Cả thế giới bị đánh lừa: Mỹ đang hăm hở chuẩn bị chiến tranh nhưng... không phải với Iran?

Vy Lam |

Chiến tranh có thể biến Iran thành một vũng lầy hay đích xác là cuộc chiến "không hồi kết" mà phần lớn quân đội Mỹ muốn thoát ra.

Quyết định của Nhà Trắng gần đây về việc tăng tốc triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay cùng các phương tiện quân sự khác tới vùng Vịnh đã khiến nhiều nhà quan sát tại Washington, cũng như các nơi khác trên thế giới, cho rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Iran.

Theo ông Michael Klare - Giáo sư chuyên về các nghiên cứu hòa bình & an ninh thế giới tại Đại học Hampshire, tương tự như khi sắp diễn ra chiến dịch tấn công Iraq năm 2003, các quan chức Mỹ cũng dẫn các dữ liệu tình báo khả nghi để viện cớ chuẩn bị chiến tranh.

Ngày 13/5, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan thậm chí còn đệ trình lên các quan chức cấp cao của Nhà Trắng kế hoạch điều thêm 120.000 binh lính tới Trung Đông để sẵn sàng cho một cuộc chiến có khả năng xảy ra trong tương lai với Iran và các lực lượng ủy nhiệm.

Các báo cáo sau đó cho biết Lầu Năm Góc có thể còn lên kế hoạch triển khai số lượng binh lính lớn hơn thế.

Những nhân vật “Diều hâu” trong Nhà Trắng, dẫn đầu bởi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, coi cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ cầm quyền Iran như một chiến thắng lớn cho Washington.

Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ lại nhìn nhận vấn đề này theo hướng khác. Đối với họ, đó là một bước lùi khổng lồ về đúng hình thái chiến tranh công nghệ thấp trên bộ mà Mỹ từng sa vào ở Đại Trung Đông và bắc Phi trong nhiều năm – điều mà Washington chắc chắn muốn bỏ lại sau lưng.

Đừng nhầm lẫn: Nếu Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công Iran thì họ vẫn sẽ thực hiện điều đó. Và nếu cuộc chiến diễn ra, Iran cầm chắc kết quả bất lợi. Đơn giản là vì cỗ máy quân sự “cũ rích” của họ không phải là đối thủ của Mỹ.

Song, cuộc chiến này chắc chắn sẽ dẫn tới một vũng lầy mới dành cho lính Mỹ. Iraq và Afghanistan tiêu biểu cho những cuộc chiến tranh “không bên nào giành chiến thắng” mà nhiều quan chức cấp cao của Mỹ giờ đây đang tìm cách thoát ra.

Thay vì Iran, Lầu Năm Góc đang ngày càng “điên cuồng” chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khác, đó là cuộc xung đột cường độ cao với Trung Quốc, có thể xảy ra ở Biển Đông.

Quân đội Mỹ đang tăng cường chuẩn bị để đối phó với các đối thủ “ngang tầm” là Nga và Trung Quốc. Những quốc gia này đặt ra cái gọi là thách thức “đa không gian” dành cho Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã lợi dụng việc Washington bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố để tranh thủ hiện đại hóa lực lượng và trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại.

Nhằm duy trì vị thế của một cường quốc bậc nhất, Lầu Năm Góc đang dần chuyển hướng khỏi cuộc chiến chống khủng bố và tập trung phát triển tiềm lực để có thể đánh bại hoàn toàn đối thủ.

Chuẩn bị cho cuộc chiến công nghệ cao

Nếu một cuộc chiến tranh công nghệ cao như vậy nổ ra thì theo giới chức Lầu Năm Góc, nó sẽ diễn ra đồng thời ở tất cả các không gian tác chiến – trên bộ/không/biển, trong không gian vũ trụ và không gian mạng. Bên cạnh đó, nó sẽ cho thấy sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), robot và tác chiến mạng.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến đa không gian, ngân sách năm 2020 của Lầu Năm Góc đã phân bổ 58 tỷ USD đầu tư cho các loại máy bay chiến đấu tiên tiến và 35 tỷ USD cho tàu chiến mới – đây là kế hoạch đóng tàu chiến có quy mô lớn nhất trong hơn 20 năm qua.

Cùng với đó là 14 tỷ USD dành cho các hệ thống không gian, 10 tỷ USD cho tác chiến mạng, 4,6 tỷ USD cho các hệ thống tự động-trí tuệ nhân tạo, và 2,6 tỷ USD cho vũ khí siêu vượt âm. Những con số này có thể sẽ tiếp tục được tăng lên trong những năm tới.

Cả thế giới bị đánh lừa: Mỹ đang hăm hở chuẩn bị chiến tranh nhưng... không phải với Iran? - Ảnh 1.

Mỹ đang rất lo ngại các loại vũ khí tiên tiến của Nga-Trung Quốc.

Do Nga và Trung Quốc có năng lực phòng thủ mạnh mẽ nên chắc chắn trong bất cứ cuộc xung đột nào, Mỹ cũng sẽ huy động lực lượng hải quân và không quân tiền tuyến để chọc thủng các hệ thống phòng vệ của họ.

Theo dự đoán của Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc xung đột với các lực lượng Nga ở vùng Baltic rất có khả năng sẽ xảy ra. Và vì thế, Mỹ cùng các quốc gia đồng minh NATO đang tăng cường củng cố lực lượng của họ trong khu vực này, cũng như tìm kiếm các loại vũ khí có thể tấn công mạng lưới phòng thủ dọc biên giới phía tây nước Nga.

Tuy nhiên, mối bận tâm chính của Lầu Năm Góc hiện nay là Trung Quốc – quốc gia được cho là đang tạo ra mối đe dọa lớn nhất tới các lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ.

Nhịp độ phát triển kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử của Trung Quốc đã cho phép nước này xây dựng quân đội với tốc độ ấn tượng và điều đó có thể sớm tạo ra thách thức cho Mỹ trên hầu hết các không gian tác chiến” - Đô đốc Harry Harris Jr, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (USPACOM) và hiện đang là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cho biết hồi tháng 3/2018.

Chương trình hiện đại hóa quân đội đang diễn ra của Trung Quốc là thành phần nòng cốt trong chiến lược của nước này nhằm hất cẳng Mỹ, trở thành lựa chọn đối tác an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” - ông Harris nói.

Như ông Harris đã nói rõ, bất cứ cuộc xung đột nào với Bắc Kinh cũng có thể khởi điểm ở các vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc và sẽ có các đợt tấn công quyết liệt từ Mỹ nhằm tiêu diệt năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Bắc Kinh.

Đô đốc Philip Davidson - chủ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (USINDOPACOM) đã mô tả viễn cảnh tương tự trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 2 năm nay:

Các đối thủ của chúng ta đang triển khai nhiều hệ thống A2/AD, chiến đấu cơ, tàu chiến hiện đại, cùng các loại năng lực tác chiến không gian và tác chiến mạng có thể đe dọa kế hoạch triển khai lực lượng và tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Để vượt qua những thách thức này, Mỹ phải phát triển và triển khai một loạt các hệ thống tấn công tầm xa, cùng với các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến có khả năng phát hiện, theo dõi, tiêu diệt các mối đe dọa từ trên không như tên lửa hành trình/đạn đạo/siêu thanh từ mọi hướng”.

Nếu đọc kỹ bản điều trần của hai chỉ huy trên, có thể rút ra một điều, đó là quân đội Mỹ - hay chí ít là Hải quân và Không quân Mỹ - không còn tập trung quá nhiều vào các chiến dịch chống khủng bố hay Trung Đông.

Thay vào đó, họ tập trung triển khai các loại vũ khí tinh vi nhất để chiếm ưu thế trước lực lượng được hiện đại hóa của Trung Quốc (hoặc Nga) trong trường hợp xảy ra xung đột ngắn, kéo dài vài ngày hoặc vài tuần. Đây sẽ là những cuộc chiến tranh mà trong đó, khả năng làm chủ công nghệ sẽ (hoặc ít nhất theo các quan chức quân sự cấp cao) có thể đóng vai trò quyết định.

Chiến trường "ưa thích" của Lầu Năm Góc

Cả thế giới bị đánh lừa: Mỹ đang hăm hở chuẩn bị chiến tranh nhưng... không phải với Iran? - Ảnh 2.

Tốc độ hiện đại hóa quân đội quá nhanh của Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức với Mỹ.

Những viễn cảnh mà Lầu Năm Góc đưa ra về cơ bản đã giả thuyết rằng cuộc xung đột với Trung Quốc ban đầu sẽ nổ ra tại Biển Đông hoặc Hoa Đông, gần Nhật Bản và Đài Loan.

Các nhà chiến lược Mỹ coi 2 khu vực này là “tuyến phòng thủ đầu tiên” của Mỹ tại Thái Bình Dương để từ khi Đô đốc George Dewey đánh bại hạm đội Tây Ban Nha vào năm 1898 và Mỹ chiếm Philippines.

Hiện nay, USINDOPACOM vẫn là lực lượng mạnh nhất của Mỹ trong khu vực với các căn cứ lớn đặt tại Nhật Bản (Okinawa) và Hàn Quốc.

Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu vị thế thống trị của Mỹ trong khu vực bằng cách hiện đại hóa hải quân và bố trí dọc bờ biển các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn/trung nhằm vào những căn cứ trên của Mỹ.

Tuy nhiên hiện nay, mối đe dọa rõ rệt nhất với Mỹ trong khu vực là việc Bắc Kinh chiếm giữ trái phép và quân sự hóa nhiều hòn đảo nhỏ ở Biển Đông.

Mỹ đã nhiều lần thể hiện sự không hài lòng trước hành động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, tàu chiến Mỹ cũng thường xuyên áp sát các đảo mà Trung Quốc quân sự hóa trái phép để thực hiện quyền “tự do hoạt động hàng hải”.

Tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ Mattis đã quyết định không mời Hải quân Trung Quốc tới tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới RIMPAC, đồng thời cảnh báo Trung Quốc về “hậu quả” khi không làm đúng như lời mà ông Tập đã hứa hẹn với ông Obama vào năm 2015.

Dù ông Mattis không nói rõ những hậu quả đó là gì nhưng rõ ràng quân đội Mỹ đã cân nhắc một cách thận trọng về cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc tại những vùng biển này, và đã lên kế hoạch nhằm tấn công, phá hủy toàn bộ các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở đó.

Cuộc chiến của Hải quân Mỹ và cuộc chiến của ông Bolton

Cứ khoảng vài tuần, Hải quân Mỹ lại điều một tàu khu trục trang bị tên lửa áp sát một trong những đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ phi pháp.

Đó là cách mà các chỉ huy cấp cao của Mỹ gọi là “phô trương thanh thế” hoặc cho thấy quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì vị thế thống trị tại khu vực xa xôi đó. Mỗi lần như vậy, các nhà chức trách Trung Quốc lại lên tiếng cảnh cáo hoặc điều tàu tới theo dõi và quấy rối tàu Mỹ.

Tất nhiên, “trò chơi” này có thể sẽ diễn ra trong nhiều năm mà không hề dẫn tới nổ súng hay bùng nổ khủng hoảng quy mô lớn nhưng điều đó cũng có thể thay đổi theo thời gian, nhất là khi dưới thời Trump, những căng thẳng giữa hai phía liên quan tới các vấn đề về thương mại, công nghệ, và quyền con người đang tiếp tục gia tăng.

Cả thế giới bị đánh lừa: Mỹ đang hăm hở chuẩn bị chiến tranh nhưng... không phải với Iran? - Ảnh 3.

Chiến tranh Mỹ-Trung có thể bùng nổ ở Biển Đông/Hoa Đông.

Các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã lên chiến lược rõ ràng về khả năng xung đột bùng nổ tại khu vực này một lúc nào đó và họ sẽ dốc sức lực cho cuộc chiến này nhiều hơn là cuộc chiến (nếu nổ ra) với Iran.

Họ xem Iran là một mối đe dọa ở Trung Đông và chắc chắn sẽ muốn chứng kiến sự sụp đổ của chế độ cầm quyền Tehran hiện nay. Các chỉ huy quân đội, như tướng Kenneth McKenzie - chỉ huy Bộ tư lệnh miền Trung của Mỹ, vẫn cho thấy một sự hiếu chiến nhất định theo phong cách của ông John Bolton đối với vấn đề Iran.

Tuy nhiên, Iran ngày nay đã suy yếu sau nhiều năm bị cô lập và hứng chịu các biện pháp trừng phạt nên nên họ không thể tạo ra mối đe dọa “không thể hóa giải” đối với các lợi ích chiến lược nòng cốt của Mỹ.

Bên cạnh đó, nhờ có thỏa thuận hạt nhân dưới thời chính quyền Obama mà Tehran hiện không có vũ khí hạt nhân.

Cuộc chiến với Tehran (nếu nổ ra) có thể biến Iran thành một vũng lầy, tương tự như cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2003 - chẳng phải đây đích xác là “những cuộc chiến không hồi kết” mà phần lớn quân đội Mỹ (khác với quan điểm của ông John Bolton) sẽ muốn thoát ra hay sao?

Chúng ta không thể đoán trước được mọi việc sẽ diễn tiến ra sao nhưng nếu Mỹ không đi đến chiến tranh với Iran thì sự do dự của Lầu Năm Góc sẽ đóng vai trò đáng kể trong quyết định đó.

Song, điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi viễn cảnh đổ máu trong tương lai. Chuyến tuần tra sắp tới của Mỹ ở Biển Đông, hoặc chuyến tuần tra sau đó nữa, hoàn toàn có thể làm bùng lên cuộc chiến chống lại một đối thủ mạnh hơn Iran rất nhiều và thậm chí còn trang bị vũ khí hạt nhân.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Michael Klare

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại