Các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tác động gì tới NATO?

Huyền Chi |

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 12 theo Đạo luật chống đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì hành vi mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, cho thấy sự khác biệt ngày càng tăng về tư duy chiến lược giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hệ thống phòng không S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ mua đã khiến Mỹ không bằng lòng.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ mua đã khiến Mỹ không bằng lòng.

Nguy cơ chia rẽ

Các lệnh trừng phạt nhắm vào Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB) - cơ quan chuyên mua sắm quân sự của nước này cùng người đứng đầu là Giám đốc Ismail Demir và 3 quan chức cấp cao khác.

Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng khi Washington thẳng tay gạt bỏ Ankara khỏi “Chương trình máy bay chiến đấu F-35” hồi tháng 7-2019 để thể hiện sự bất bình trước việc Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng rằng họ mua thiết bị phòng không của Nga chứ không phải của Mỹ.

“Rạn nứt trong quan hệ ngoại giao hiện có nguy cơ trở thành sự đối đầu do nhu cầu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khác với nhu cầu của Mỹ. Với tiềm năng ngày càng cứng rắn giữa Washington và Ankara, nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO là rất lớn”, hãng AP nhận định.

Trên thực tế, bức tranh chiến lược đối với tất cả các thành viên NATO đã thay đổi đáng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Được thiết kế để kiềm chế Liên Xô khi đó, NATO đã không ngừng tìm cách đổi mới tổ chức cũng như sứ mệnh của mình nhưng nguyên tắc sáng lập của nó thì không thay đổi. Mặc dù có rất ít nguy cơ NATO tan rã nhưng chắc chắn liên minh này sẽ bị giáng một đòn nặng nề nếu Thổ Nhĩ Kỳ rời đi.

Việc tách khỏi NATO đã có tiền lệ. Pháp từng rút khỏi cơ cấu chỉ huy của liên minh vào năm 1967 và chỉ tái gia nhập vào năm 2009. Đấy là chuyện của Pháp, còn với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đóng góp quân nhân lớn nhất của NATO sau Mỹ, thì hoàn toàn khác.

Khi mối đe dọa về tầm ảnh hưởng rộng lớn của Nga đối với phương Tây giảm dần, ngoài NATO, Ankara ngày càng hướng đến những nhu cầu và mối quan tâm chiến lược của riêng mình. Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng và nhấn mạnh rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ loại khu tự trị nào của người Kurd trước ngưỡng cửa của mình.

Ankara coi việc Mỹ ủng hộ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, một trong số ít các tổ chức vũ trang nước ngoài được Mỹ coi là có hiệu quả trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một nguy cơ và khiến mối quan hệ đồng minh chuyển biến theo chiều hướng xấu đi.

SDF chủ yếu gồm các chiến binh của Đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là nhóm “khủng bố” có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm ngoài vòng pháp luật.

“Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Họ muốn tiếp tục là một đối tác quan trọng trong liên minh quân sự thành công nhất lịch sử, hay thích mạo hiểm an ninh của mối quan hệ đối tác đó bằng cách đưa ra những quyết định liều lĩnh làm suy yếu liên minh của chúng ta?”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái trong một cuộc họp của NATO. Nhận xét thẳng thừng này khiến Ankara tức giận.

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay đã phản pháo lại bằng dòng tweet: “Mỹ phải lựa chọn. Liệu họ muốn tiếp tục là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ hay mạo hiểm tình bạn của chúng ta bằng cách hợp lực với những kẻ khủng bố để làm suy yếu khả năng phòng thủ của đồng minh NATO chống lại kẻ thù?”.

Và chính trong bầu không khí ngày càng tồi tệ ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được và sau đó đã thử nghiệm hệ thống S-400 do Nga sản xuất.

Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, mặc dù đã được chứng minh khả năng chiến đấu nhưng kém hơn rõ rệt so với S-400 của Nga - một hệ thống có thể theo dõi mục tiêu nhiều gấp 3 lần Patriot và bắn hạ chúng ở khoảng cách gấp 5 lần.

Điều này có nghĩa là nó vừa có thể phòng thủ nhưng cũng thực thi vùng cấm bay đối với máy bay đối phương và ở một mức độ hạn chế thì là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Lần này, cũng chính Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuart Oktay kêu gọi Mỹ đạt được tình bạn thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt: “Như mọi khi, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía lẽ phải, phù hợp với lợi ích của quốc gia. Chúng tôi không sợ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ không nản lòng trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào”.

Các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tác động gì tới NATO? - Ảnh 2.

Quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ ngày càng rạn nứt.

Ảnh hưởng của Nga

Hãng CNN phân tích, các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phần nào kìm hãm tổ hợp công nghiệp-quân sự đang phát triển nhanh chóng của nước này. Hợp tác giữa các công ty quốc phòng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất sẽ bị đình trệ.

Điều này có thể thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hình thành các sáng kiến hợp tác với các cường quốc quốc phòng công nghệ cao khác và ngày càng phụ thuộc ít hơn vào các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất cũng như đa dạng hóa đối tượng cung cấp vũ trang và tăng cường sản xuất vũ khí trong nước.

Ước tính, các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng tới 40% giá trị ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong ngắn hạn, các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng mạnh đến lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Thương vụ F-35 là một phần không thể thiếu của chiến lược hiện đại hóa không quân với các bộ phận của máy bay được chế tạo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện đã bị cấm tham gia chương trình, Ankakra đang tìm cách thiết kế máy bay phản lực tiên tiến của riêng mình nhưng còn lâu mới sản xuất được và bay thử nghiệm.

Trong khi đó, phi đội máy bay chiến đấu F-16 già cỗi - xương sống của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần các bộ phận thay thế nhưng họ lại không thể mua được.

Các máy bay cũ hơn, mặc dù được nâng cấp nhưng vẫn cần được bảo dưỡng nhiều hơn, điều này áp dụng cho phần lớn lực lượng không quân của Thổ Nhĩ Kỳ như máy bay tiếp dầu, máy bay vận tải và máy bay cảnh báo sớm (đều được mua từ Mỹ).

Bên cạnh đó, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thiếu hụt phi công được đào tạo do cuộc đàn áp sau cuộc đảo chính năm 2016 vì bị coi là đồng lõa một phần trong nỗ lực này và số lượng lớn nhân viên có kinh nghiệm bị sa thải. C

hưa hết, ngày càng hoạt động tích cực trên một số mặt trận, các máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia bảo vệ các tàu hải quân và tàu thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đối đầu gần đây với Hy Lạp...

Do đó, giờ đây, Ankara sẽ phải cân nhắc mua máy bay tiên tiến từ các nước khác. Với Pháp chắc là khó bởi hai quốc gia này ngày càng mâu thuẫn. Pháp đang giúp Hy Lạp - láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ và là đối thủ trong khu vực, tái trang bị cho mình các máy bay chiến đấu Rafale tiên tiến, trang bị tên lửa Meteor tầm xa và có khả năng hoạt động cao.

Nga, hiện đang có lợi, là quốc gia duy nhất trên thực tế có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết sự thiếu hụt này trong nhu cầu tương lai của lực lượng không quân ít nhất là cho đến khi các thiết kế riêng của Thổ Nhĩ Kỳ cho máy bay chiến đấu tiên tiến trong nước thành hiện thực. Mối quan hệ năng động giữa Ankara-Moscow là sự đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại