Các cặp đôi châu Âu mâu thuẫn vì chiến sự Nga – Ukraine

Phương Anh/VTC News |

Nhiều nước châu Âu mâu thuẫn với nhau xung quanh các vấn đề liên quan đến chiến sự Nga – Ukraine.

Dù đồng tình trong nhiều phương diện, nhưng không phải lúc nào các nước châu Âu cũng có thể đưa ra quan điểm thống nhất xung quanh các vấn đề liên quan đến Nga – Ukraine.

Hungary đề nghị Thụy Điển ‘ngừng nói dối’

Mặc dù Hungary ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, nhưng Stockholm nên ngừng lan truyền những lời "dối trá" về Budapest và thành tích tuân thủ luật pháp của nước này, một nhà lập pháp từ quốc gia Trung Âu hôm 7/3 nhấn mạnh.

Các cặp đôi châu Âu mâu thuẫn vì chiến sự Nga – Ukraine - Ảnh 1.

Ông Csaba Hende, phó chủ tịch quốc hội Hungary. (Ảnh: AA)

Theo đó, ông Csaba Hende, phó chủ tịch quốc hội Hungary, nói với các phóng viên ở Stockholm rằng Thụy Điển đang lan truyền "những lời dối trá" và nước này cần dừng lại cũng như đối xử với Hungary bằng "sự tôn trọng hơn".

"Sẽ tốt hơn nếu trong tương lai, các chính trị gia, thành viên chính phủ, nghị sĩ và MEP (thành viên nghị viện EU) Thụy Điển tránh miêu tả Hungary sai sự thật”, Hende nói.

Ông lưu ý rằng Budapest dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ cả hai quốc gia — Phần Lan và Thụy Điển — tham gia liên minh NATO "trong những tuần tới”.

Ông nói: “Chúng tôi đã bắt đầu cuộc tranh luận vào tuần trước và thông thường khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, trong khoảng thời gian vài tuần, cuộc tranh luận như vậy sẽ kết thúc”.

Trong liên minh, chỉ có Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Đức, Ba Lan 'đấu khẩu' vì việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Khi các đồng minh NATO thể hiện sự đoàn kết ủng hộ Ukraine, sự rạn nứt giữa Đức và Ba Lan có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực chung để viện trợ cho các lực lượng của Kiev.

Các cặp đôi châu Âu mâu thuẫn vì chiến sự Nga – Ukraine - Ảnh 2.

Tranh cãi ở Warsaw và Berlin về tên lửa, xe tăng và phụ tùng thay thế cung cấp cho Ukraine đã lên một tầm cao mới. (Ảnh minh họa)

Tranh cãi ở Warsaw và Berlin về tên lửa, xe tăng và phụ tùng thay thế cung cấp cho Ukraine đã lên một tầm cao mới, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi những người ủng hộ phương Tây “nhanh chóng” cung cấp vũ khí trước khi bất kỳ cuộc tấn công mùa xuân nào diễn ra.

Các nhà lãnh đạo Ba Lan không bỏ lỡ cơ hội nào để nhắm vào Berlin, với các cáo buộc tập trung vào việc Đức trì hoãn gửi xe tăng chiến đấu ra mặt trận - gây ra nguy cơ các phương tiện thiết giáp do Đức sản xuất được gửi đi mà không có sự chấp thuận của nước này.

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz bật đèn xanh để các nước gửi xe tăng Leopard, người Ba Lan chỉ trích rằng những chiếc Leopard kiểu cũ mà họ cam kết gửi chỉ được sử dụng hạn chế vì không có phụ tùng thay thế từ Đức.

“Trách nhiệm chính thuộc về Cộng hòa Liên bang Đức, nhà sản xuất chính của những chiếc xe tăng đó”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết vào tuần trước. “Từ lâu chúng tôi đã thúc giục phía Đức tham gia liên minh xe tăng và không chỉ cung cấp xe tăng mà còn cả phụ tùng thay thế”.

Theo một quan chức giấu tên, chính phủ Ba Lan thường cho rằng Đức tập trung hơn vào việc cạnh tranh với Ba Lan để giành được danh tiếng trên trường quốc tế - hơn là thực sự cung cấp cho Kiev những gì họ cần.

Những bất bình cũ đang trỗi dậy. Đại sứ Đức trả lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak - rằng chính sách năng lượng của Đức đã giúp Moskva kiếm được hàng tỷ USD - bằng một phản ứng gay gắt trên Twitter.

“Bộ trưởng có biết Ba Lan chuyển bao nhiêu tỷ zloty mỗi năm để đổi lấy năng lượng của Nga không?” - Đại sứ Thomas Bagger hỏi.

Các quan chức Đức bác bỏ việc giọng điệu gay gắt được thể hiện nhằm mục đích chính trị trước cuộc bầu cử trong nước.

Đức đáp trả Ba Lan khi chỉ vào việc nước này đang phải vật lộn cải thiện các kho xe Leopard cũ kĩ để giao cho Kiev. Tại một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói đến kho xe tăng Leopard 2A4 hàng chục năm tuổi của Ba Lan là “không có gì để nói đến, nếu nói một cách ngoại giao”.

Ông nói, mục tiêu tập hợp hai tiểu đoàn Leopard 2 đầy đủ để Ukraine kịp thời đáp trả cuộc tấn công mùa xuân của Nga đang gặp rủi ro.

Như thể để đáp trả Berlin, Thủ tướng Mateusz Morawiecki giao bốn xe tăng đầu tiên trong chuyến thăm Kiev vào ngày 24/2, đánh dấu một năm xung đột quân sự nổ ra, ngay cả khi chính quyền Ba Lan phàn nàn rằng việc triển khai các phương tiện này có thể gặp khó khăn do thiếu phụ tùng thay thế.

Đức nói rằng những khiếu nại như vậy nên được chuyển đến các nhà sản xuất vũ khí. Một quan chức cho biết, họ không còn những chiếc xe tăng A4 trong kho.

Tuy nhiên, các quan chức ở Berlin vẫn khẳng định rằng ngoài vấn đề qua lại về xe tăng và vũ khí, các lĩnh vực song phương khác đang hoạt động trơn tru. Một quan chức cấp cao chỉ ra sự hợp tác chặt chẽ về hệ thống chống tên lửa Patriot mà Đức tặng cho Ba Lan để hỗ trợ phòng không.

Về năng lượng, Đức đang chuẩn bị cơ sở để bán một nhà máy lọc dầu gần Berlin mà nước này đã tịch thu từ công ty dầu mỏ nhà nước của Nga. Công ty PKN Orlen SA do nhà nước kiểm soát của Ba Lan trong khi đó đang quan tâm đến việc mua cổ phần.

Và trong cuộc đấu khẩu về phụ tùng, người Đức cũng nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Các cố vấn của ông Scholz đã gặp gỡ các quan chức trong ngành tại Hội nghị An ninh Munich từ ngày 17 đến ngày 19/2, cả hai bên bày tỏ sự nhẹ nhõm rằng việc sản xuất có thể được mở rộng trong thời gian thích hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại