưng thượng đẳng bản cảnh thành hoàng tôn thần”.

Vị hiệu của Nguyễn Bá Quýnh ghi: “Lê triều Ất vị khoa Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân Triều liệt Đại phu thiếu tuấn Quốc Tử Giám tư nghiệp tặng. Phong kiêm Đông các Đại học sĩ thụy tuấn dinh tiên sinh, gia phong Trịnh thục thần túy đại vương lịch triều sắc phong dực bảo trung hưng Mai Lĩnh tôn thần”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại