Hàng chục tài liệu nhạy cảm nghi của chính quyền Mỹ đã xuất hiện trên Internet từ tháng 1, nhưng mới được giới truyền thông chú ý đến vào tuần trước. Trong khi những tài liệu bị rò rỉ ban đầu chủ yếu liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, thì loạt tài liệu mới nhất được phát hiện hôm 7/4 có chứa thông tin về Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông, các hoạt động chống khủng bố và Israel.
Nếu được xác thực, những tài liệu này sẽ cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về nỗ lực do thám của Washington với cả đối thủ và đồng minh.
Một tài liệu, theo Washington Post , đề cập đến sự cố hồi tháng 9/2022, nói rằng “một máy bay chiến đấu của Nga đã suýt bắn hạ một máy bay trinh sát RC-135 của Anh trên Biển Đen, tạo ra nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mátxcơva”.
Tuy nhiên, một nguồn tin quốc phòng giấu tên của Anh nói với Financial Times rằng “những báo cáo này có điểm không chính xác và không phản ánh những gì đã xảy ra trong không phận quốc tế trên Biển Đen”.
Bình luận về vụ rò rỉ thông tin, Seoul bác bỏ cáo buộc rằng Washington đã cố gắng theo dõi các quan chức cấp cao của Hàn Quốc . Seoul lưu ý rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm nghe lén các cuộc thảo luận nội bộ trong Dinh Tổng thống ở Seoul sẽ gặp phải “hàng rào an ninh chặt chẽ”.
Bộ Quốc phòng Bulgaria cũng bác bỏ những nội dung trong các tài liệu bị rò rỉ, nói rằng nước này “không tổ chức các cuộc đàm phán về việc cung cấp miễn phí máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine” vì điều đó sẽ làm giảm khả năng phòng thủ của Sofia.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đáp trả thông tin rằng Tel Aviv có thể sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu bị thúc ép, cho biết: “Trong khi Israel đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng thủ dân sự và hỗ trợ nhân đạo, thì không có quyết định nào về vũ khí sát thương."
Ukraine , quốc gia được đề cập đến trong phần lớn các tài liệu, cũng gọi những thông tin bị rò rỉ là giả mạo. Trợ lý cấp cao của Tổng thống Ukraine – Mikhail Podoliak đã cố gắng hạ thấp mức độ ảnh hưởng của vụ rò rỉ, gọi các tài liệu này là “photoshop”.
Bất chấp hàng loạt lời phủ nhận, một số hãng truyền thông phương Tây cho biết vụ rò rỉ đã gây chấn động khắp Washington, khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden rơi vào “chế độ khủng hoảng”. Lầu Năm Góc nói rằng các tài liệu gây ra "nguy cơ rất nghiêm trọng" đối với Washington và việc đánh giá, xác thực các tài liệu đang được tiến hành.
Theo RT