Mỗi năm cứ gần đến dịp Valentine là 250 triệu bông hồng sẽ bị cắt xuống, để lộ ngần ấy những gốc cây rỉ nhựa ở lại Kenya, Ecuador và Colombia… Chúng thâm lại trong lúc mà những bông hoa được cắt tỉa, phân loại và làm lạnh.
Rồi những bông hồng được đóng thùng, chúng đáp máy bay đi khắp thế giới. Mỗi một trong số 250 triệu bông hồng thực hiện sứ mệnh một lần duy nhất trong đời - chứng kiến tình yêu của một cặp đôi trong ngày Lễ Tình nhân.
Bằng một nụ cười mãn nguyện, cô gái mang đóa hoa được tặng về nhà, đặt chúng cạnh bàn trang điểm. Những bông hồng tận hưởng một tuần cuối cùng của chúng, được nâng niu và nhìn ngắm trước khi héo rũ và phân hủy.
Đối với con người, hoa hồng là biểu tượng của tình yêu. Nhưng biểu tượng tình yêu - đối với hoa hồng - giống như một lời nguyền. Tất cả bắt đầu bằng một thần thoại của người Hy Lạp, chuyện kể về vị thần tình yêu Aphrodite đã nhuộm đỏ những cánh hoa hồng trắng bằng máu của mình, những giọt máu nhỏ xuống trong lúc Aphrodite đi tìm người tình mất tích?
Không, số phận của những cánh hồng đã được quyết định từ trước đó, tại thời điểm mà tình yêu được phát minh. Nếu tình yêu không được con người tưởng tượng ra và linh thiêng hóa, hoa hồng sẽ chỉ là biểu tượng cho những vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Vậy tình yêu đã được nền văn hóa của con người tạo ra như thế nào? Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu những sự thật trần trụi nhất của tình yêu, những điều mà trong ngày Lễ tình nhân hiếm có ai dám nhắc tới:
1. Trong phần lớn lịch sử nhân loại, con người không cần yêu
Năm 1775 Trước Công Nguyên, tại thành trì Mari của nhà nước cổ đại Semitic (Syria ngày nay), một hôn lễ đang được cử hành giữa Zimri-Lim, vị vua thống lĩnh của họ và Shibtu, công chúa của vương quốc láng giềng Yamhad.
Giống như nhiều cuộc hôn nhân giữa những người có quyền lực trong thế giới cổ đại, việc Zimri-Lim lấy Shibtu không xuất phát từ tình yêu. Nó chỉ đơn thuần là giao dịch chính trị.
Mari chiếm một vị trí quan trọng trong các tuyến đường thương mại giữa Syria và Lưỡng Hà: Việc kết hôn với Shibtu không những cho phép Zimri-Lim nối dài quyền kiểm soát tuyến đường ấy, mà còn giúp củng cố mối tình giao hảo giữa Mari và vương quốc Yamhad.
Quan niệm về hôn nhân của Zimri-Lim tiếp tục được ông duy trì sang thế hệ con cái. Vua của Mari đã gả ít nhất 8 người con gái cho những thủ lĩnh vùng Cận Đông cổ đại để đổi lấy sự ủng hộ của họ, những vị phò mã mới.
Giống như nhiều cuộc hôn nhân giữa những người có quyền lực trong thế giới cổ đại, việc Zimri-Lim lấy Shibtu không xuất phát từ tình yêu. Nó chỉ đơn thuần là giao dịch chính trị - Ảnh: Internet.
Đó là cách mà hôn nhân vận hành trong suốt hàng ngàn năm. Bạn có thể tìm thấy những câu chuyện tương tự ở bất cứ đâu:
Năm 1306, Vua Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa bấy giờ là Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân đã dâng cho Đại Việt Châu Ô và Châu Rí, những vùng đất thuộc tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế bây giờ.
Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhờ gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II mà đã mượn được vùng đất Prey Nokor (chính là khu vực TP Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1631, ông tiếp tục gả Công nữ Ngọc Khoa cho vua Po Rome để củng cố liên minh với người Chăm.
Ngoài mục đích sinh con đẻ cái, các cuộc hôn nhân được sắp đặt vì mục đích chính trị hoặc kinh tế thuần túy. Trong khi tầng lớp hoàng gia và quý tộc sử dụng hôn nhân như một công cụ để củng cố quyền lực và sức mạnh tài chính, tầng lớp bình dân cũng có mục đích chính trị và kinh tế cho riêng mình.
Đối với họ, lợi ích của hôn nhân là việc gắn kết giữa hai gia đình. Để trong đợt hạn hán hoặc trận lũ tiếp theo, gia đình nào còn giữ được nông trại và đồng ruộng có thể chia sẻ một phần lương thực cho gia đình còn lại. Hoặc khi một gia đình bị người của gia đình khác tấn công, họ sẽ có được sự trợ giúp từ phía gia đình còn lại.
Về bản chất, lợi ích của hôn nhân bình dân cũng chẳng khác nào các cuộc hôn phối hoàng gia. Thậm chí chính từ những cuộc hôn nhân ở quy mô thấp này mà hoàng tộc mới ra đời.
Kết hôn là công thức để sinh con đẻ cái, tạo ra một gia đình lớn, nuôi dưỡng một dòng họ chiếm ưu thế. Để từ đó, dòng họ này mới nắm quyền kiểm soát các dòng họ khác và tạo ra các bộ lạc cổ đại và nhà nước phong kiến.
Ở dạng nguyên bản và trong mọi nền văn hóa và tầng lớp, hôn nhân đều là sự toan tính, sắp đặt chủ quan - Ảnh: Internet.
Không có gì phải nghi ngờ, hôn nhân là một phát minh của loài người. Ở dạng nguyên bản và trong mọi nền văn hóa, hôn nhân đều là sự toan tính, sắp đặt chủ quan. Những người phát minh ra hôn nhân không quan tâm đến thứ mà chúng ta gọi là tình yêu bây giờ. Đó là bởi tình yêu còn được phát minh sau cả hôn nhân.
Nghe có vẻ lạ lẫm và phản trực giác, nhưng các nhà xã hội học đã khẳng định điều đó. Tình yêu là một phát minh của văn hóa và con người mới chỉ biết đến sự lãng mạn trong khoảng vài trăm năm trở lại đây.
2. Tình yêu từng bị coi là cảm xúc đáng ghê tởm và bệnh tật
Đến đây, chúng ta cần phân biệt tình yêu lãng mạn với bản năng kết cặp. Bản năng kết cặp là việc một con đực sẵn sàng ở lại bên con cái sau khi chúng quan hệ tình dục và đẻ con. Nó được thúc đẩy bởi các lực tiến hóa, dựa trên thực tế rằng một cá thể nhận được sự chăm sóc từ cả bố lẫn mẹ sẽ có cơ hội sống sót cao hơn.
Bản năng kết cặp tồn tại ở một số loài động vật, nhưng nó chỉ xuất hiện trên con người trong khoảng 6-7 triệu năm trở lại đây, sau khi tổ tiên chúng ta tách khỏi tinh tinh.
Trước đó, các loài vượn lớn là họ hàng gần nhất của loài người không hề có bản năng kết cặp. Những con đực chỉ đơn thuần là quan hệ tình dục một cách cơ hội, chúng bỏ bạn tình này để đến với bạn tình khác mà không quan tâm đến việc giúp đỡ chăm sóc con cái.
Sau khi con người phát triển bản năng kết cặp, nó đã giúp giống loài của chúng ta bứt lên trong cuộc đua tiến hóa. Những đứa trẻ được chăm sóc tốt hơn đồng nghĩa với tỷ lệ sống sót cao hơn. Kết cặp tạo ra sự gắn bó, hợp tác và lòng trung thành. Đó chính là nguồn gốc nguyên thủy của hôn nhân và gia đình.
Kết cặp tạo ra sự gắn bó, hợp tác và lòng trung thành. Đó chính là nguồn gốc nguyên thủy của hôn nhân và gia đình - Ảnh: Internet.
Thế còn nguồn gốc nguyên thủy của tình yêu? Trớ trêu thay, đó có thể là cái được gọi là "quan hệ tình dục cơ hội" của tinh tinh và các loài động vật khác. Người Hy Lạp cổ đại có một từ mô tả nó: "Eros", bây giờ thường được dịch là "tình yêu" nhưng mang đậm tính dục.
Eros được hiểu là những cảm xúc hấp dẫn mãnh liệt với người khác giới nhưng không kéo dài lâu. Trong thời cổ đại, không ai mong đợi Eros sẽ gắn kết hai người lại với nhau để đi đến hôn nhân. Một lần nữa, hôn nhân là do sắp xếp và các cặp vợ chồng chung sống dựa trên sự cam kết và tôn trọng.
Việc một người đàn ông cảm thấy Eros với vợ mình là một sai lầm khó có thể chấp nhận. Đến nỗi, Lucius Annaeus Seneca, một triết gia La Mã cổ đại từng nói: "Ngủ với vợ theo cách ngủ với một người tình cũng ghê tởm như tội gian dâm".
Đến tận thời trung cổ, các cặp vợ chồng nông dân ở Châu Âu vẫn không bao giờ hôn hay vuốt ve nhau. Cảm thấy sự thôi thúc hay hấp dẫn mãnh liệt đối với người bạn đời của mình là một điều khó hiểu ở thời đại đó.
Eros thậm chí đã có thời kỳ bị coi là bệnh tật, một loại bệnh giống như thủy đậu mà bất cứ chàng trai cô gái trẻ tuổi nào cũng phải mắc một lần trong đời. Trong khi mắc căn bệnh đó, họ sẽ bị cảm xúc chi phối, có xu hướng làm những điều mù quáng, ngớ ngẩn, gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân, người khác và bất chấp đạo đức xã hội.
Một thủ tục cắt máu để chữa "bệnh yêu" trong thời trung cổ - Ảnh: Internet.
Thứ mà họ muốn đạt được, dĩ nhiên là tình dục nhất thời chứ không phải hôn nhân. Do đó, Eros được cho là sẽ làm tổn hại đến lợi ích kinh tế gia đình, dòng họ hoặc thậm chí quốc gia.
Khi một số xã hội cổ đại cảm thấy Eros của một chàng trai mạnh đến nỗi đe dọa những lợi ích của xã hội đó, họ đơn giản là đã thiến anh ấy. Ở Phương Đông, đó là nguồn gốc ra đời của những hoạn quan. Ở Phương Tây, nó tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những dàn đồng ca nam có giọng Castrato.
3. Cách mà tình yêu được phát minh và linh thiêng hóa
Mãi đến khoảng thế kỷ 11 và 12, tình yêu mới nổi lên như một chủ đề được tôn vinh thay vì ghê tởm. Đó là lúc mà tình yêu lãng mạn được phát minh – đơn giản bằng cách loại bỏ khao khát tình dục ra khỏi Eros.
Tác giả của thứ được gọi là tình yêu lịch sự này (l'amour courtois) là những nhà thơ trữ tình Pháp – những người đi hát rong khắp các đường phố, ngõ hẻm và mua vui cho tầng lớp quý tộc.
Những nhà thơ hát rong có thể thoải mái mô tả tình yêu của họ với một nữ bá tước là một cảm giác đam mê, khắc khoải, nhớ nhung. Đúng như tên gọi, đó là một tình yêu lịch sự và thuần khiết đến nỗi bản thân những người yêu nhau không đòi hỏi hình thức đáp trả nào cả.
Họ đơn thuần là say mê đối phương, không cố gắng quan hệ tình dục hay mưu cầu lợi ích, tiền bạc, quyền lực thông qua hôn nhân.
Tác giả của thứ được gọi là tình yêu lịch sự (l'amour courtois) này là những nhà thơ trữ tình Pháp – những người đi hát rong khắp các đường phố, ngõ hẻm và mua vui cho tầng lớp quý tộc - Ảnh: Internet.
Thật trớ trêu thay, bằng cách sinh ra từ sự tẩy trắng Eros, tình yêu đã nhảy từ vũng bùn bị ghê tởm lên hẳn những tầng mây thiêng liêng, cao quý. Nếu như hôn nhân trước đây từ chối tình yêu - thì bây giờ, chính tình yêu lại từ chối hôn nhân.
Hai khái niệm này vẫn tiếp tục tồn tại song song và không thể hóa thân vào nhau. Phải đợi đến thế kỷ 18 và 19, câu chuyện mới tiếp tục có sự chuyển biến và thay đổi. Đó là một giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là thời đại của chủ nghĩa lãng mạn.
Mọi thứ bắt đầu khi chế độ phong kiến bắt đầu lung lay và sụp đổ. Cách mạng công nghiệp đem đến cơ hội lao động cho mọi người, cùng với đó là khả năng độc lập về tài chính để nuôi sống bản thân.
Điều này khai phóng con người ra khỏi sự ràng buộc vào đất đai, tài sản thừa kế, các lợi ích kinh tế và chính trị mà họ có thể nhận được từ hôn nhân. Quan điểm cũ về hôn nhân vị lợi bắt đầu sụp đổ trên khắp thế giới.
Khi hôn nhân không còn mang tính sắp đặt và ràng buộc, tình yêu bắt đầu trở thành kim chỉ nam cho những cặp đôi tìm đến với nhau. Hai khái niệm này bắt đầu bén rễ và các phẩm chất của chúng được pha trộn vào nhau.
Tình yêu trước nay được coi là cảm xúc nhất thời, bồng bột, không kéo dài - bây giờ đã vay mượn được tính cam kết từ hôn nhân. Chỉ bằng cách đó, tình yêu mới có thể trở thành vĩnh cửu.
Trong khi đó, hôn nhân vốn nhàm chán và dựa trên lễ nghĩa thì nay trở thành một đích đến lãng mạn và tuyệt vời. Viễn cảnh "kể từ đó họ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau" cũng mới chỉ ra đời trong thời kỳ này.
Việc sáng tạo ra những vị thần tình yêu này là cách mà con người nuôi cấy một ảo tưởng rằng tình yêu đã được sinh ra cùng trời đất. Trong khi, thực tế tình yêu là một phát minh khá mới, nó mới chỉ xuất hiện trong nền văn hóa cách đây vài trăm năm - Ảnh: Internet.
Chộp lấy thứ tình yêu lãng mạn mới được phát minh, các nhà tư bản trở thành đối tượng tiếp theo thúc đẩy sự phổ biến của nó. Họ đã xây dựng lên cả một nền kinh tế xoay quanh tình yêu.
Trong suốt thế kỷ 20, họ quảng bá nó, nhồi nhét nó trở lại các câu chuyện cổ tích, viết lại các truyền thuyết, gán thêm ý nghĩa mới cho các vị thần. Đến nỗi, Nguyệt Lão, vị thần hôn nhân Trung Quốc bây giờ cũng trở thành thần tình yêu.
Việc sáng tạo ra những vị thần tình yêu này là cách mà con người nuôi cấy ảo tưởng rằng tình yêu đã tồn tại một cách bất diệt với trời đất. Người Trung Quốc bây giờ tôn vinh sợi dây tơ hồng mà bỏ qua thực tế rằng Nguyệt Lão là người sắp xếp sẵn các cuộc hôn nhân tiền định chứ không phải tình yêu đích thực.
Tất cả chỉ vì chúng ta bây giờ đều thích sự lãng mạn. Cả một nền kinh tế đã được xây dựng xung quanh khái niệm tình yêu lãng mạn. Như Don Draper đã từng nói trong Mad Men: "Cái mà bạn gọi là tình yêu được phát minh bởi những kẻ như tôi để bán dây ni lông".
Vì bản chất bán hàng là thuyết phục bằng cảm xúc, mà tình yêu lại là thứ cảm xúc hết sức mãnh liệt, không ai muốn bỏ qua nó. Các nhà hàng, hãng phim, chương trình biểu diễn, cửa hàng trang sức, tiệm hoa, sô cô la và nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác sẽ kiếm bội tiền nếu họ khai thác chủ đề tình yêu.
Một ví dụ kinh điển nhất được thực hiện vào năm 1930, khi các tập đoàn kim cương ở Hoa Kỳ đã thuyết phục được cả thế giới rằng sản phẩm của họ đại diện cho tình yêu vĩnh cửu. Và thế là mọi người sẵn sàng bỏ một khoản tiền đắt đến vô lý để mua về một viên đá óng ánh.
Frances Gerety, người phụ nữ đã viết ra slogan: "A Diamond Is Forever" và biến kim cương trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu - Ảnh: Internet.
Hơn nữa, xã hội ngày nay còn đề cao sự hấp dẫn về ngoại hình như một phương tiện chính để tìm kiếm tình yêu lãng mạn. Các công ty vì thế có thể thu về hàng tỷ đô la mỗi năm từ việc bán mỹ phẩm, nước hoa, sản phẩm chăm sóc da và tóc, quần áo, trang sức, các sản phẩm giảm cân và săn chắc cơ thể, phẫu thuật thẩm mỹ...
Phim ảnh, tạp chí, sách, trò chơi máy tính và các phương tiện truyền thông khác nói về tình yêu lãng mạn cũng bán chạy hơn. Ngay cả bài viết này cũng sẽ có nhiều lượt xem hơn các bài viết khác bởi nó đang nói về chủ đề tình yêu.
Đó là cách mà tình yêu được phát minh và truyền bá, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Và nó cũng quyết định cuộc đời điển hình của một bông hồng: Khi đang tươi tắn ở Ecuador thì bị cắt xuống, đóng gói, đem qua nửa vòng Trái Đất để rồi chết và phân hủy trong một sọt rác nào đó ở Pháp hoặc Áo.
Tham khảo Theconversation, Markmanson, Theschooloflife, Psychologytoday, Independent