Ca ghép phổi đầy kịch tính cho bệnh nhân Covid-19 ở TQ: Bác sĩ thất kinh khi vừa mở lồng ngực

An An |

Bác sĩ Hàn Uy Lực cho biết phổi của bệnh nhân rất xấu, rất cứng, kích thước chỉ bằng một nửa so với lá phổi bình thường.

Vào ngày 31/1, nữ bệnh nhân 66 tuổi nhiễm Covid-19 đã được chuyển từ một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang đến Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Chiết Giang do bệnh tình diễn biến xấu. Qua thời gian điều trị, bệnh viện phát hiện chức năng phổi của bệnh nhân bị suy giảm không thể phục hồi, tính mạng rơi vào "đường cùng". Cách duy nhất để kéo dài sự sống là ghép phổi.

Với sự phối hợp của Khoa Ghép phổi, Khoa Gây mê, Phòng Phẫu thuật, Phòng Chăm sóc đặc biệt, nhóm thực hiện kỹ thuật tuần hoàn ngoại cơ thể CPB và nhóm siêu âm của Bệnh viện số 1 Chiết Giang, ca phẫu thuật ghép phổi đã thành công vào ngày 1/3.

Mới đây, tờ The Paper đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Hàn Uy Lực - Chủ nhiệm Khoa Ghép phổi, Bệnh viện số 1 Chiết Giang và lắng nghe chia sẻ của ông về ca phẫu thuật kịch tính này.

______________

Có thể ghép phổi không? Chúng tôi đã phải thảo luận rất lâu

Bệnh viện chúng tôi mỗi ngày đều có hai cuộc hội chẩn MDT (hội chẩn đa chuyên khoa) về bệnh nhân Covid-19. Tôi sớm biết về tình hình của bệnh nhân này cũng là trong cuộc hội chẩn MDT: Nữ, 66 tuổi, được chẩn đoán nhiễm Covid-19 tại bệnh viện địa phương vào ngày 31/1 và chuyển đến bệnh viện chúng tôi vào ngày 2/2, được điều trị bằng đặt nội khí quản và ECMO vào ngày 3/2 và 16/2. Sau qua trình điều trị, xét nghiệm axit nucleic đã chuyển sang âm tính trong vài ngày, nhưng tình trạng phổi của bà ngày càng nghiêm trọng, chức năng phổi bị tổn thương, không thể phục hồi.

Vào ngày 21/2, trong cuộc hội chẩn MDT, chuyên gia đầu ngành về cấy ghép phổi Trung Quốc, Giáo sư Lương Đình Ba đề xuất liệu có thể thực hiện ghép phổi cho bệnh nhân hay không.

Ca ghép phổi đầy kịch tính cho bệnh nhân Covid-19 ở TQ: Bác sĩ thất kinh khi vừa mở lồng ngực - Ảnh 1.

Các bác sĩ tham gia hội chẩn về trường hợp của bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện số 1 Chiết Giang

Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này rất lâu. Cuối cùng nhận định, trước hết, bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối (về bệnh phổi), điều trị nội khoa không hiệu quả, nhưng chức năng các cơ quan khác vẫn ổn và đáp ứng được các chỉ định ghép phổi; thứ hai, dưới sự hỗ trợ kép của ECMO và máy thở, áp lực động mạch phổi của bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng cao và đã ảnh hưởng đến chức năng tâm nhĩ phải, nếu không được điều trị, tâm nhĩ phải sẽ bị hủy hoại. Đồng thời, tình trạng của bệnh nhân cũng thuộc dạng giải pháp ghép phổi cấp cứu, đáp ứng được các chỉ định cho ghép phổi.

Trước tình hình như vậy cùng với thực tế là tình trạng của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng, bác sĩ Lương Đình Ba đã ngay lập tức bố trí phòng tiếp nhận nội tạng tại bệnh viện (OPO) thông qua tổ chức OPO trên toàn quốc để tìm kiếm nguồn cung phù hợp nhưng để tìm được nguồn cung phù hợp trong thời gian ngắn thực sự rất khó khăn.

Vào ngày 28/2, mặc dù có sự hỗ trợ của máy thở và ECMO, tình trạng phổi của bệnh nhân vẫn xấu đi. CT phổi cho thấy, cả hai lá phổi đều trắng, bắt buộc phải thực hiện gấp một ca phẫu thuật ghép phổi.

May mắn thay, sang ngày 29/2, một bệnh nhân chết não ở tỉnh Hồ Nam đã tình nguyện hiến tặng phổi. Sau khi biết tin, hai bác sĩ của chúng tôi ở Khoa Ghép phổi đã ngay lập tức đi tàu cao tốc rồi đi xe ô tô đến Hồ Nam sau 9 giờ đồng hồ. Sáng sớm ngày 1/3, sau khi hoàn thành thủ tục hiến tặng, họ vội vã trở về Hàng Châu.

Thất kinh khi mở lồng ngực: Phổi có màu tím, rất cứng

Trong khi chờ đợi nguồn hiến tặng, các đội y tế của bệnh viện đã sẵn sàng, bệnh nhân cũng được chuyển đến phòng phẫu thuật áp lực âm một cách an toàn. Xét đến độ khó của ca phẫu thuật, để giảm thiểu thời gian thiếu máu của nguồn cung, các chuyên gia của mỗi đội đều thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ. Đến 13h05 chiều, tôi là bác sĩ phẫu thuật chính và ca phẫu thuật bắt đầu. Về thời gian, từ thời điểm bắt đầu phẫu thuật, đợi đến khi một lá phổi của bệnh nhân được cắt bỏ thì nguồn hiến cũng vừa đến bệnh viện.

Tôi đã thất kinh ngay khi vừa mở lồng ngực bệnh nhân. Phổi của bệnh nhân rất xấu, rất cứng. Phổi có màu tím và nó đã co lại chỉ bằng một nửa so với lá phổi bình thường. Vẫn còn lượng lớn chất nhầy trong phổi.

Ca ghép phổi đầy kịch tính cho bệnh nhân Covid-19 ở TQ: Bác sĩ thất kinh khi vừa mở lồng ngực - Ảnh 2.

Bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật.

Tôi mất rất nhiều thời gian để cắt phổi. Bởi vì bệnh nhân tương đối mập, khoang ngực trở nên nhỏ hơn, phổi nằm ở bên trong bị chảy xệ. Đồng thời, tim của bệnh nhân lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn. Nhịp tim tương đối yếu. Nếu tim bị ép di chuyển, rủi ro ngừng nhịp tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Do không gian nhỏ, tầm nhìn hạn chế nên thủ thuật cắt phổi gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều lúc phải dựa vào kinh nghiệm và cảm giác, liên tục thay đổi vị trí, từ từ và cẩn thận cắt bỏ lá phổi.

Thông thường, đây là một thao tác có độ khó cao mà lần này, bệnh nhân còn là người nhiễm Covid-19. Chúng tôi đều phải mặc quần áo bảo hộ rất dày, đeo khẩu trang N95, đeo kính bảo hộ, mũ trùm đầu - loại phòng độc - để thực hiện các thao tác, chỉ cần nhẹ di chuyển cũng cảm thấy như thiếu oxy.

Phổi của bệnh nhân Covid-19 này thực sự xấu hơn rất nhiều so với những bệnh nhân bị viêm phổi kẽ mà chúng tôi thường gặp. Phổi rất cứng, rất khó di chuyển, căn bản rất khó sai khiến, khi cắt, độ khó rất lớn.

Bình thường chỉ mất nửa giờ để cắt bỏ một bên phổi thì lần này phải mất một giờ rưỡi để hoàn thành. Rất khó để cắt bỏ nó mà không có kinh nghiệm nhất định.

Ca phẫu thuật khiến tôi có cảm giác "sụp đổ"

Thực sự rất khó khăn nhưng may mắn thay, một bên phổi thuận lợi được cắt bỏ. Đúng lúc này, 17h chiều, phổi hiến tặng cũng kịp thời đến. Tôi đẩy nhanh tốc độ, thành công cắt bỏ bên còn lại, chuẩn bị cấy ghép phổi hiến tặng.

Vấn đề nan giải đầu tiên đã xuất hiện. Bởi vì bệnh nhân béo phì, khoang ngực không phù hợp với kích thước của phổi được hiến tặng, cần phải cắt một phần lá phổi mới có thể tiến hành cấy ghép. May mắn thay, trong cuộc hội chẩn MDT trước đó, đội ngũ của Giáo sư Lương đã lên kế hoạch kỹ lưỡng. Cuối cùng, thông qua phương pháp cắt giảm thể tích phổi, cắt đi một phần lá phổi hiến tặng, kích thước cuối cùng cũng khớp.

Mọi người đều nói rằng, vạn sự khởi đầu nan nhưng ca phẫu thuật này, độ khó lúc bắt đầu lại là nhỏ nhất. Các thao tác tiếp theo thực sự khiến tôi có cảm giác "sụp đổ". 

