Burevestnik - Vũ khí răn đe đặc biệt của Nga

TUẤN SƠN |

Dù đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang năm 2018, nhưng những bí ẩn xung quanh tên lửa hành trình hạt nhân với tên gọi Burevestnik luôn là đề tài được giới chuyên gia quân sự quan tâm.

Thông tin cơ bản của tên lửa Burevestnik như sử dụng động cơ hạt nhân, tốc độ bay cận âm và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tầm bay không giới hạn… đã được xác nhận. Tuy nhiên, những công nghệ đặc biệt được áp dụng đã biến Burevestnik thành dòng vũ khí tấn công tầm xa có một, không hai trên thế giới.

Công nghệ động cơ hạt nhân không phải là mới

Sau khi thông tin về tên lửa Burevestnik được công bố, giới chuyên gia quân sự rất quan tâm tới việc người Nga đã làm cách nào để thu gọn và tích hợp được động cơ hạt nhân lên tên lửa hành trình tương lai.

Sau quá trình phân tích, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, động cơ hạt nhân trên Burevestnik được phát triển trên cơ sở động cơ đẩy nhiên liệu rắn RD-0410 được phát triển từ thời Liên Xô.

Trong giai đoạn 1965-1985, các nhà khoa học Liên Xô đã phát triển thành công nguyên mẫu động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu hạt nhân RD-0410 với trọng lượng khoảng 2 tấn. Nguyên mẫu này có thể hoạt động liên tục trong vòng 1 giờ.

Dù nguyên mẫu động cơ này chưa đủ tin cậy để áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực tên lửa của Liên Xô, nhưng là tiền đề để phát triển công nghệ động cơ tên lửa hạt nhân trong tương lai.

Thực tế, công nghệ động cơ phản lực hạt nhân được cả Liên Xô và Mỹ theo đuổi trong những năm chiến tranh Lạnh. Chúng đều sử dụng nguyên lý động cơ phản lực dòng thẳng thông thường, nhưng số phận của chương trình phát triển động cơ hạt nhân ở mỗi nước lại đi theo hướng khác nhau.

Mỹ chính là nước đi tiên phong phát triển động cơ phản lực hạt nhân từ năm 1946 với chương trình NEPA (Nuclear Energy for the Propulsion of Aircraft – Năng lượng hạt nhân cho hệ thống động lực hàng không).

Người Mỹ đã thu được kết quả nhất định với các mẫu lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ ASTR và R-1 đủ để trang bị trên các loại phương tiện bay. Các nguyên mẫu động cơ phản lực hạt nhân này đã được thử nghiệm trên máy bay ném bom B-36.

Tuy nhiên, toàn bộ chương trình phát triển động cơ phản lực hạt nhân của Mỹ bị đình chỉ năm 1961, sau quyết định của Tổng thống F.J. Kennedy. Nhà lãnh đạo nước Mỹ đánh giá, công nghệ hạt nhân áp dụng trên máy bay quân sự là thiếu tin cậy và khả thi.

Trong khi đó, Liên Xô cũng bắt tay vào phát triển công nghệ động cơ hạt nhân vào năm 1947. Tới năm 1955, Văn phòng thiết kế hàng không Myasishchev đã nhận được yêu cầu phối hợp với hàng loạt Tổ hợp thiết kế động cơ phản lực danh tiếng để tập trung cho ra đời nguyên mẫu động cơ phản lực hạt nhân.

Kết quả là nguyên mẫu YaAD của Tổ hợp thiết kế Lyulka được đánh giá là đủ tin cậy. Tuy nhiên, dù phù hợp để lắp đặt trên máy bay quân sự, nhưng nguyên mẫu động cơ không đảm bảo được an toàn bức xạ cho kíp phi công, cũng như các vấn đề phát sinh khi bị bắn rơi hoặc tai nạn.

Dự án YaAD sau đó đã bị tạm dừng, nhưng ứng dụng của nó đã giúp Liên Xô trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có được công nghệ lò phản ứng hạt nhân “bỏ túi”.

Sau này, Nga đã kế thừa các công nghệ phát triển từ thời Liên Xô để hoàn thiện YaAD và trang bị nó trên tên lửa hành trình Burevestnik.

Burevestnik là một phần của khả năng răn đe chiến lược của Nga

Trong thời đại của công nghệ siêu vượt âm, việc tên lửa Burevestnik chỉ đủ khả năng bay ở tốc độ cận âm, dễ bị các tổ hợp vũ khí phòng không phát hiện và bắn hạ có thể đúng trong những cuộc xung đột cục bộ. Tuy nhiên, Burevestnik có vai trò hoàn toàn khác. Nó là một phần trong hệ thống răn đe chiến lược của Nga.

Giống như ngư lôi tự hành Poseidon, Burevestnik không phải là vũ khí tấn công phủ đầu, mà được dùng để trong các đòn tấn công tiếp sau của chiến tranh tổng lực. Trong chiến tranh tổng lực, đi đầu sẽ là các đợt tấn công sẽ là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phủ đầu vào lãnh thổ các quốc gia thù địch.

Sau những đòn tấn công quy mô như vậy, dù bị suy yếu, nhưng để đảm bảo bẻ gãy hoàn toàn khả năng phản công hay kháng cự của đối thủ chính là nhiệm vụ của Burevestnik.

Với đầu đạn hạt nhân, quỹ đạo bay có thể hiệu chỉnh và tầm bắn không giới hạn, Burevestnik chính là những đòn tấn công chính xác cao vào những cơ sở quân sự còn lại của đối phương sau đợt tấn công phủ đầu.

Trong khi, Poseidon có thể tạo ra sóng thần nhấn chìm các vị trí ven biển, thì Burevestnik sẽ tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lục địa. Ở thời điểm đó, hệ thống phòng không của đối phương đã sứt mẻ qua các đợt tấn công phủ đầu sẽ không còn khả năng ngăn chặn hoặc bộc lộ các điểm yếu để Burevestnik vượt qua.

Hơn thế nữa, sau các đòn tấn công hạt nhân quy mô, môi trường phóng xạ và ion hóa đậm đặc sẽ khiến cho việc phát hiện ra tên lửa Burevestnik bay tới là không thể.

Như vậy, khác với vai trò của Tomahawk là tấn công phủ đầu, Burevestnik đóng vai trò như vũ khí răn đe để khiến các đối thủ hiểu rằng sẽ không có cơ hội chiến thắng nếu gây chiến với nước Nga!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại