Lầu Năm Góc vừa thừa nhận, vụ rò rỉ tài liệu mật về cuộc xung đột tại Ukraine gây ra rủi ro “rất nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia. Trong khi trợ lý của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Chris Meagher, cho biết, mặc dù Lầu Năm Góc đã cẩn thận không xác thực thông tin có trong bất kỳ tài liệu cụ thể nào, nhưng nhìn chung “vụ rò rỉ tài liệu gây ra rủi ro rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và có khả năng lan truyền thông tin sai lệch.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LLoyd Austin trao đổi với người đồng cấp Hàn Quốc sau vụ rò rỉ tài liệu mật. Ảnh: AP
Nhìn lại lịch sử, trong thế kỳ 21, nước Mỹ đã chứng kiến 4 vụ rò rỉ tài liệu nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với 4 vụ việc trước đó, Giáo sư Thomas Rid, Đại học John Hopking, cho biết đây là trường hợp duy nhất.
“Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm các sản phẩm tình báo đã hoàn thiện, được tổng hợp từ các cơ quan khác nhau. Đây là một loại báo cáo ngắn gọn về một vấn đề cụ thể ở một quốc gia cụ thể. Một số tài liệu được thu thập từ các nguồn rất nhạy cảm. Vì vậy, nghiên cứu các tài liệu này, các đối thủ sẽ khám phá cách thức cộng đồng tình báo Mỹ thu thập thông tin. Qua đó, họ sẽ thay đổi cách thiết lập hệ thống và khả năng theo dõi hoạt động gián điệp. Tất nhiên, các nguồn tin sẽ tự hỏi có nên làm gián điệp cho Mỹ không, nếu Mỹ không thể giữ bí mật một lần nữa”, ông Rid nhận định.
Hiện chính phủ Mỹ đang điều tra nguyên nhân và cách thức các tài liệu này bị rò rỉ. Theo thông tin mới nhất, bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, những tài liệu mật được chia sẻ trong một nhóm trò chuyện về cuộc xung đột Nga-Ukraine trên một nền tảng mạng xã hội phổ biến với các game thủ. Các bài đăng không được chú ý, cho đến khi một người dùng đăng tải các tài liệu này lên một máy chủ được sử dụng rộng rãi hơn và được các hãng truyền thông lớn đưa tin. Vì vậy, các nhà quan sát lo ngại, những tài liệu rò rỉ hiện tại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết: “Không có lý do gì để các loại tài liệu này bị chia sẻ nơi công cộng. Các tài liệu xứng đáng được bảo vệ. Vì vậy, Mỹ sẽ đi đến tận cùng của vấn đề này. Và chính phủ tìm hiểu thêm về mức độ nghiêm trọng của những gì đã xảy ra, nếu có những hành động cần được thực hiện, Mỹ sẽ thực hiện những hành động đó”.
Phản ứng về các tài liệu bị rỏ rỉ, hôm nay, Angus Campbell, người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Australia, cho biết vụ việc xảy ra với Mỹ là một sự cố "nghiêm trọng", đồng thời cho biết Mỹ đang làm việc với các đối tác để đánh giá hậu quả từ vụ việc. Hàn Quốc cho rằng, những thông tin liên quan đến Hàn Quốc là "không đúng sự thật" và "đã bị thay đổi." Canada khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand./.