Trong 3 năm qua, nhóm của chúng tôi đã hoàn thành hơn 50 ca phẫu thuật ghép phổi nhưng độ khó của ca phẫu thuật lần này là lớn nhất. Bởi vì bệnh nhân có áp lực động mạch phổi cao, tim thất phải phì đại, tâm nhĩ trái bị lệch về phía sau, rất khó quan sát, tạo thách thức cho việc cấy ghép dung hòa.

Đặc biệt phải xử lý sự dung hòa giữa động mạch phổi và tâm nhĩ trái, rất nguy hiểm và khó xử lý. Tôi vô cùng lo lắng bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi, hoặc là không khớp hoặc bị gián đoạn thao tác dẫn đến xuất huyết, sẽ trực tiếp khiến bệnh nhân tử vong.

Ca ghép phổi đầy kịch tính cho bệnh nhân Covid-19 ở TQ: Bác sĩ thất kinh khi vừa mở lồng ngực - Ảnh 3.

Ca phẫu thuật thành công sau nhiều giờ đồng hồ. Ảnh: Bệnh viện số 1 Chiết Giang

Mặc dù trước đó tôi đã chuẩn bị kỹ càng nhưng trước tình cảnh này tôi vẫn cảm thấy "tê dại cả da đầu". Tôi phải trấn an bản thân và nói với các đồng nghiệp khác trong phòng phẫu thuật rằng, cứ từ từ, không thể vội, thực ra, tôi cũng là đang tự an ủi bản thân mình, cần phải bình tĩnh, không thể nôn nóng, không thể để xảy ra bất cứ sai sót nào trong mỗi bước đi.

May mắn thay, theo kế hoạch phác thảo phẫu thuật trong cuộc hội chẩn MDT trước đó, với sự hỗ trợ của một máy ECMO, chúng tôi đã thiết lập thêm V-A ECMO (động mạch - tĩnh mạch) nối động mạch chủ và tâm nhĩ phải trên bàn mổ. Như vậy, với sự đảm bảo của hai máy ECMO, mặc dù nơm nớp lo lắng, thay đổi bất ngờ nhưng đến 21h18' tối, ca phẫu thuật cũng thuận lợi hoàn thành.

Xét nghiệm axit nucleic đều là âm tính

Sau khi ca phẫu thuật hoàn thành, nhìn thấy hai lá phổi được ghép bắt đầu hoạt động trong cơ thể bệnh nhân thì sự căng thẳng của tất cả mọi người mới tạm thời được buông xuống. Mọi người chẳng kịp ăn mừng mà ngay lập tức lao vào một vòng chiến đấu mới.

Vì bệnh nhân sau phẫu thuật cũng phải đối mặt với các vấn đề như tình trạng béo phì ảnh hưởng đến chức năng hô hấp nên cần phải được theo dõi chặt chẽ mọi lúc. Các chuyên gia hồi sức cấp cứu đã chờ sẵn tại điểm giao nhận để chuyển bệnh nhân đến phòng theo dõi một cách an toàn. Khi mọi thứ được thu xếp ổn thỏa, trở lại khu sinh hoạt do bệnh viện sắp xếp để nghỉ ngơi thì đã hơn 1 giờ sáng.

Sáng sớm nay (2/3), tôi đã đi kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Hệ tuần hoàn đã dần ổn định, dấu hiệu sinh tồn cũng đã ổn định, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân phát triển theo chiều hướng tích cực.

Nhưng lòng tôi vẫn "căng như dây cung", bệnh nhân ghép phổi cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như nhiễm trùng hay cơ thể từ chối tiếp nhận lá phổi mới. Chỉ cần bệnh nhân chưa thể khỏe mạnh ra viện thì công việc của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Tất cả chúng ta đều mong bệnh nhân có thể từ từ được tháo máy ECMO, tháo máy thở, hồi phục thuận lợi và hô hấp bình thường.

Trước đó, ngay sau khi lá phổi của bệnh nhân được cắt bỏ, các chuyên gia đã nhanh chóng lấy năm mẫu bệnh phẩm từ năm vị trí khác nhau của lá phổi để xét nghiệm axit nucleic, bao gồm mẫu xét nghiệm trong phế nang đều cho kết quả âm tính. Điều này cho thấy, điều trị nội khoa giai đoạn đầu của chúng tôi rất hiệu quả.

Ca ghép phổi đầy kịch tính cho bệnh nhân Covid-19 ở TQ: Bác sĩ thất kinh khi vừa mở lồng ngực - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại