Từ loại đạn mới rất uy lực...
Mới đây, Công trình Chế tạo đạn chống tăng xuyên giáp động năng do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) và Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đã xuất sắc đoạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Được biết, công trình trên do PGS.TS. Đoàn Đình Phương thuộc Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm.
Đây được xem là dấu mốc mới đối với ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong một vài năm trở lại gần đây, khi chúng ta có thể tự nghiên cứu và phát triển một mẫu đạn chống tăng hoàn toàn mới dựa trên nền tảng đạn pháo dã chiến 85mm của Liên Xô.
Càng đặt biệt hơn nữa khi các nhà khoa học của ta đã thành công trong việc sử dụng hợp kim vônfram ứng dụng làm lõi đạn xuyên động năng cho mẫu đạn pháo chống tăng mới.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng trên thế giới hiện chỉ có một vài quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo loại đạn này, khi quy trình sản xuất loại đạn này đòi hỏi hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Kết quả bắn thử nghiệm đạn xuyên giáp động năng sử dụng lõi hợp kim vônfram đối với các tấm thép có độ dày lên đến 130mm.
Và từ những kết quả thu được của công trình trên, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đang tiếp tục ứng dụng để chế tạo các loại đạn chống tăng xuyên giáp động năng cho các mẫu pháo lớn hơn như 100mm và 125mm đang được trang bị trên các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội ta hiện nay.
... tới đạn chống tăng mới cho "cua đồng" T-55
Ở thời điểm hiện tại, trong biên chế của lực lượng Tăng thiếp – giáp của Quân đội ta, đóng vai trò chủ lực vẫn là các xe tăng T-54/55. Tuy nhiên, mẫu xe tăng này đã có thời gian phục vụ đã khá dài, trang bị khí tài của chúng từ lâu cũng không được nâng cấp mới trong số đó có cả pháo chính 100mm D-10T.
Mặc dù dòng xe tăng T-54/55 do Liên Xô chế tạo từ đầu Chiến tranh Lạnh khá phổ biến trên thế giới, thế nhưng kể từ khi Quân đội Liên Xô loại biên T-54/55 vào cuối những năm 1980 thì việc chế tạo đạn pháo thông thường và đạn pháo chống tăng mới giành cho mẫu xe tăng này cũng bị bỏ mặc.
Từ đạn pháo 85mm (bên trái) với lõi hợp kim vônfram do trong nước tự nghiên cứu và chế tạo chúng ta hoàn toàn có thể phát triển thành các mẫu đạn xuyên động năng dưới cỡ nòng APDS và APFSDS giành cho xe tăng.
Đây có thể xem là một trong những điểm yếu của dòng xe tăng T-54/55 trong môi trường tác chiến hiện đại, khi các mẫu đạn pháo 100mm mà chúng đang sử dụng đã có phần lỗi thời.
Bản thân xe tăng T-54/55 cũng được trang bị các mẫu đạn chống tăng xuyên giáp tiên tiến APDS và APFSDS nhưng chúng đều được chế tạo bởi công nghệ từ những năm 1960-1970.
Trung tướng Trần Hồng Minh, Tư lệnh Quân khu 1 kiểm tra công tác SSCĐ tại Lữ đoàn Xe tăng 409. Ảnh minh họa: Báo QK1.
Từ những hạn chế trên việc chúng ta chế tạo thành công đạn pháo chống tăng xuyên giáp động năng sử dụng lõi hợp kim vônfram sẽ là bước đệm quan trọng giúp ngành CNQP Việt Nam tiến tới chế tạo các loại đạn tương tự giành cho các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực trong nước, mà đầu tiên sẽ là đạn pháo chống tăng mới giành cho dòng xe tăng T-54/55.
Việc sử dụng lõi hợp kim vônfram cho phép chúng ta chế tạo các mẫu đạn xuyên động năng dưới cỡ nòng APDS và APFSDS cho nhiều loại pháo khác nhau.
Bản thân Liên Xô trước đây cũng phát triển các mẫu đạn này cho xe tăng T-54/55 như 3BM6, 3BM8, 3BM20 và 3BM25. Các mẫu đạn này sẽ là nền tảng quan trọng cho phép Việt Nam chế tạo ra các mẫu đạn pháo 100mm mới.
Hiện tại dù không rõ xe tăng T-54/55 Việt Nam có được trang bị các mẫu đạn pháo APDS và APFSDS nào hay không nhưng với những thành quả đạt được từ công trình trên, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng trong tương lai gần những chiếc T-54/55 của chúng ta sẽ được trang bị đạn xuyên giáp "Made in Việt Nam".
Và sau đạn xuyên giáp 85mm, 100mm, mục tiêu tiếp theo của công nghiệp quốc phòng Việt Nam sẽ là nghiên cứu, chế tạo đạn pháo 125mm giành cho dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhất của Quân đội ta – T-90S/SK.