Chiều 19-4, đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra mục đích của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm phế phẩm cà phê với than pin.
Chưa áp dụng biện pháp hình sự
Theo đại tá Lê Vinh Quy, bà Loan mới chỉ khai nhận bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước. Hiện công an tỉnh Đắk Nông chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Loan và người làm công.
"Vụ việc xuất hiện nhiều tình thiết mới, công an tỉnh đang điều tra" - đại tá Quy nói.
Tiếp xúc phóng viên, một hàng xóm của bà Loan cho biết gia đình bà chuyển về địa phương từ năm 2016, lập doanh nghiệp thu mua nông sản.
Gia đình bà Loan thu mua các phế phẩm cà phê, hồ tiêu về phơi đầy ngoài đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đóng cửa, không còn phơi tạp chất như trước.
"Năm ngoái, tôi thấy vợ chồng bà Loan chở từng bao pin về nhưng không biết họ dùng làm gì.
Từ năm 2016, nhiều người dân đã nghi ngờ gia đình bà Loan sản xuất hồ tiêu, cà phê giả, sau đó có người đã báo cho cơ quan chức năng" - người hàng xóm cho biết.
Theo một cán bộ Công an xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (tiếp giáp xã Đắk Wer), do quen biết cảnh sát môi trường nên khoảng tháng 4-2017, ông theo chân lực lượng này tới Đắk Wer nắm tình hình vì có người báo gia đình bà Loan làm tiêu hoặc cà phê giả.
"Khi tôi trèo lên tường để quan sát thì một anh công an bảo xuống vì phát hiện nhà bà Loan có nhiều camera theo dõi, sợ bị lộ thì họ đề phòng.
Trước đó, năm 2016, có lần tôi thấy gia đình bà Loan chở nhiều bao tải nên có hỏi người hàng xóm của bà. Người này nói vợ chồng bà Loan chở pin" - vị công an xã này nhớ lại.
Kinh doanh để... vay tiền ngân hàng
Sáng 19-4, phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Loan và chồng là ông Nguyễn Xuân Bảo. Cả 2 đều phủ nhận việc dùng tạp chất tẩm nhuộm than pin để bán cho người khác chế biến thành cà phê.
Bà Loan cho biết bà làm nghề mua tiêu bụi, cà phê bụi (những tạp chất của cà phê và tiêu sau quá trình sàng lọc gồm bụi, đất đá, hạt lép hạt vỡ) từ năm 13 tuổi về sàng lọc lại bán kiếm lời.
Cuối năm 2016, bà có đăng ký kinh doanh thu mua nông sản với mục đích vay tiền ngân hàng lấy vốn làm ăn.
Theo bà Loan, mấy tháng trước, có một phụ nữ hỏi mua chất thải loại của gia đình phơi trước cửa với giá 3.000 đồng/kg. Sau đó, gia đình bà đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen như chất thải loại trước.
"Tôi có lấy số điện thoại của người phụ nữ này nhưng sau đó bị mất điện thoại nên giờ không biết bà ta ở đâu, mua làm gì" - bà Loan phân trần.
Còn theo ông Bảo, ông dùng than pin nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen. Ông thu gom pin từ các tiệm tạp hóa hết 3 triệu đồng về nhuộm được khoảng 3 tấn thì bị công an thu giữ.
Còn 3 tấn tạp chất mà công an nói đã bán ra thị trường với giá 9 triệu đồng thì "chưa được nhuộm". Ông Bảo cũng không có địa chỉ người mua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên gia đình không làm gì mờ ám thì tại sao phải gắn tới 6 camera an ninh, bà Loan giải thích: "Gia đình đã bị mất trộm và tôi rất quan tâm đến con nên lắp các camera với mục đích bảo đảm an ninh".
Tối cùng ngày, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, bà Loan cho biết vợ chồng bà xin công an chiều cùng ngày không đến làm việc.
Theo bà Loan, chồng bà mấy ngày trước uống 200 viên thuốc các loại để tự tử nên bị loét dạ dày, còn bà bị rối loạn tiền đình.
Niêm phong hơn 21 tấn nguyên liệu
Ngày 15-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang vợ chồng bà Loan và một người làm công đang nhuộm tẩm tạp chất với than pin. Ngày 18-4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo về vụ việc này.
Theo thông cáo báo chí, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Loan dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản, niêm phong 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35 kg pin bị đập dẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin.