Các loài cá biển nào sống ở vùng ngoài 20 hải lý ở miền Trung?

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khi cá chết không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn.

Trong công văn mới đây, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chế biến, sử dụng hải sản chết dạt bờ, hải sản đánh bắt thuộc vùng biển 20 hải lý của 4 tỉnh miền Trung làm thức ăn cho con người và chăn nuôi..

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và thông tin Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc các cơ quan chức năng đã khoanh vùng đánh bắt 20 hải lý là chính xác và việc này để đảm bảo độ an toàn lớn hơn.

Theo ông Lựu, khi cá chết thì không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, chúng ta phát hiện con cuối cùng chết ở 15 hải lý thì các cơ quan chức năng đã khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn cho việc đánh bắt cũng như sử dụng các loại hải sản sau này.

"20 hải lý quy đổi ra là bằng hơn 30km, ở biển miền Trung thì khu vực này có độ sâu rất lớn, thậm chí lên tới cả vài trăm mét, do đó, ngoài 20 hải lý thì chắc chắn là vùng đảm bảo an toàn, không có vấn đề gì cả", ông Lựu nói.

Cá biển sống xa bờ đảm bảo an toàn - Ảnh: Đình Thức

Ảnh: Đình Thức

Cũng theo ông Lựu, ở ngoài phạm vi 20 hải lý ở biển miền Trung thì các loại cá biển ăn nổi, cá biển rạn san hô như cá mú, cá song hay cá nục, mực, ghẹ... vẫn có giống như trong phạm vi 20 hải lý.

Tuy nhiên, đây là vùng biển xa, nước sâu và hiện tại, chưa có bất cứ phát hiện nào về hiện tượng cá biển chết ở vùng biển này nên hoàn toàn an toàn.

Ngoài ra, ở phạm vi trên 20 hải lý còn có nhiều loại cá, hải sản khác có giá trị lớn sinh sống như các loại cá dưa gang, cá ồ, cá thu, cá hồng, cá ngừ đại dương, cá đuối, cá hành, cá lạt...

"Các loại cá sống ở ngoài 20 hải lý phổ biến như cá nục, cá dưa gang, cá ồ... thường được đánh bắt theo đàn với số lượng lớn.

Đối với các loại cá ngoài khơi này, số lượng một đàn có thể lên tới vài tấn. Đặc biệt, cá ngừ không thể sống ở phạm vi cách bờ trong vòng 50 hải lý.

Trong khi đó, đối với các loại cá gần bờ, trong vòng 20 hải lý thì nếu được đem ra chợ bán, không thể có tới hàng tạ giống nhau, mà thường có nhiều loại lẫn lộn, độ to nhỏ cũng khác nhau", ông Lựu thông tin.

Một chuyên gia trong lĩnh vực hải sản cũng cho hay, không khó để phân biệt giữa hải sản gần bờ, xa bờ, hải sản an toàn theo như nội dung khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Theo ông này, hiện nay, mỗi tàu đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý) đều được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cấp một loại giấy phép.

Khi tàu về bến, xuất bán hải sản cũng trình kèm theo giấy phép đó. Đây cũng được xem như loại giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, hiện nay, ở các bến tàu, cảng cá đều có các cán bộ của Chi cục thủy sản ở các địa phương giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loài.

Chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải đưa cho cán bộ giám sát các giấy tờ gồm: sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu; nhật ký khai thác, nhật ký thu mua vận chuyển.

Sau đó, cán bộ giám sát sẽ cấp giấy xác nhận an toàn thực phẩm chia làm hai bản, một gửi cho chủ tàu và một lưu ở Chi cục thủy sản. Bên cạnh đó, còn thường xuyên lấy các mẫu giám sát hải sản.

"Với hiện tượng cá chết hàng loạt thời gian qua, khi mua bán hải sản mà có các giấy chứng nhận này thì bà con nên yên tâm vì đây là hải sản xa bờ, an toàn để sử dụng", vị này nêu rõ.

Trao đổi với báo chí tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, khi đề cập đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung xảy ra trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng lại khoanh vùng rộng tới 20 hải lý.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế và còn ảnh hưởng tới người làm hậu cần nghề cá, hoạt động du lịch...

"Tại sao khi cá chết như vậy lại khoanh vùng rộng hơn mà không khoanh vùng hẹp hơn? Khoanh vùng rộng để bảo đảm an toàn lớn hơn.

Khi cá chết không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn", Bộ trưởng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại